Sáng 02/3/2017, tiểu thương tại chợ A1 – phường Quang Trung, thành phố Vinh, Nghệ An đã tập trung tại cổng chợ để phản đối giải tỏa khu chợ. Lý do được các tiểu thương này đưa ra là nghi vấn nhập nhèm trong đền bù và dân chưa nhận được phương án nơi kinh doanh mới.
Theo phóng viên được biết, vào khoảng 8h00 sáng 02/03, lực lượng chức năng phường Quang Trung đã tổ chức tháo dỡ, rào chặn tại khu vực chợ A1 thuộc địa bàn phường. Việc giải tỏa khu chợ này nhằm lấy mặt bằng phục vụ dự án xây dựng lại chung cư A – Quang Trung.
Dù đã được thông báo từ trước về kế hoạch giải tỏa chợ, song, do chưa đồng thuận với cách làm của UBND phường cũng như UBND thành phố Vinh nên nhiều tiểu thương không đồng tình và đứng ra phản đối mạnh mẽ hoạt động này.
Sáng 02/03, các tiểu thương vẫn đến chợ kinh doanh bình thường. Khi lực lượng chức năng phường Quang Trung đến tháo dỡ chợ, các tiểu thương này đã tập trung phản đối. Họ yêu cầu phải có giải pháp giúp dân có chỗ kinh doanh mới trước khi giải tỏa, nếu không, chẳng khác gì đẩy các hộ kinh doanh về nhà.
Tiếp xúc với phóng viên, các tiểu thương cho biết, biết rõ khu chợ này trước sau gì cũng phải giải tỏa để nhường cho dự án xây mới lại khu chung cư A – Quang Trung. Họ hết sức ủng hộ chủ trương của thành phố, của phường. Tuy nhiên, quá trình thực hiện của chính quyền diễn ra nhiều điều chưa minh bạch nên buộc họ phải đứng ra phản đối.
Cụ thể, các tiểu thương cho rằng, giải tỏa chợ khi không có phương án chuyển nơi kinh doanh mới, chợ mới để họ tiếp tục mưu sinh là không thể được. Việc này sẽ khiến hơn 200 hộ kinh doanh nơi đây rơi vào tình trạng không lối thoát, kéo theo hàng trăm hộ gia đình không kế sinh nhai.
Đặc biệt, các tiểu thương nơi đây lên án mạnh mẽ việc làm mập mờ của UBND phường Quang Trung trong công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Theo các tiểu thương cho biết, chủ đầu tư đã thống nhất hỗ trợ mỗi tiểu thương 1.500.000 đồng trong công tác di dời, giải tỏa. Tuy nhiên, khi tiền chuyển qua phường, số tiền đến tay người dân chỉ là 1.000.00 đồng/ tiểu thương.
Liên quan tới sự việc này, trao đổi với phóng viên, ông Hà Thái Sơn – Chủ tịch UBND phường Quang Trung cho rằng: "Người dân phản ứng như vậy là chưa phù hợp. Phường đã hết sức tạo điều kiện giúp đỡ tiểu thương, tuyên truyền thông báo các chính sách và phương án trước, trong và sau giải tỏa chợ nhưng hiện vẫn còn một số tiểu thương chưa chấp hành".
Về phương diện kinh doanh của tiểu thương sau khi giải tán chợ, ông Sơn cho biết" Nếu tiểu thương nào muốn tiếp tục buôn bán thì phường sẽ có trách nhiệm xác nhận, tạo điều kiện liên hệ với các chợ gần kề phường để vào đó tiếp tục kinh doanh, chứ quỹ đất trên địa bàn phường không còn để có thể lập chợ được nữa". (Về vấn đề này chúng tôi sẽ nói rõ ở bài sau)
Về việc tiền đền bù cho các hộ, ông Sơn khẳng định: "Phường đã chuyển toàn bộ số tiền này cho Ban quản lý chợ trực tiếp làm việc và phát cho dân nên ông không nắm rõ".
Qua danh sách phóng viên cập nhật được thì đã có 73 tiểu thương nhận tiền hỗ trợ di dời của chủ đầu tư. Thế nhưng, tiền thực nhận và tiền trong danh sách phường lập khi chi trả cho tiểu thương chênh lệch 500 nghìn đồng/ tiểu thương. (Tiểu thương chỉ được nhận 1 triệu/ 1,5 triệu)
Tuy là chợ tạm song khu chợ A1 Quang Trung đã tồn tại trên 20 năm với hơn 200 hộ kinh doanh thường xuyên, nộp ngân sách hàng năm gần 2 tỷ đồng
Tại sao tiền hỗ trợ của tiểu thương bị cắt xén và số tiền chênh lệch đấy đi đâu, về đâu? Danh sách chữ ký nhận tiền phải chăng là giả mạo? Việc giải tỏa chợ khi chưa có phương án tạo điều kiện kinh doanh mới liệu đã thấu tình đạt lý? Rất nhiều nút thắt chưa được mở. Phóng viên PL&DS sẽ tiếp tục theo dõi và đưa tin tới bạn đọc.
Tác giả: Hoàng Phạm – Hoàng Linh
Nguồn tin: Báo Pháp luật & Dân sinh
Nguồn tin: Báo Pháp luật & Dân sinh