Tìm thấy 42 thi thể nạn nhân mất tích
Theo cập nhật mới nhất từ VTC News, lực lượng chức năng đã tìm thấy 42 thi thể và còn 53 người mất tích trong vụ sạt lở kinh hoàng ở bản Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
|
Vẽ lại sơ đồ hiện trường Làng Nủ, trang bị thêm ống nhòm, kẻng cảnh báo
Lực lượng kiểm lâm Lào Cai đang phối hợp với người dân bản địa vẽ lại sơ đồ hiện trường vụ lũ quét ở thôn Làng Nủ, xác định vị trí từng hộ dân và số người trong gia đình, kiểm đếm những người còn sống sót, người đã tử vong hoặc còn đang mất tích.
Sáng 12/9, lính thông tin cũng được trang bị thêm ống nhòm và kẻng để cảnh giới, báo động khi có nguy cơ lũ quét, sạt lở.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đang trên đường đến Làng Nủ
Sáng 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ lên đường đến hiện trường vụ lũ quét kinh hoàng ở thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai).
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú sáng nay cũng đến Làng Nủ để thăm hỏi, động viên bà con vùng bị thiệt hại do lũ quét.
325 người chết và mất tích do bão số 3, mưa lũ, sạt lở
Đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tính đến 7h ngày 12/9, bão số 3 (bão Yagi) gây mưa lũ, sạt lở đất đã làm 325 người chết và mất tích.
Cụ thể, bão, mưa lũ và sạt lở đất đã làm 197 người chết, 128 người bị thương. Trong đó, tỉnh Lào Cai thiệt hại nặng nề nhất với 177 người chết và mất tích (82 người chết, 95 người mất tích) tại các địa phương: Bảo Yên, Sa Pa, Bát Xát, Si Ma Cai, Bắc Hà, Văn Bàn.
Riêng trong vụ sạt lở đất tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên) đã làm 99 người chết và mất tích.
|
Sẵn sàng lực lượng để kịp thời hộ đê
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 93/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ. Theo dự báo, lũ trên nhiều các tuyến sông ở Bắc Bộ vẫn lên mức báo động 2 đến báo động 3, một số nơi vượt báo động 3, gây ngập lụt nghiêm trọng vùng ven sông, đe dọa an toàn đối với đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.
Thủ tướng yêu cầu Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố triển khai phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, máy móc để kịp thời triển khai hộ đê, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu. Triển khai các phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân sinh sống tại các khu vực ngoài bãi sông và cả bên trong các tuyến đê có nguy cơ mất an toàn.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bảo đảm quân đội là lực lượng chủ lực thực hiện nhiệm vụ hộ đê, sẵn sàng triển khai lực lượng tại các vị trí trọng điểm xung yếu để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.
Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các khu vực sơ tán dân, thực hiện cứu hộ cứu nạn, ứng phó lũ lớn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng, các chủ thể quản lý, khai thác hồ đập thủy điện phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc vận hành hồ chứa thủy điện, bảo đảm an toàn cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho vùng hạ du.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, không để xảy ra sự cố đối với tàu bè gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, các cầu qua sông, nhất là trên các tuyến sông có lũ lớn.
Quảng Ninh di dời khẩn cấp hơn 100 hộ dân
Đêm 11/9/2024, thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) di dời khẩn cấp 136 hộ thuộc tổ 7, khu 5 phường Quang Hanh nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở do nghi khu vực đồi cao trong khu vực bị úng nước trong đất.
Lũ trên sông Hồng vẫn trên 11 mét
Theo báo Thanh niên, rạng sáng 12/9, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội đạt mức 11,26 m, dưới báo động 3 là 0,24 m và có xu thế đang đi xuống. Đến 7 giờ sáng, nước lũ trên sông Hồng tại Hà Nội ở mức báo động 2, đạt 11,2 m, dưới mức báo động 3 và đang giảm, mỗi giờ sẽ rút 2 cm.
Tác giả: Nhóm PV
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn