Xã hội

Khó cán đích 60% dân số nông thôn được dùng nước sạch vào năm 2020

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 60% dân số vùng nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt đảm bảo tiêu chí sạch tối thiểu theo quy chuẩn của Bộ Y tế, tỉnh Nghệ An chủ trương lồng ghép, huy động nguồn vốn các chương trình, dự án, các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cấp nước sinh hoạt nông thôn. Tuy nhiên, nhìn từ hiện trạng và mục tiêu đặt ra, chủ trương này đang gặp rất nhiều khó khăn, bất cập, nếu không có các giải pháp, hướng đi phù hợp thì sẽ khó có thể đạt được.

Sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, công trình cấp nước tự chảy của xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn thì bể nước khô cạn, vòi nước rỉ sét, hệ thống đường ống dẫn nước gần như bị hư hại và không có khả năng phục hồi.

Công trình cấp nước tự chảy của xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn bị hư hỏng sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng


Còn Trạm cấp nước sinh hoạt tập trung của xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên được đầu tư xây dựng theo chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2005 – 2010 và đi vào hoạt động từ năm 2011, với công suất 30m3/h, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của 650 hộ dân, sau thời gian vận hành hoạt động, gần đây, tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân thường xuyên diễn ra.

Theo thống kê, Nghệ An hiện có gần 43.000 mô hình cấp nước sinh hoạt nông thôn nhỏ lẻ vùng miền núi cao và trung du nằm trong tình trạng xuống cấp hoặc hoạt động không hiệu quả; Khoảng 487 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung có quy mô từ 30m3/h trở lên, trong đó có đến 230 công trình hoạt động kém hiệu quả hoặc phải ngừng hoạt động.

Nhiều công trình cấp nước trên địa bàn hoạt động kém hiệu quả hoặc phải ngừng hoạt động


Còn đối với 12 công trình cấp nước sạch tập trung với tổng công suất thiết kế gần 7.800m3/ngày đêm được đầu tư theo chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 – 2015 hiện nay cũng đang đắp chiếu và ngừng thi công. Trong khi chờ đợi công trình nhà máy cấp nước sinh hoạt hoạt động thì hơn 1.900 hộ dân xã Phú Thành phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh để sử dụng hàng ngày. Điều mà người dân bức xúc là công trình đến nay mới hoàn thành 50% khối lượng công việc.

Ông Lưu Xuân Ân – Xóm trưởng Xóm Đông Lai, xã Phú Thành, huyện Yên Thành nói: Sau khi có chủ trương xây dựng nhà máy nước, người dân rất hồ hởi, phấn khởi. Mỗi hộ như vậy đóng góp khoảng 3 triệu đồng. Tuy nhiên, hệ thống đường nước hiện nay cũng chỉ mới đến đầu ngõ xóm… còn lại gần như đang nằm tại chỗ.

Cũng nằm trong tình trạng tương tự như xã Phú Thành, công trình nhà máy cấp nước sạch tập trung của xã Diễn Tháp được khởi công từ năm 2012, với tổng mức đầu tư hơn 24 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay, công trình cũng mới đạt 40% khối lượng công việc và gần 2 năm nay vẫn phải nằm đắp chiếu, ngừng thi công. Bà Chu Thị Khuyên – Chủ tịch UBND xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu cho biết: Trong công trình có 60% là nguồn vốn của TW, 40% đối ứng. Trong 4 năm qua, xã chỉ mới nhận được tổng cộng trên 5 tỷ đồng.

Hiện nay, nguồn ngân sách của TW đang còn thiếu của 12 công trình cấp nước tập trung gần 110 tỷ đồng. Trong khi đó, Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2011 – 2015 đã kết thúc. Người dân cũng như chính quyền các địa phương chưa biết khi nào các công trình cấp nước sinh hoạt sẽ hoàn thành.

Vì thiếu kinh phí, nhiều dự án cấp nước xây dựng dở dang


Công tác quản lý, vận hành kém, công trình xuống cấp đang làm hạn chế hiệu quả của nhiều công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh. Còn các công trình nước sạch tập trung đang đầu tư trong 5 năm qua thì rơi vào tình trạng thiếu vốn. Đòi hỏi, tỉnh phải có chính sách linh hoạt để phát huy hiệu quả các công trình nước sinh hoạt hiện có cũng như huy động các nguồn lực xã hội trong tham gia đầu tư xây dựng các công trình cấp nước nông thôn.

Theo quyết định 6150, ngoài việc đầu tư xây dựng các công trình cấp nước mới, tỉnh sẽ tập trung đầu tư nâng cấp, sửa chữa để vận hành các công trình cấp nước hiện có. Muốn vậy thì nguồn nhân lực vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt cần phải được đào tạo có bài bản. Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh MTNT cho biết, năm 2013 liên bộ NN & PTNT – Tài chính – Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 37 về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, quản lý, khai thác công trình nước sạch nông thôn. Đây là cơ sở để Nghệ An có thể áp dụng để huy động nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp để khắc phục tình trạng thiếu nguồn lực đầu tư cho các công trình cấp nước tập trung vùng nông thôn cho giai đoạn 2016 – 2020.

Ngoài ra, vấn đề đầu tư cũng sẽ được lựa chọn, ưu tiên các công trình cấp nước cụm xã, tránh lãng phí nguồn lực của nhà nước và nhân dân. Đồng thời tăng hiệu quả sử dụng cũng như tính bền vững của các công trình nước sinh hoạt nông thôn, đảm bảo mục tiêu tăng tỷ lệ dân số vùng nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt sạch theo quy định của Bộ Y tế từ 40% như hiện nay lên 60% vào cuối năm 2020.

Tác giả bài viết: Thái Dương – Duy Thanh – Hồng Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP