Ngày 21-10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đang tạm giữ hình sự thêm 4 đối tượng trong đường dây tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và tàng trữ, mua bán trái phép công cụ hỗ trợ, gồm: Vũ Thị Diệp (SN 1990; ngụ huyện Củ Chi, TP HCM); Đặng Quốc Ánh (SN 1994), Đặng Quốc Huân (SN 1995) và Đặng Văn Tỉnh (SN 1997) - cùng ngụ huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
Trước đó, vào ngày 22-8, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Kiên Giang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an phá thành công chuyên án chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng quy mô lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Qua đó, đã bắt tạm giam 12 đối tượng, thu giữ 84 khẩu súng các loại, hơn 300 viên đạn, 365 ống kim loại chứa CO2, 1 roi điện; 1 máy tiện chuyên dụng và một số thiết bị, máy móc phục vụ việc chế tạo, cải tạo các loại súng bắn đạn bi, đạn thể thao thành súng có tính năng tương tự vũ khí quân dụng.
Đối tượng Vũ Thị Diệp |
Theo kết quả giám định, trong 84 khẩu súng được thu giữ thì có 11 khẩu súng là vũ khí quân dụng, 14 khẩu súng là công cụ hỗ trợ.
Qua đấu tranh ban đầu, các đối tượng thừa nhận hành vi phạm tội. Trong đó, Dương Minh Tuấn (SN 1982) khai nhận đã mua súng của Cao Văn Hoài (SN 1995) và Võ Ngọc Trâm (SN 1995, vợ của Hoài), sau đó cải tạo súng có tính năng sát thương và độ chính xác cao để bán cho các đối tượng hình sự, tệ nạn xã hội có nhu cầu.
Hoài và Trâm thừa nhận đặt mua súng, công cụ hỗ trợ rồi rao bán qua mạng cho các đối tượng hình sự ở tỉnh Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Khánh Hòa và TP Hà Nội.
Sau khi phá án, bắt giam 12 đối tượng nói trên, Ban Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang chỉ đạo ban chuyên án củng cố chặt chẽ tài liệu chứng cứ, làm rõ hành vi phạm tội của từng đối tượng để xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật; đồng thời khẩn trương điều tra mở rộng làm rõ nguồn gốc các loại vũ khí bán cho số đối tượng tội phạm cầm đầu tại Kiên Giang.
Số vũ khí nguy hiểm được thu giữ |
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ban chuyên án phát hiện Vũ Thị Diệp có nhiều giao dịch mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ với Hoài và 3 đối tượng đàn em có biểu hiện đang hoạt động mua bán súng, công cụ hỗ trợ tại TP HCM.
Qua gần 2 tháng xác minh và điều tra mở rộng, ban chuyên án đã có đủ chứng cứ xác định Diệp là đầu mối quan trọng, chuyên mua bán, vận chuyển súng, các loại công cụ hỗ trợ và có kho hàng để cất giấu.
Tuy nhiên, việc bắt giữ đối tượng này là điều không dễ dàng. Để che giấu mọi hoạt động phạm tội trong đường dây tổ chức của mình, Diệp cùng đàn em dùng nhiều thủ đoạn rất liều lĩnh và tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng.
Mặc dù vậy, bằng sự nhạy bén trong điều tra phá án cũng như áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đến ngày 15-10, ban chuyên án phát hiện Diệp đang chỉ đạo cho đồng bọn mua bán và vận chuyển 63 khẩu súng các loại cho một đối tượng tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
3 đối tượng Ánh, Huân và Tình (trái qua) |
Từ đó, Đại tá Nguyễn Văn Hận, Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang, chỉ đạo ban chuyên án nhanh chóng phối hợp Cục Cảnh sát hình sự và Công an tỉnh Bình Dương tiến hành bắt và khám xét chỗ trọ của Tỉnh ở TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương (đây là đối tượng nhận vận chuyển súng cho Diệp).
Từ đây, các đối tượng trong đường dây lần lượt bị bắt. Riêng đối với Diệp, bước đầu cơ quan điều tra đã xác định vào năm 2019, Diệp cùng chồng là Phạm Thành Long bị TAND Củ Chi xử phạt 3 năm tù giam về tội ""Mua bán trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ" nhưng cho Diệp tạm hoãn thi hành án do nuôi con nhỏ dưới 36 tuổi.
Số súng do Diệp giao cho Huân thông qua dịch vụ vận tải được công an thu giữ tại kho. |
Trong thời gian được tại ngoại, người đàn bà này tiếp tục móc nối với các đối tượng quen biết tổ chức mua các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ từ Thái Lan về Việt Nam, sau đó phân ra giao cho các đại lý trong toàn quốc rao bán trên mạng xã hội thu lời bất chính hàng tỉ đồng.
Ban chuyên án đang tiếp tục phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự và các cục nghiệp vụ Bộ Công an mở rộng điều tra để làm rõ toàn bộ vụ án.
Tác giả: VĂN VŨ
Nguồn tin: Báo Người lao động