Kinh tế

Người trồng mận Sơn La lo lắng vì giá xuống thấp

Giá mận “lao dốc” trong những ngày qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của các hộ trồng mận. Hiện nay, giá bán mận giảm xuống chỉ còn có 10.000 đồng đến 15.000 đồng/1kg.

155155 nguoi trong man son la lo lang vi gia ca lao doc
Thương lái thu mua mận hậu. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Hiện nay ở Sơn La, mận hậu đang dần trở thành cây mang lại nguồn thu nhập lớn, giúp thay đổi cuộc sống cho nhiều hộ dân. Tuy hiện, năm nay khi mới chỉ bước vào những ngày đầu tiên của mùa thu hoạch mận, đã có những biến động lớn về giá thu mua.

Khu vườn rộng gần 4 ha của gia đình ông Tòng Văn Hoàn, bản Bóng Phiêng, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La mấy hôm nay trở nên im ắng hơn mọi ngày. Chỉ cách đây chưa lâu, khu vườn này vẫn còn ồn ào, náo nhiệt bởi công việc thu hái mận để mang đi bán.

Nhưng hiện gia đình ông quyết định không hái mận hậu nữa, nguyên nhân là do giá bán mận giảm xuống chỉ còn có 12.000 đồng đến 15.0000 đồng/1kg, thấp hơn gần 10.000 đồng so với vài ngày trước.

Ông Tòng Văn Hoàn cho biết, khu vườn của gia đình ông được trồng xen mận hậu và cà phê, mỗi năm cũng cho thu hoạch gần 200 triệu đồng. Những vụ mận trước, giá cả lúc đầu mùa luôn ổn định, nhưng năm nay lại đột ngột xuống giá. Nguyên nhân có thể do người dân bị các cơ sở thu mua ép giá. Bây giờ phải đợi mấy ngày nữa chín rộ mong là sẽ có giá ổn hơn, chứ thế này người trồng mận chịu thiệt nhiều.

Còn tại các điểm thu mua mận trên địa bàn xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La không khí mua bán cũng không còn tập nập như những ngày trước. Tại đây, những hộ gia đình đã hái mận hậu đang tranh thủ bán hết dù phải chấp nhận giá thấp. Nếu để sang hôm sau có khi giá mận lại tiếp tục xuống nên bà con sẽ chịu lỗ nặng hơn.

Bà Trần Thị Nụ, chủ cơ sở thu mua mận ở thành phố Sơn La cho biết, những ngày trước giá thu mua là 20.000 đồng đến 21.000 đồng, nhưng giờ xuống chỉ còn bằng một nửa, nguyên nhân một phần là do bà con hái nhiều quả xanh và nhỏ.

Hiện mới chỉ là những ngày đầu tiên của vụ thu hoạch mận hậu và sang đầu tháng 6 mận sẽ được thu mua nhiều hơn. Tuy nhiên, trước biến động của giá mận trong những ngày qua thì câu chuyện được mùa mất giá lại khiến cho những người trồng mận không khỏi lo lắng.

Chị Lò Thị Oai, ở bản Bản Ngoại, xã Chiềng Cọ chia sẻ, giá cả như thế này người dân là chịu thiệt nhất, mình làm bao nhiêu công sức giá thấp coi như đổ xuống sông xuống bể hết. Bây giờ mận vào vụ thu hoạch rồi, nếu để quá ngày sẽ hỏng hết quả, chỉ mong Nhà nước có chỗ thu mua ổn định để người dân yên tâm.

155134 nguoi trong man son la lo lang vi gia ca lao doc
Người dân xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La thu hái mận hậu. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Ông Quàng Văn Lẻ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La cho biết, những năm gần đây việc phát triển cây mận trên địa bàn xã rất mạnh, hơn nữa thu nhập từ cây mận hậu và mận cơm lại hiệu quả hơn do chi phí thấp, không vất vả chăm sóc như cây cà phê.

Nhưng giá cả và đầu ra là điều khiến người dân lo lắng nhất. Bởi tất cả mận trong vùng đều do tư thương thu mua, nên họ có thể nâng lên hoặc hạ xuống bất cứ lúc nào. Đề nghị các cơ quan chức năng có giải pháp tìm đầu ra để ổn định giá cả và đảm bảo quyền lợi cho nông dân.

Theo bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, nguyên nhân của thực trạng này là do thời điểm thu hoạch cây mận diễn ra trong thời gian rất ngắn, chỉ trong vòng một tháng quả đã chín rộ nên sức mua của thị trường chưa đáp ứng được.

Ngoài ra, tại Sơn La mới chỉ tiêu thụ mận tươi, chứ các sản phẩm chế biến từ mận chưa có nhiều, hiện nay chỉ có duy nhất một cơ sở chế biến nên giá cả lúc vào chính vụ xuống rất thấp. Một nguyên nhân quan trọng khác đó là việc xây dựng thương hiệu và chuỗi tiêu thụ cho cây mận chưa đảm bảo, việc tiêu thụ đều do các tư thương đứng ra nên giá cả thường xuyên biến động.

Trước thực trạng đó, từ nay đến năm 2020 tỉnh Sơn La đang tập trung để xây dựng thương hiệu cho cây mận, trước mắt là ở huyện Mộc Châu. Cùng với đó, sẽ thành lập các Hợp tác xã chuyên sản xuất mận, tạo ra chuỗi sản xuất an toàn và có đầu ra ổn định. Đồng thời, liên kết giữa các địa phương có trồng mận để hỗ trợ tốt cho nông dân trong phát triển sản xuất.

Hiện tỉnh Sơn La có tổng diện tích mận cho thu hái đạt trên 4.000 ha. Sản lượng thu hoạch ước đạt hơn 40.000 tấn quả tươi/năm. Tuy nhiên, việc hình thành cầu nối tiêu thụ, bình ổn giá cho nông dân luôn là bài toán khó không chỉ của riêng ngành nông nghiệp./.

Tác giả: Hữu Quyết
Nguồn tin: bnews.vn
  Từ khóa: hiện nay ,ảnh hưởng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP