“Lãnh đạo tỉnh ta có ai tiêu cực không”
Tháng 2.2000 ông Trương Đình Tuyển rời Bộ trưởng Bộ Thương mại về làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, ông Tân với tư cách là Chủ tịch UBND TP. Vinh đến chào xã giao. Khi ông vừa đến cổng Tỉnh ủy, cảnh vệ cho biết ông HTT (hồi đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An) vừa sang gặp nhưng ông Tuyển không tiếp nên giờ xin gặp nữa thì chắn chắn không được.
Ông Tân nói cảnh vệ cứ gọi điện cho ông Tuyển báo có khách ở thành phố Vinh muốn vào gặp Bí thư Tỉnh ủy. Anh cảnh vệ một mực từ chối. Ông Tân hỏi: “Đồng chí có phải công dân TP. Vinh không. Tôi là Chủ tịch UBND TP. Vinh nhờ đồng chí chẳng lẽ không được”. Biết thế, anh cảnh vệ mạnh dạn cầm máy điện thoại bàn gọi rồi báo lại ông Tân: “Bí thư mời anh vào”.
Sau khi bắt tay xã giao, ông Tân nói ngay: “Bí thư Tỉnh ủy cũng là công dân của TP. Vinh. Đáng lẽ về đây anh đến thăm anh em thành phố mới đúng nhưng tôi đến chào anh mà xin gặp khó khăn quá vì nghe nói anh không tiếp khách”. Ông Tuyển giải thích: “Có khó khăn gì đâu. Mới đây anh Th. bên Ủy ban sang nhưng tôi đang bận. Giờ thì tiếp được rồi”. Nghe vậy, ông Tân nói: “Biết Bí thư mới của tỉnh về đây công tác tôi thay mặt thành phố đến chào anh tí thôi”. Nói xong, ông Tân chào ông Tuyển, ra về.
Một dịp khác gặp ông Tuyển tại phòng làm việc, ông Tân hỏi: “Anh từ Bộ trưởng Bộ Thương mại về làm Bí thư Tỉnh ủy, tôi xin hỏi anh, các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh vụ tỉnh ta tính Đảng cao hay không”. Ông Tuyển nhìn thẳng vào ông Tân nói: “Cậu hỏi lạ, Thường vụ Tỉnh ủy mà tính Đảng không cao thì ở đâu cao”. Ông Tân chưa chịu nên hỏi tiếp: “Trong công tác tổ chức cán bộ, kết quả giơ tay và bỏ phiếu kín có khác nhau không”. Ông Tuyển bảo: “Khác chứ”. Lúc này ông Tân mới cảm ơn ông Tuyển vì “anh nói rất thật”. Và, như vậy chứng tỏ tính Đảng của lãnh đạo không cao. Vì tính Đảng cao thì kết quả giơ tay cũng phải bằng bỏ phiếu kín.
Năm 2001, gặp Bí thư Tỉnh ủy, ông Tân hỏi: “Theo anh, lãnh đạo tỉnh ta có ai tiêu cực không”. Ông Tuyển ngỡ ngàng, hỏi lại: “Cậu hỏi thế với ý gì”. Ông Tân nói: “Bí thư chưa trả lời nhưng tôi khẳng định là có đấy”. Hôm ấy, cuộc trò chuyện bỗng dưng trở nên căng thẳng đến nỗi anh Trần Mạnh Đồng, thư ký của ông Tuyển vào mời ông Tân ra nhưng ông Tuyển bảo: “Cậu cứ ra đi. Bọn mình nói chuyện to thế nhưng không có gì rắc rối đâu”.
Ông Tuyển vừa dứt lời thì ông Tân đưa tờ trình ngày 20.8.2001 của Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Bộ giao thông vận tải) gửi UBND tỉnh, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải và UBND TP. Vinh về việc xin thi công một số công trình như cầu Cửa Tiền, đường Nam Cấm… Góc trái tờ trình này có bút phê của ông HTT- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ghi: “Về quan điểm, UBND tỉnh đồng ý tiếp tục bố trí cho Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 dự án đường Lệ Ninh, tổng mức đầu tư gần 40 tỉ đồng.
Đề nghị Tổng 5 làm việc với UBND TP. Vinh để có thủ tục tiếp theo”. Ông Tân bức xúc vì trong tờ trình không đề cập tới đường Lệ Ninh mà lại có bút phê về con đường này. Và trước đó, năm 2001, UBND TP. Vinh xin UBND tỉnh cho đơn vị này thi công đường Nguyễn Sĩ Sách với mức đầu tư 20 tỉ đồng nhưng ông Th. không chấp nhận vì cho rằng, đơn vị này không có vốn nay bỗng dưng bút phê đề cập tới đơn vị này. Nghe ông Tân phản ánh, ông Tuyển bảo “làm sao có chuyện như thế được”.
Ông Tân nghĩ, hình như ông Tuyển cho mình khịa chuyện nên mình khẳng định chuyện tiêu cực là có. Tình thế, buộc ông Tân nói rõ việc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 mang đến 100 triệu đồng làm “quà” nhưng ông từ chối và gọi cán bộ văn phòng kiểm đếm, niêm phong số tiền. “Sở dĩ tôi nói thẳng với Bí thư là do tôi nghĩ ở thành phố có chuyện tiêu cực thì dứt khoát ở tỉnh cũng có”, ông Tân bộc bạch.
Ngày 4.10.2001 chủ tịch UBND tỉnh là ông LDH ký công văn số 3446/CV-UB gửi UBND TP. Vinh yêu cầu ông Tân “báo cáo cụ thể những vấn đề liên quan tới ý kiến đã cung cấp cho Bí thư Tỉnh ủy. Cụ thể việc ông HTT ép thành phố chấp nhận đối tác đầu tư công trình đường Lệ Ninh để Ban cán sự UBND tỉnh kịp thời báo cáo Bí thư Tỉnh ủy”. Trong công văn trả lời, ông Tân kèm theo tờ trình của Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 có bút phê của ông HTT và “yêu cầu xác minh chữ viết và chữ ký trong bút phê của ông Th. có đúng hay không”.
Tiếp đó, ông Tuyển giao cán bộ văn phòng tỉnh ủy xuống gặp ông Tân để tận mắt kiểm đếm số tiền đang bị niêm phong. “Vụ đó, ông Tuyển bực lắm và đã có bước xử lý tiếp theo”, ông Tân tiết lộ. Sau này, trong một lần gặp, ông Tuyển nói với ông Tân: “Trong đời làm bộ trưởng mình chưa thấy ai dám tay bo với mình như cậu”.
Tập xe máy để chở Bí thư Tỉnh ủy
Năm 2002, ông Tân nhận điện thoại của ông Tuyển về việc Bí thư Tỉnh ủy sẽ về thăm, làm việc ở một phường, xã khó khăn nhất của TP. Vinh. Ông Tân chọn phường Vinh Tân. Sau đó, ông xin ý kiến ông Tuyển về cách đi. Ông Tuyển bảo, hai anh em đi một xe máy, Chủ tịch thành phố chở Bí thư Tỉnh ủy. Nghe thế, ông Tân bỗng giật mình vì khi làm Giám đốc Điện lực đến Chủ tịch UBND TP. Vinh đều đi bằng xe ôtô cơ quan, chưa một lần đi xe máy. Giờ phải chở Bí thư Tỉnh ủy là một bài toán nan giải. Nghĩ vậy, ông mượn xe máy của anh em trong cơ quan bắt đầu tập cấp tốc. Một số cán bộ thành phố thấy cảnh ông Tân trì trật tập xe thì ôm miệng rúc rích cười: “Bữa ni Chủ tịch thành phố bị hâm”.
Tập một buổi ông Tân cũng đã đi được xe máy nhưng phải đi từ từ. Đúng hẹn, ông đi xe máy đến Tỉnh ủy để chở ông Tuyển vào phường Vinh Tân. Ông kể: “Từ Tỉnh ủy vào Vinh Tân chỉ hơn cây số mà mình đi mất gần 30 phút vì đi vừa chậm vừa lo tránh người cho Bí thư được an toàn”. Cuộc đó, sau khi tiếp xúc với người dân, ông Tuyển đi thị sát con đường xấu nhất mà người dân yêu cầu phải được nâng cấp, sữa chữa gấp. Ông Tân đứng dậy nói: “Bây giờ Bí thư phường chở Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch phường chở Chủ tịch thành phố, nhé”. Nói xong, ông Tân thở phào vì đã thoát được “nạn xe ôm đột xuất”.
Xin không làm Bí thư Thành ủy Vinh
Năm 1997, ông Tân từ Giám đốc điện lực Nghệ An được điều chuyển về làm Phó Bí thư Thành ủy Vinh. Được hai năm, ông Tân làm Chủ tịch UBND TP. Vinh (1999). Khi ông Tân đang làm Chủ tịch thành phố tháng thứ ba thì Thành ủy Vinh nhận công văn của Tỉnh ủy yêu cầu có hướng sắp xếp nhân sự chủ chốt để chuẩn bị thay thế ông Nguyễn Hữu Bản, Bí thư Thành ủy Vinh nghỉ hưu.
Ông Bản có công văn trả lời như sau: Người được Thành ủy Vinh cân nhắc làm Bí thư Thành ủy là đồng chí Đào Duy Tân. Đồng chí Tân đi lên từ nghành công nghiệp điện. Có năng lực. Phẩm chất tốt. Dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tuy nhiên khi biết hướng điều chuyển công tác này, ông Tân nói thật với ông Bản rằng ông không có ý tưởng trở thành Bí thư Thành ủy, kể cả Chủ tịch thành phố Vinh.
Tháng 6.2002 ông Tân bất ngờ thấy Bí thư Tỉnh ủy đến nhà thăm. Hôm đó, ông Tân được dịp hàn huyên với Bí thư Tỉnh ủy. Ông Tuyển bảo: “Nếu anh ở đây làm Bí thư thì em sẽ phát triển tốt. Anh ra Hà Nội rồi thì em nên làm Chủ tịch thành phố hoặc Bí thư Thành ủy thôi”. Ông Tân cảm ơn ông Tuyển và thưa lại: “Anh đi trước thì em đi sau. Em không ở đây lâu dài đâu mặc dù từ khi làm lãnh đạo thành phố em không tư túi một miếng đất làm nhà”. Sau đó, cuối năm 2002 ông Tân về làm Trưởng ban quản lýdự án thủy điện 2, xây dựng công trình thủy điện Bản Vẽ ở huyện Tương Dương (Nghệ An).
Tác giả bài viết: VŨ TOÀN
Nguồn tin: