Hồ Vực Mấu có dung tích 75 triệu m3, có diện tích lưu vực trên 215km2. Đến sáng 16/10, mực nước lòng hỗ vẫn nằm trong ngưỡng cho phép là dưới cốt 21m – theo quy trình đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tính đến 9h sáng 16/10, lưu lượng nước đổ về hồ là 61m3/s và đang có chiều hướng giảm dần.
Ông Võ Sỹ Thắng – Phó ban chỉ huy PCLB hồ chứa nước vựa Mấu cho biết: "Từ 22h ngày 15/10 đến sáng 16/10 tại lưu vực lòng hồ Vực Mấu ngừng mưa. Và đến 7h ngày 16/10 - thời gian dự kiến xả tràn thì lượng nước trong hồ còn thiếu 10cm nữa, nghĩa là mực nước vẫn trong tầm kiểm soát."
Mực nước hồ đập vẫn trong tầm kiểm soát.
Hiện 89 hồ đập lớn của Nghệ An do các doanh nghiệp thủy lợi quản lý, trong đó, 40 hồ đập cơ bản đã đầy nước. Công ty TNHH Một thành viên thủy lợi Bắc hiện quản lý, vận hành 20 hồ đập. Sau đợt mưa lớn, 5 hồ đập thủy lợi đã đầy nước. Cho nên, ngoài việc chú trọng đến quy trình vận hành – xả lũ hồ Vực Mấu, đơn vị cũng đang phải tính toán đến các phương án đảm bảo an toàn cho các hồ đập thủy lợi đã không còn khả năng chứa nước.
Nói về công tác chuẩn bị ứng phó với tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Phượng – Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc cho biết: "Để ứng phó với con bão sắp tới, phía công ty đặc biệt quan tâm tới 5 hồ đã tràn và chuẩn bị phương án phòng chống tại chỗ, sẵn sàng ứng phó."
Hồ Xuân Nguyên nằm trên địa bàn xã Xuân Thành, huyện Yên Thành có dung tích trên 1 triệu m3. Cho đến chiều qua, lượng nước xả qua tràn cao 1,12m và đến trưa nay đã giảm xuống chỉ còn 0,3m nhưng dòng chảy vẫn còn rất mạnh. Theo đại diện của Xí nghiệp thủy lợi Yên Thành, đáng lo nhất là nếu tiếp tục diễn ra các trận mưa lớn như mấy ngày gần đây, sẽ gây ra nguy cơ vỡ trên 200 hồ đập có dung tích nhỏ do chính quyền các địa phương của huyện Yên Thành quản lý. Nguyên nhân là các hồ đập này đã không còn sức chứa và nhiều năm chưa được sửa chữa, nâng cấp.
Cảnh báo về nguy cơ vỡ đập, ông Nguyễn Công Kiên – Giám đốc Xí nghiệp thủy lợi Yên Thành nói: "Các hồ đập địa phương cũng đã tích trữ đủ nước bởi vậy nguy cơ các đập nhỏ vỡ lở khi có mưa lớn có thể xảy ra, ảnh hưởng đến các công trình đập trung. Và khi ấy mức nước lũ và nước tràn sẽ cao hơn."
Dòng chảy tại Hồ Xuân Nguyên, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành vẫn còn rất mạnh.
Trong điều kiện hiện nay, vấn đề đáng lưu tâm chính là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đảm bảo an toàn cho 536 hồ đập nhỏ. Trách nhiệm này thuộc về chính quyền các huyện và xã. Đối với các hồ đập lớn, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã có chỉ đạo cụ thể đối với các đơn vị quản lý, vận hành.
Nói về công tác chỉ đạo trong công tác phòng chống lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường lưu ý: "Chúng ta phải chỉ đạo một cách nghiêm ngặt. Cần nâng cao tinh thần cảnh giác, nhất là cơn bão số 7 sắp tới có khả năng tiến vào miền Trung. Các hồ đập xả nước khi được sự đồng ý của UBND tỉnh và phải xử lý theo đúng quy trình đã được duyệt để không gây thiệt hại về người và tài sản."
Bão số 7 mang tên quốc tế Sakira là một cơn bão lớn, diễn ra trái mùa. Nếu đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, trong đó có Nghệ An sẽ kèm theo mưa lớn. Với điều kiện thực tế của như hiện nay, nếu không có sự giám sát, chuẩn bị của các đơn vị quản lý, vận hành thì nguy cơ vỡ hồ đập hoặc vận hành không đúng quy trình đều có thể xảy ra và thiệt hại sẽ là khó lường.
Tác giả bài viết: Thái Dương