Xã hội

Nghệ An: Hơn 43% vụ cháy do chập điện

Bước vào mùa nắng nóng, nguy cơ cháy nổ hiện diện khắp nơi, đặt ra sự cấp thiết trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, hiệu quả của hoạt động tập huấn, diễn tập PCCC để giảm bớt nỗi lo “bà hoả”.

Hơn 43% vụ cháy do chập điện

Theo số liệu thống kê của Cảnh sát PCCC tỉnh Nghệ An, từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 90 vụ cháy, gây thiệt hại về tài sản khoảng 13,12 tỷ đồng, trong đó có 39 vụ do chập điện, chiếm 43,33%. Tính riêng từ đầu năm đến nay, đã có gần 10 vụ cháy xuất phát từ nguyên nhân chập hệ thống điện.

Diễn tập phòng cháy chữa cháy tại Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh. Ảnh: Cảnh nam

Đơn cử như vụ cháy xảy ra vào đầu năm 2017 tại cơ sở thẩm mỹ Herpoo Spa (số 42, đường Đinh Công Tráng, TP. Vinh). Vào 3 giờ sáng ngày 17/1, Phòng Cảnh sát PCCC số 1 nhận được tin báo cháy của chủ nhà là chị Hoàng Thị Hiền, lúc này gia đình chị có 6 người, trong đó có 2 người già và 2 trẻ em bị mắc kẹt ở tầng 2, tầng 3. Ngọn lửa đã gần như bao trùm cả tầng 1, khói bốc nghi ngút lên các tầng trên. Nhận được tin báo, Đội Cảnh sát PCCC số 1 lập tức huy động 2 xe chữa cháy, 1 xe chỉ huy cùng 30 cán bộ, chiến sỹ đến hiện trường làm nhiệm vụ. Trong vòng 45 phút, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn, 6 người mắc kẹt được giải cứu an toàn. Nguyên nhân sau đó được xác định là do chập điện dẫn đến phát sinh nguồn lửa.

Mới đây nhất là vụ cháy xảy ra vào khoảng 4h30’ sáng ngày 20/3 trên địa bàn phường Vinh Tân (TP. Vinh). Theo đó, ngọn lửa phát ra từ khu vực kho phế liệu của vợ chồng ông Ngọc - bà Dung tại số 63, đường Lê Huân. Lửa bùng phát nhanh và cháy lan sang 15 kho hàng khác chứa bao bì, kẹo, gạo và cửa hàng xe đạp… của các hộ lân cận. Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC số 1 huy động 65 cán bộ chiến sỹ, 7 xe chữa cháy chuyên dụng và chỉ huy tham gia chữa cháy. Thế nhưng, phải tới 2 giờ sau lực lượng chức năng mới khống chế ngọn lửa và dập tắt đám cháy. Tuy vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng rất nhiều tài sản bị thiêu rụi và hư hỏng, ước tính lên đến hàng tỷ đồng. Điều đặc biệt là theo nhận định ban đầu thì vụ cháy nhiều khả năng cũng do chập điện gây ra.

Bước vào mùa nắng nóng, nguy cơ cháy nổ do chập điện lại càng tăng lên. Vào những ngày nắng nóng, các thiết bị làm mát như điều hòa, quạt máy, máy làm kem, làm đá... thường xuyên phải làm việc hết công suất dẫn đến quá tải nguồn điện. Trong khi đó, thực tế là hiện nay hệ thống đường dây tải điện tại nhiều khu vực đã xuống cấp; ý thức của người dân trong việc đảm bảo an toàn lưới điện vẫn chưa cao.

Thiếu tá Nguyễn Đức Hùng - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 1 (Cảnh sát PCCC Nghệ An) khuyến cáo: “Để phòng ngừa cháy nổ do dòng điện quá tải, người dân cần thiết kế, lắp đặt hệ thống dây dẫn đúng tiêu chuẩn và có hệ số dự phòng, không tự ý thay đổi các thiết bị tự ngắt; không dùng nhiều thiết bị điện một lúc và cùng 1 ổ cắm; thường xuyên định kỳ kiểm tra hệ thống để khắc phục kịp thời những nguy cơ gây ra quá tải”.

Cũng cần phải nhận thức được rằng, nguy cơ gây cháy nổ do nguồn điện vào mùa nắng nóng rất cao, nhưng không phải là tất cả. Khi nền nhiệt tăng, không khí khô nóng, có khi chỉ cần một đốm lửa nhỏ cũng có thể biến thành những đám cháy lớn. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trong mỗi hoạt động thường ngày như đốt rác, đốt nương làm rẫy, thắp hương, đốt vàng mã ở các khu chợ, trung tâm thương mại... Những việc làm trên, nếu bất cẩn đều có thể dẫn đến cháy nổ với hậu quả không tưởng tượng nổi.

Trách nhiệm toàn dân

Có mặt tại buổi diễn tập PCCC tại chợ Quán Lau (TP. Vinh), dễ cảm nhận thấy không khí khẩn trương, nghiêm túc của các tiểu thương khi trực tiếp tham gia diễn tập. Cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát PCCC số 1 phổ biến một số kiến thức phòng, chống cháy nổ ở đặc thù ngôi chợ; đồng thời, làm mẫu một số động tác chữa cháy khẩn cấp bằng bình bọt, vải bạt... cũng như bày các “mẹo” để bảo vệ bản thân trong luồng khí độc của đám cháy.

Chợ Quán Lau có 162 ki-ốt cố định và khoảng 200 người dân từ các địa phương lân cận khác làm ăn, buôn bán theo thời vụ. Điều đáng nói là chợ đã được xây dựng từ rất lâu nên đến nay đã xuống cấp trầm trọng, các ki-ốt đều trong tình trạng xập xệ, dây điện chằng chịt.

Trong khi đó, cũng giống như nhiều chợ khác, nơi đây kinh doanh đa dạng các loại hàng hóa, với nhiều mặt hàng như vàng mã, vải vóc, các thiết bị điện... đều là những mặt hàng dễ bắt lửa, nhất là vào mùa nắng nóng. Buổi diễn tập PCCC thật sự thiết thực với các hộ tiểu thương nơi đây.

Ông Trần Quang Hùng - tiểu thương chợ Quán Lau cho biết: “Tôi cho rằng diễn tập PCCC là rất cần thiết. Thông qua diễn tập giúp chúng tôi trang bị thêm kiến thức về PCCC và tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, giúp bà con nâng cao ý thức cảnh giác trước nguy cơ có thể xảy ra từ sự chủ quan, bất cẩn trong sinh hoạt”.

Các quầy hàng ăn dùng bếp than trong chợ Kênh Bắc tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ vào mùa hè. Ảnh: P.V

Ngoài tổ chức diễn tập PCCC ở các khu chợ, lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh còn chú trọng nâng cao chất lượng công tác diễn tập PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) tại các cơ quan, đơn vị, các trung tâm thương mại, chung cư cao tầng. Cùng với đó, Cảnh sát PCCC cùng các địa phương, đơn vị chủ động ký cam kết quy chế phối hợp trong công tác PCCC&CNCH. Đơn cử như Phòng Cảnh sát PCCC số 7 ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017 - 2020 với Ban Tuyên giáo các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương; Phòng Cảnh sát PCCC số 4 ký kết quy chế phối hợp công tác nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn PCCC&CNCH với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn và TX. Hoàng Mai...

Đại tá Vũ Ngọc Duệ - Trưởng phòng Tham mưu Cảnh Sát PCCC tỉnh cho biết: “Công tác ký kết giúp nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về PCCC ở các cấp; vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cơ quan, doanh nghiệp cũng như ý thức tự giác của các tầng lớp nhân dân trong việc chấp hành Luật PCCC được nâng lên từng bước, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn cháy nổ, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo ANTT, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”.

Bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, người dân cũng cần có ý thức, trách nhiệm trong việc PCCC. Đây cũng là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Xuân Đại trong buổi lễ ký kết chương trình phối hợp đẩy mạnh phong trào “Toàn dân phòng cháy, chữa cháy” giai đoạn 2017 - 2020 vào trung tuần tháng 4 vừa qua: “Trách nhiệm và nghĩa vụ trong phòng, chống cháy, nổ không chỉ riêng của ai mà đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội, bởi vậy các cấp cần phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân... Qua đó, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản”.


Tác giả: Cảnh Nam
Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP