Xã hội

Lạ kỳ tục làm lễ “đầy tháng” cho trâu, bò ở Nghệ An

Trước thời khắc “chuyển dạ” gia chủ sẽ thắp hương, cầu khấn gia tiên, sau đó, mở tiệc mời làng xóm đến làm lễ “đầy tháng”cho trâu, bò. Phong tục này đã tồn tại nhiều đời nay ở Nam Đàn (Nghệ An).


img 2455 1150
Sau khi trâu, bò sinh bê, nghé, gia chủ sẽ mở tiệc làm lễ "đầy tháng"

Nam Đàn một vùng quê thuộc xứ Nghệ, con trâu, con bò được coi như những thành viên lao động chính trong gia đình, nên khi trâu, bò sinh bê, nghé, gia chủ sẽ mở tiệc đón chào thành viên mới bằng lễ “đầy tháng” như con người.

Khi trâu, bò chuẩn bị chuyển dạ, gia chủ sẽ thắp lên ban thờ tổ tiên một nén nhang khẩn cầu "mẹ tròn con vuông". Trong quá trình trâu, bò sinh nở, gia chủ sẽ túc trực 24/24h, sẵn sàng chờ đỡ và đưa bê con thoát khỏi cơ thể mẹ, hồi hộp đón chờ thành viên mới của gia đình. Sau khi trâu, bò mẹ "vượt cạn" thành công, gia chủ sẽ bế nghé, bê non vừa sinh vào nơi sạch sẽ, dùng khăn lau khô cho đến khi bê, nghé có thể tự đứng dậy bú mẹ. Cùng lúc đó, chủ nhà sẽ bóc lớp vẩy sừng dưới móng chân để chúng vững vàng về sau. Sau đó, gia chủ sẽ lấy "hoa" (nhau thai) trâu, bò mẹ để làm tiệc mời mọi người sang chung vui.

Ông Nguyễn Hữu Tư (SN 1937, trú xóm 12, xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn) cho biết, phong tục này truyền từ đời này sang đời khác, ăn sâu vào tiềm thức người dân. Tiệc to hay nhỏ, mâm thịnh soạn hay không là tùy tình hình kinh tế mỗi gia đình, nhưng cứ hộ nào có trâu, bò sinh con đều có chén rượu, đĩa “hoa”, nồi cháo, bát nước chát, gói kẹo, đĩa trầu. Người được mời chỉ việc đến ăn cỗ, mà không cần đem theo tiền mừng hay quà cáp gì khác.

Trong quá trình trâu bò sinh con, gia chủ cần phải tập trung lấy được “hoa”, tránh để “hoa” rơi xuống đất dính phân, rác. Người dân nơi đây quan niệm rằng, nếu lần đầu sinh con đực mà để trâu mẹ, bò mẹ ăn mất "hoa" thì lần sau lại đẻ ra con đực và ngược lại. Nên lấy "hoa" để trâu, bò không “sinh con một bề” và có một bữa tiệc “hoa” với bà con dân làng.

anh 2 1150
Ông Nguyễn Hữu Tư chia sẻ về phong tục "đầy tháng" cho trâu, bò của địa phương

Chị Nguyễn Thị Trang (SN 1983, trú xã Nam Anh, huyện Nam Đàn) khoe, cách đây chưa đầy một tuần, gia đình có tổ chức buổi tiệc “đầy tháng” cho bò: “Hôm đó, gia đình tôi làm 6 mâm cơm mời xóm làng. Vì thế, ngoài món “hoa” bò, tôi còn mua thêm thịt, đầu lợn về nấu cháo, cùng mấy két bia mời mọi người chung vui với gia đình. Tuy tốn kém một chút, nhưng đổi lại rất vui, anh em chòm xóm lại thêm gắn kết”.

Chỉ vào con nghé mới gần một tháng, ông Nguyễn Hữu Sơn, trú xóm 4, xã Nam Anh (Nam Đàn) vui mừng chia sẻ: “Nhà tôi hôm bữa cũng liên hoan 10 lít rượu nếp với 8 két bia để làm lễ đầy tháng mừng con nghé cái chào đời”.

anh 5 1150
Các món ăn được chế biến từ nhau thai trâu, bò được xem là đặc sản của người dân Nam Đàn

Theo ông Sơn, “hoa” trâu, bò có trọng lượng từ 2 – 3 kg, thường được sơ chế bằng cách luộc chín. Ngoài món hoa bò xào sả, gia chủ sẽ mua thêm một số thực phẩm chủ yếu là các món nhậu để làm phong phú thực đơn trong bữa tiệc.

Theo quan niệm, món ăn được chế biến từ nhau thai có giá trị dinh dưỡng cao, rất ngon và bổ. Đối với nhiều người dân ở huyện Nam Đàn, món ăn chế biến từ “hoa” được xem là đặc sản.

Ông Nguyễn Ninh Nhật, Phó chủ tịch UBND xã Nam Xuân (Nam Đàn) cho biết: Việc tổ chức “đầy tháng” cho bê, nghé thực chất nó xuất phát từ tính cộng đồng của làng quê. Đây là nét văn hóa có từ bao đời nay, cũng là một cách để gắn kết cộng đồng làng xã.


Tác giả bài viết: Thủy Tiên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP