Do công ty tạm ngừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19 nên chị Vương Thị Thúy Hằng, công nhân (CN) Công ty TNHH Thêu Vĩnh Dương (quận Tân Phú, TP HCM), phải tạm ngừng hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 15-7.
Ngóng chờ gói hỗ trợ
Hơn 2 tháng qua, vợ chồng chị Hằng sống lay lắt ở nhà trọ, tiền bạc dần cạn kiệt nhưng chưa nhận được gói hỗ trợ nào, trong khi những lao động tự do ở cùng khu trọ thì đều được nhận. "Hỏi tổ trưởng tổ dân phố thì họ nói trường hợp vợ chồng tôi phải do công ty làm thủ tục đề nghị hỗ trợ. Tôi liên hệ với công ty thì họ nói đã làm thủ tục nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì. Chúng tôi rất ấm ức nhưng không biết kêu ai" - chị Hằng bức xúc.
Cán bộ Công đoàn Công ty TNHH Việt Nam Samho hỗ trợ thực phẩm cho công nhân khó khăn.Ảnh: CAO HƯỜNG |
Ông Liêu Ngọc Sơn, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH Thêu Vĩnh Dương, cho hay đầu tháng 8-2021, công ty đã thực hiện thủ tục đề nghị hỗ trợ cho 284 CN tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương theo Nghị quyết 68/NQ-CP. Theo hướng dẫn của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) quận Tân Phú, công ty thực hiện thỏa thuận tạm hoãn HĐLĐ với người lao động (NLĐ) qua điện thoại, email, Zalo với NLĐ và đã hoàn tất đầy đủ hồ sơ… Tuy nhiên, sau đó Phòng LĐ-TB-XH quận lại đòi hồ sơ bằng giấy, trong khi đang trong thời gian giãn cách, công ty không thể thực hiện được.
Do không đáp ứng đủ yêu cầu sản xuất "3 tại chỗ" nên từ ngày 15-7, Công ty TNHH May mặc Xuất khẩu Knitwear Green Maple (quận Tân Phú) đã tạm ngưng hoạt động và cho toàn bộ 382 CN nghỉ việc không hưởng lương. Để giải quyết khó khăn cho CN, công ty đã làm thủ tục đề nghị hỗ trợ cho NLĐ theo Nghị quyết 68/NQ-CP.
"Khi nộp hồ sơ, Phòng LĐ-TB-XH quận yêu cầu công ty bổ sung biên bản kiểm tra của đoàn liên ngành quận về thẩm định doanh nghiệp (DN) không đủ tiêu chí thực hiện "3 tại chỗ". Thế nhưng, sau đó họ lại yêu cầu DN phải có công văn tạm ngưng sản xuất của UBND quận. Dù gặp khó khăn nhưng công ty đã đáp ứng tất cả yêu cầu của cơ quan chức năng, song không rõ lý do gì mà đến nay NLĐ vẫn chưa được hỗ trợ" - bà Nguyễn Thị Xuyến, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Knitwear Green Maple, thắc mắc.
Tương tự, bà Ly Tracy Trang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cân Nhơn Hòa (TP Thủ Đức, TP HCM), cho biết do dịch bệnh, công ty phải tạm hoãn HĐLĐ với gần 1.700 lao động từ giữa tháng 7-2021. Để CN bớt khó khăn, đầu tháng 8, ban giám đốc công ty đã làm thủ tục để họ được hưởng khoản hỗ trợ 3.710.000 đồng theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ nhưng đến nay vẫn chưa người nào được nhận.
Không riêng tại TP Thủ Đức, quận Tân Phú, nhiều NLĐ tại huyện Củ Chi cũng đang ngóng chờ hỗ trợ. Điển hình là trường hợp gần 10.000 NLĐ Công ty TNHH Việt Nam Samho. Do dịch bệnh và không thực hiện "3 tại chỗ" nên từ ngày 15-7, công ty cho toàn bộ CN tạm nghỉ việc và hưởng lương tối thiểu vùng. Từ ngày 1-8, công ty tạm ngưng HĐLĐ đối với số CN nghỉ việc không hưởng lương và đã làm thủ tục hưởng hỗ trợ (đợt 1) theo Nghị quyết 68/NQ-CP cho hơn 7.000 CN vào cuối tháng 7-2021.
Dù đã hoàn tất các thủ tục theo quy định nhưng hồ sơ của công ty đã 2 lần bị UBND huyện trả về. Lần một với lý do UBND TP HCM chưa ủy quyền cho chủ tịch UBND quận, huyện thực hiện quyết định phê duyệt danh sách và chi kinh phí cho NLĐ thuộc diện hỗ trợ nêu trên. Sau khi có ủy quyền của UBND TP HCM đối với UBND quận, huyện, ngày 14-9, công ty nộp hồ sơ lần 2 nhưng tiếp tục bị trả về với lý do chờ hướng dẫn của Sở LĐ-TB-XH thành phố.
Cơ quan chức năng lúng túng
Theo Cục Thống kê, TP HCM có khoảng 4,7 triệu lao động đang làm việc. Số liệu tổng hợp từ các quận, huyện và TP Thủ Đức cho thấy trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, hơn 381.420 NLĐ phải tạm ngừng việc để phòng chống dịch.
Trong Văn bản số 30614/SLĐTBXH-LĐ gửi Bộ LĐ-TB-XH mới đây, Sở LĐ-TB-XH TP HCM đã nêu ra một số vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP tại một số quận, huyện ở thành phố. Chẳng hạn, các quận 5, 6 và 10 đang băn khoăn trường hợp DN phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng chống dịch Covid-19 (theo quy định tại điều 13, chương IV, Nghị quyết 68/NQ-CP) thì có cần phải có văn bản của cơ quan nhà nước yêu cầu tạm dừng đối với từng DN cụ thể không? Văn bản của cơ quan nào thì mới phù hợp với quy định? Trường hợp DN chỉ dừng một hoặc một số bộ phận thì có được hỗ trợ theo chính sách tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương không?
Trong khi đó, quận 10 và TP Thủ Đức thì lúng túng với trường hợp một số bộ phận NLĐ tạm nghỉ việc khi DN vẫn duy trì hoạt động theo phương án "3 tại chỗ", "1 cung đường - 2 điểm đến" thì có thuộc diện được hỗ trợ không? Ngoài ra, các quận, huyện khác cũng đề nghị hướng dẫn về việc DN có bắt buộc phải gửi bản sao và làm từng văn bản thỏa thuận tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương với mỗi NLĐ? Trường hợp DN có trụ sở chính tại TP HCM nhưng có chi nhánh tại các tỉnh khác thì có cần gửi hồ sơ NLĐ tại các chi nhánh đến UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở chính không? Nếu các chi nhánh tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan chức năng ở các tỉnh nhưng trụ sở chính tại TP HCM vẫn hoạt động thì NLĐ có được hỗ trợ không?...
Những vướng mắc nêu trên vẫn đang chờ Bộ LĐ-TB-XH hướng dẫn.
Nên có hướng dẫn rõ ràng Theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, tổng thời gian thực hiện quy trình xét duyệt hồ sơ của cơ quan chức năng là 6 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị từ DN. Trường hợp không phê duyệt, UBND cấp tỉnh phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. "Quy định là vậy nhưng đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức từ cơ quan chức năng nên không biết phải trả lời NLĐ thế nào. Tôi nghĩ nơi thực hiện chính sách nên rõ ràng, trách nhiệm với DN và NLĐ về việc có được hỗ trợ hay không, nếu có thì khi nào NLĐ nhận được hỗ trợ. Không nên để DN và NLĐ chờ trong vô vọng như hiện nay" - bà Nguyễn Thị Xuyến kiến nghị. |
Tác giả: MAI CHI - HỒNG ĐÀO
Nguồn tin: Báo Người Lao Động