Một người đàn ông 54 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội đã phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương do khó thở và đau ngực dữ dội.
Trước đó, bệnh nhân vẫn đi làm bình thường nhưng về chiều tối thì thấy mệt mỏi. Đến đêm, ông xuất hiện khó thở, đau nhói ngực phải tăng lên khi hít vào.
Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tràn khí màng phổi và tiến hành dẫn lưu màng phổi, hỗ trợ thở ngay lập tức. Kết quả kiểm tra cho thấy phổi bệnh nhân có nhiều bóng khí do bị thủng, gây tràn khí màng phổi, xẹp phổi.
Phổi của bệnh nhân có nhiều bóng giãn, phế nang có nhiều bóng khí. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống |
Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi tại Khoa Hồi sức tích cực. Được biết, ông là thợ xây, có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm và gần đây mới giảm bớt do sức khỏe giảm sút.
Sức khỏe & Đời sống dẫn lời BSCKII Khiếu Mạnh Cường, bác sĩ chuyên ngành Ngoại - Lồng ngực, Khoa Ngoại Gan mật và Ung bướu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: "Phổi của bệnh nhân có nhiều bóng giãn, phế nang có nhiều bóng khí. Trên bề mặt nhu mô phổi có nhiều điểm yếu cần phải tiến hành phẫu thuật nội soi lồng ngực nhằm tránh bị tái phát tràn khí màng phổi lại".
Bác sĩ Cường phân tích: "Tràn máu - tràn khí màng phổi, tràn khí màng phổi có van là tình trạng khá nguy hiểm, nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời thì tình trạng này sẽ ngày càng nghiêm trọng. Bệnh nhân sẽ bị suy hô hấp hoặc mất máu có thể gây sốc trong trường hợp tràn máu, tràn khí, nguy cơ tử vong cao. Trong các cách xử lý tràn khí màng phổi thì phẫu thuật nội soi lồng ngực là cách tốt nhất để giải quyết hiệu quả và dứt điểm tình trạng này".
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân hậu phẫu thuật. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống |
Theo các bác sĩ, phẫu thuật nội soi điều trị tràn khí màng phổi là phương pháp điều trị ít xâm lấn, giảm đau sau mổ, rút ngắn thời gian hậu phẫu. Thao tác mổ nội soi ưu việt hơn mổ mở đặc biệt trong phẫu thuật lồng ngực. Mổ nội soi, bác sĩ có thể đưa ống nội soi vào tất cả các vùng, kể cả những vùng ở sâu trong lồng ngực mà mổ mở không dễ dàng quan sát được. Phẫu thuật nội soi không chỉ giúp giảm tỷ lệ tái phát bệnh mà còn mang lại tính hiệu quả về thẩm mỹ.
Sau phẫu thuật 5 ngày, bệnh nhân T đã hồi phục sức khỏe và bắt đầu tiến hành tập phục hồi chức năng hô hấp với các bài tập thở, ho, khạc, thổi bóng nhằm giúp phổi nở tốt, chống xẹp phổi và giúp đẩy dịch tiết ra hết bên ngoài.
"Với những bệnh nhân khó thở, ngất, người sơ cứu cần xem xét kỹ tình trạng của người bệnh, tránh ép tim cấp cứu khiến không khí càng tràn qua lỗ thủng vào màng phổi gây chèn ép phổi chặt lại khiến bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao", bác sĩ Khiếu Mạnh Cường lưu ý.
Đây không phải trường hợp đầu tiên bệnh nhân có sức khỏe gặp vấn đề khi hút thuốc lá. Trước đó, một nam thanh niên (25 tuổi, Hà Nội) đột ngột liệt nửa người bên phải, hôn mê. Anh được đồng nghiệp đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng rối loạn ý thức, ngôn ngữ. Kết quả chụp CT sọ não phát hiện một động mạch lớn bị tắc (đột quỵ thể nhồi máu não), nguy cơ tử vong 70-80%.
Thanh niên này có tiền sử khỏe mạnh, nhưng từ năm 18 tuổi anh đã hút thuốc lá, trung bình mỗi ngày khoảng 20 điếu. Người bệnh được ê-kíp can thiệp nội mạch. May mắn, thời gian can thiệp kịp thời, anh thoát nguy kịch, hồi phục hoàn toàn, theo VTC News.
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn