Chiều 7/7, tại buổi họp báo của TPHCM về tình hình phòng chống dịch và phục hồi kinh tế, phóng viên Tiền Phong đặt vấn đề về những khó khăn, vướng mắc và hướng giải quyết những chế độ, chính sách cho các đối tượng liên quan trong giai đoạn chống dịch COVID-19.
Có giấy khen nhưng chưa có thưởng
Trả lời câu hỏi của phóng viên, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, nói: “Theo số lượng dự kiến, Sở Y tế sẽ khen thưởng khoảng 40.000 nhân viên y tế cũng như tình nguyện viên với tổng kinh phí ước tính khoảng 19 tỷ đồng. Sở Y tế đã hoàn thành danh sách nhân viên y tế nhận giấy khen. Tuy nhiên, do chưa có tiền thưởng nên chưa thể gửi giấy khen và tiền thưởng đến tất cả nhân viên y tế và tình nguyện viên tham gia phòng chống dịch”.
Không quản khó khăn, nguy hiểm, khoảng 40.000 nhân viên y tế đã giúp TPHCM phòng chống dịch. Ảnh: Vân Sơn |
Bên cạnh đó, việc bổ sung đối tượng hưởng chính sách đặc thù hỗ trợ, động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19 (theo Nghị quyết số 12 của HĐND thành phố) cũng đang gặp khó khăn. Theo đó, hiện nay, nhóm đối tượng được hưởng chính sách chỉ có tình nguyện viên có chuyên môn y tế; tình nguyện viên tôn giáo chăm sóc F0, F1; tình nguyện viên lái xe vận chuyển F1 theo yêu cầu cách ly tập trung. Đây là những đối tượng được hưởng chính sách đặc thù. Tuy nhiên, thực tế có nhiều tình nguyện viên khác tham gia phòng chống dịch tích cực và hiệu quả như lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc F0 nhưng chưa được hưởng chính sách đặc thù.
Sở Y tế đã chủ trì và làm việc với các đơn vị liên quan để rà soát đối tượng chưa được hưởng chính sách hỗ trợ. Sở Y tế đang yêu cầu các đơn vị báo cáo số lượng đối tượng trình ban chỉ đạo các cấp để bổ sung nhóm được hưởng chính sách. Đến nay, có 38 đơn vị báo cáo (trong đó có 15 đơn vị là UBND các quận, huyện), còn lại một số đơn vị chưa có số liệu báo cáo.
“Từ những vướng mắc trên, Sở Y tế đã kiến nghị UBND TPHCM bổ sung kinh phí khen thưởng đi kèm với giấy khen để Sở Y tế gửi tri ân nhân viên y tế cũng như các tình nguyện viên đã chung tay tham gia chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Đề xuất TPHCM xem xét, chỉ đạo thống kê đầy đủ số liệu và đề xuất để được hưởng bổ sung các chính sách đặc thù hỗ trợ, động viên cho lực lượng tuyến đầu chống dịch”, bà Như nói.
Đá qua đá lại
Trước đó, ngày 29/6, tại hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và định hướng 6 tháng cuối năm do UBND TPHCM tổ chức, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế, cho biết, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, UBND TPHCM đã giao Sở Y tế tặng giấy khen cho 40.000 nhân viên y tế trên cả nước tham gia chống dịch COVID-19 tại thành phố. “Chúng tôi đã làm xong theo yêu cầu. Tuy nhiên, đến nay kinh phí không có. Gọi Ban thi đua thì được trả lời là không có kinh phí, gọi Sở Tài chính thì được trả lời chỉ cấp cho Ban thi đua. Liên lạc với Ban thi đua thì nhận được trả lời chỉ cấp kinh phí cho bằng khen, chứ không cấp cho giấy khen...”, ông Thượng nói.
Ngày 7/7, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, lãnh đạo một bệnh viện tại TPHCM nhận định: “Việc chi thưởng cho nhân viên y tế là câu chuyện mang yếu tố tinh thần, tri ân là chính, bởi lẽ với 40.000 nhân sự, khoản tiền 19 tỷ đồng là không nhiều. Tuy nhiên, ông bà ta có câu “của cho không bằng cách cho” nên đôi khi nghĩ tới cảnh anh em chưa nhận được chút ít tiền thưởng khích lệ tinh thần, cá nhân tôi cũng buồn. Những vấn đề này nằm ngoài thẩm quyền của bệnh viện nên chúng tôi cũng chỉ biết chờ đợi”.
Tương tự, ông Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, nói: “Trong những tháng ngày gian khổ phải đương đầu với đại dịch, chúng tôi làm việc quên mình không phải để chờ được khen thưởng. Sự chậm trễ là có thật và may mắn đã được lãnh đạo thành phố nhìn nhận. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng tôi không muốn nhắc tới việc khen thưởng nữa bởi nó không còn là cảm xúc tích cực. Cũng giống như các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch, với tôi, sự bình an của nhân dân chính là phần thưởng không gì giá trị bằng”.
Bí thư Thành ủy TPHCM xin lỗi Tại hội nghị Thành ủy TPHCM mở rộng lần thứ 15 diễn ra chiều 5/7, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, gửi lời xin lỗi đến đội ngũ nhân viên y tế đã hỗ trợ thành phố trong công tác phòng chống dịch COVID-19 nhưng chưa được khen thưởng, tri ân kịp thời. “Khi thực hiện việc khen thưởng, lại cứng nhắc với thủ tục hành chính đơn thuần. Dịch xảy ra là không bình thường và chưa từng có tiền lệ thì làm gì có dự kiến, dự trù trước cho khen thưởng. Trong trường hợp đặc biệt thì phải tìm cách tham mưu để có cơ chế đặc biệt”, ông Nên nói. |
Tác giả: Vân Sơn
Nguồn tin: Báo Tiền phong