Kinh tế

Nghệ An: Hàng nghìn tấn nông sản tại Nghi Lộc ứ đọng

Huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) đang tìm đầu ra cho hàng chục tấn rau quả, thực phẩm của bà con nông dân trên địa bàn do việc "đứt gãy" chuỗi cung ứng gây nên việc ứ đọng, tiêu thụ chậm. Huyện đã tìm nhiều phương án, song nghe chừng vẫn đang rất nan giải.

Huy động cả hệ thống chính trị đi tiêu thụ nông sản cho bà con

Theo lãnh đạo huyện Nghi Lộc, hiện nay huyện đang nỗ lực tìm đầu ra cho các loại nông sản như rau, củ, thịt gà... giúp bà con huyện nhà. Do việc cung ứng, chuỗi cung ứng thường xuyên bị "đứt gãy" nên mặt hàng nông sản bị ứ đọng, tiêu thụ rất chậm, giá thành giảm... khiến bà con gặp khó khăn.

Theo lý giải của đại diện Phòng NN&PTNT huyện Nghi Lộc, nguyên nhân là do một số địa phương lân cận, những địa điểm thường xuyên tiêu thụ lớn như chợ đầu mối TP Vinh đã dừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19. Hơn nữa, nông sản địa phương dù trồng đại trà nhưng không thuộc diện đăng ký như VietGAP nên một số đơn vị được phép cung ứng hàng hóa thực phẩm cho Nhân dân TP Vinh lại không phối hợp cung ứng dù huyện đã liên hệ. Ngoài ra, một số đầu mối chuyên lấy hàng với số lượng 50 đến 70 tấn mỗi ngày như mọi khi nay cũng dừng vì họ cho biết chuyển vào TP Vinh cũng không thể bán cho người dân vì TP đã lựa chọn một số đơn vị cung ứng khác.

Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hàng nghìn tấn rau, quả tại huyện Nghi Lộc vào vụ thu hoạch đứng trước việc ùn ứ, khó tiêu thụ.

Trước thực tế hàng hóa tiêu thụ chậm, ùn ứ, huyện cũng đã phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị từ trên xuống, các hội, đoàn thể... liên hệ các đầu mối để tiêu thụ giúp bà con. Tuy nhiên số lượng tiêu thụ vẫn không đáng là bao. Trước tình thế đó, huyện Nghi Lộc đã phải có văn bản gửi các địa phương lân cận như TP Vinh, Cửa Lò để liên kết tìm hướng tiêu thụ giúp bà con nông dân. Thế nhưng hiện nay do một số địa bàn như TP Vinh đang áp dụng mức chống dịch cao hơn một mức so với Chỉ thị 16 nên việc xe chở hàng hóa vào TP di chuyển rất ngặt nghèo.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Nghi Lộc, tới thời điểm hiện tại, toàn huyện, đặc biệt xã Nghi Thuận có khoảng 1 nghìn tấn rau, củ các loại, và có một số trang trại gà thịt, vị, ngan, trứng với khoảng 500 tấn hiện đang rất bức bách trong vấn đề đầu ra.

Cần có giải pháp để kết nối chuỗi cung ứng tiêu thụ

Trong khi huyện Nghi Lộc đang ùn ứ hàng nghìn tấn nông sản thì tại một số địa bàn phụ cận như TP Vinh, người dân lại đang rất những mặt hàng trên, dù chưa được xem là đến mức khan hiếm nhưng việc phải mua giá cao, việc mua bán khó khăn là điều đang diễn ra. Người dân TP Vinh đang thực hiện Chỉ thị chống dịch cao hơn một mức so với Chỉ thị 16, chợ và các hoạt động mua bán phải dừng lại, tất cả đang mua bán thông qua kênh phường xã kết nối với các siêu thị cung ứng trong danh sách đã lựa chọn.

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công thương Nghệ An cho biết, không riêng gì huyện Nghi Lộc, mà các huyện khác cũng đã có ý kiến với Sở về việc khó khăn trong tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân tại địa bàn. Sở đã có đề xuất và các phương án gửi TP Vinh xem xét phối hợp và có hướng liên kết tiêu thụ.

Những vựa rau lớn đang kỳ thu hoạch đứng trước nguy cơ ứ đọng, khó tiêu thụ do không có thị trường.

Sở cũng đã liên hệ với nhiều đơn vị, tổ chức đầu mối, cung ứng để tham gia phối hợp tiêu thụ. Tuy nhiên hiện vẫn đang đặt cao nội dung phòng chống dịch, chuỗi cung ứng an toàn nên rõ ràng vẫn sẽ có những khó khăn nhất định. Các trường hợp là trang trại, có quy mô sẽ dễ tiêu thụ hơn là các cơ sở sản xuất tự phát, nhỏ lẻ.

Ông Hóa cũng khẳng định rằng, tại thời điểm này việc tiêu thụ chậm một phần do chợ dân sinh đã dừng hoạt động để phòng chống dịch. Không riêng TP Vinh mà nhiều huyện thị khác vẫn đang thực hiện Chỉ thị 16 do đó việc hàng hóa lưu thông sẽ khó khăn.

Trước đó, theo báo cáo từ Sở Công Thương Nghệ An, dự kiến tổng nhu cầu hàng thiết yếu và khả năng cung ứng hàng thiết yếu cho toàn thành phố trong 7 ngày thực hiện chống dịch với việc áp dụng “ai ở đâu ở yên đó” là khoảng 95 tấn. Trong đó rau, củ, quả các loại 55 tấn/ngày; thịt, cá các loại 17 tấn/ngày; hàng khô các loại: 13 tấn/ngày…

Trước tình thế này, hi vọng UBND tỉnh Nghệ An sẽ có phương án tối ưu để vừa bảo đảm bảo việc phòng chống dịch, vừa bảo đảm mục tiêu kinh tế, sản xuất.

Tác giả: Hoàng Phạm

Nguồn tin: Pháp luật & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP