Trung tâm giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, được thiết kế xây dựng đủ điều kiện tiếp nhận khoảng 500 người vào cai nghiện cùng thời điểm. Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi năm tại đây số học viên được đưa vào cai nghiện, lao động chỉ đạt gần 80 đối tượng.
Trung tâm giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm Phúc Sơn, huyện Anh Sơn có thể tiếp nhận 500 học viên cai nghiên, nhưng hiện nay chỉ có 80 người
Vì sao một trung tâm có cơ sở vật chất đầy đủ, quy mô nhưng lại không phát huy hiệu quả. Ông Vũ Văn Thịnh, Phó GĐ TTGDDN & GQVL Phúc Sơn - Anh Sơn cho rằng: Nhà nước mất nhiều kinh phí để đầu tư vào xây dựng nhưng vì vướng mắc một số quy định nên khó đưa được người nghiện vào trung tâm, trong lúc người nghiện bên ngoài hiện nay rất nhiều.
Theo Nghị định 221 năm 2013 của Chính phủ, việc đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc là do TAND cấp huyện quyết định. Tuy nhiên, quy định này đã nảy sinh nhiều bất cập khi xác định đối tượng người nghiện. Bởi khi phát hiện người nghiện, địa phương phải tiến hành cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Nếu tái nghiện cơ quan chức năng mới lập hồ sơ, có sự vào cuộc của công an, viện kiểm sát, Tòa án nhân dân, từ đó mới xác định đối tượng được đưa đi cai nghiện bắt buộc hay không.
Thiếu tá Đoàn Nam Trung - Phó trưởng CA huyện Anh Sơn cho biết: Để lập hồ sơ đưa đối tượng cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 221 bắt buộc phải lập hồ sơ đúng quy định. Chúng ta vận dụng, vượt rào và bỏ qua một số thủ tục có thể là tốt, nhưng chiếu theo quy định mình lại vi phạm.
Sau khi được cắt nghiện, giải độc, học viên được học một số nghề cơ bản
Các tổ chức chính trị - xã hội xóm, bản, xã phường trực tiếp quản lý người nghiện trong thời gian chờ làm thủ tục là 30 ngày cũng là một vướng mắc tại cơ sở. Trong khi các tổ chức này không có chuyên môn y tế, thiếu cơ sở vật chất. Cùng với đó là sự chưa vào cuộc của chính quyền cấp xã trong công tác tổ chức cai nghiện tại cộng đồng và lập hồ sơ đề nghị đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc.
Thiếu tá Đoàn Nam Trung - Phó trưởng Công an huyện Anh Sơn cho biết thêm: Vướng mắc nhất là xác định tình trạng nghiện, mà để xác định được tình trạng nghiện nhưng số cán bộ y tế cơ sở người ta lại không được tập huấn về cắt cơn giải độc và được cấp chứng chỉ. Đã không xác định được tình trạng nghiện thì lấy cơ sở ở đâu để khẳng định là người nghiện. Một số địa phương hiện nay mới dừng ở việc test để phát hiện có sử dụng ma túy, kết hợp với lời khai của đối tượng để khẳng định họ có sử dụng ma túy.
Vì những vướng mắc này, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 35 năm 2016 về quy chế phối hợp, lập hồ sơ, xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh. Trong đó đáng chú ý là việc quy định hình thức, thời gian, thẩm quyền, quy trình phối hợp lập, thẩm định hồ sơ, xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn. Và mục tiêu lớn nhất của quyết định là nhằm đảm bảo an toàn, phát triển của xã hội, giảm thủ tục cứng nhắc, không sát thực tế trong việc cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện.
Học viên Trung tâm giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm Phúc Sơn được xem ti vi sau giờ học nghề
Bà Nguyễn Thị Hường - Phó chi cục trưởng Chi cục PCTNXH Nghệ An nói: Theo các văn bản chúng ta đã bản hành, thì cơ bản vướng mắc về trình tự thủ tục, cách làm chúng ta đã giải quyết được. Quan trọng là con người, cơ quan chức năng liên quan tổ chức thực hiện nó như thế nào để đạt được hiệu quả. Vì vậy phải tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan chức năng với chính quyền địa phương và cơ quan tư pháp đóng trên địa bàn.
Nhiều hệ lụy của việc gia tăng người nghiện ma túy có thể nhìn thấy trước. Vì vậy, bên cạnh những quy định bắt buộc, các địa phương cần chú trọng hơn trong việc thực hiện các biện pháp xã hội hóa về công tác cai nghiện, phục hồi và quản lý sau cai dựa vào cộng đồng, sẽ góp phần bớt đi gánh nặng cho gia đình, cộng đồng xã hội, tiến tới xây dựng cuộc sống văn minh hiện đại hơn.
Tác giả bài viết: Nguyễn Nam