Ngày 3-1, Công an tỉnh Bắc Giang đã trao quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự “giết người” xảy ra ngày 2-11-1977 tại thôn Gốc Vối, xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang; quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với bị can Mưu Quý Sường, sinh năm 1944, Lục Ngạn, Bắc Giang, đã bị khởi tố bị can theo Quyết định khởi tố bị can số 02 ngày 2 tháng 11 năm 1977 của Công an tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang) về tội “Giết người” cho người đại diện pháp lý và thân nhân ông Mưu Quý Sường. Như vậy, sau 40 năm, ông Mưu Quý Sường mới được hóa giải nỗi hàm oan mưu hại vợ.
Nước mắt của người vợ kế
Ngay sau khi nhận được hai quyết định của Thủ trưởng cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bắc Giang, anh Mưu Văn Lợi, con trai ông Sường đã trở về nhà ở thôn Gốc Vối với cảm xúc đặc biệt. Mẹ anh – bà Vi Thị Cú, 61 tuổi (người vợ thứ hai của ông Sường) lập tức mang những văn bản này đặt lên bàn thờ thắp hương cho chồng.
Hơn ai hết, bà hiểu nỗi niềm của ông trong 25 năm sống nghĩa vợ chồng. Bà Cú cũng cho biết, 3 ngày nữa (ngày 20 tháng 11 âm lịch), bà sang cát cho ông Sường. Giờ đây, dưới suối vàng, ông có thể ngậm cười.
Trong niềm xúc động, bà Vi Thị Cú cho biết, bà vốn không phải là dân gốc của xã Trù Hựu. Bà lấy chồng mới về đây sinh sống. Vợ chồng bà được bố mẹ chồng cho mảnh đất ngay ở thôn Gốc Vối để dựng nhà.
Có với nhau được 4 mặt con thì người chồng đột ngột qua đời. Bà một mình bươn chải nuôi 4 đứa con trứng gà, trứng vịt trong cảnh bần hàn. Năm 1988, ông Sường ra tù và thường hay đến quán nước nhỏ của bà ngồi chơi.
Qua tâm sự, bà mới biết cảnh ngộ vợ chết, ông phải đi tù vì nghi giết vợ, hai đứa con theo người thân ra nước ngoài, nhà cửa không còn. Rồi bà cảm thương hoàn cảnh của ông, mong muốn ông ghé lưng cùng nuôi 4 đứa con thơ nên gá nghĩa vợ chồng.
Trước quyết định của bà, gia đình bên chồng và cả gia đình ngoại không ai đồng ý. Họ cùng nghi ngại về việc ông Sường bị tiếng mưu hại vợ. Mặc dù bị ngăn cản, hai người vẫn đến với nhau và năm 1989 sinh con trai đầu là Mưu Văn Lợi, năm 1990 sinh con gái là Mưu Thị Thìn.
Cuộc sống lúc này rất khó khăn nhưng họ chung vai gánh vác để nuôi 6 đứa con. Ít năm sau, người bác bên chồng cũ của bà Cú nhận đỡ đầu 4 đứa con riêng của bà sang Anh sinh sống. Ông bà và hai con chung ở lại thôn Gốc Vối và cùng nhau xây dựng hạnh phúc.
Mặc dù khá vất vả trong việc mưu sinh nhưng ông Sường vẫn không thôi day dứt nỗi oan trái của mình. Ngày 1-6-2008, ông viết đơn gửi Viện KSND nhân dân tỉnh Bắc Giang đề nghị xác minh làm rõ việc oan sai của mình.
Trong hồ sơ gửi Báo CAND ngày 27-9-2016 do anh Mưu Quý Lợi đứng đơn đề nghị minh oan cho bố là ông Mưu Quý Sường, có lá đơn ngày 1-6-2008 vừa nêu ở trên. Trong đơn có nội dung: Ngày 20-9-1977, ông Sường bị Công an tỉnh Hà Bắc (cũ), nay thuộc tỉnh Bắc Giang ra quyết định bắt tạm giam về tội tình nghi giết người, tạm giam tại trại giam Kế. Thời gian giam giữ 11 năm 4 tháng (20-9-1977 – 4-1988).
Trong thời gian bị tạm giam (năm 1984), tại buồng giam F3 xảy ra vụ án đánh người gây thương tích. Ông Sường là buồng trưởng phải chịu trách nhiệm về việc này và bị TAND tỉnh Bắc Giang xử 4 năm tù giam.
Ông Sường chấp nhận, việc ông bị TAND tỉnh Bắc Giang xử 4 năm tù giam vì đã không giữ được trật tự nội quy trong buồng giam là đúng. Tuy nhiên, cũng trong đơn này, ông Sường khiếu nại việc cơ quan chức năng đã bắt tạm giam ông 7 năm 4 tháng là oan sai.
Như vậy, ông Sường được thả sau khi thi hành xong bản án 4 năm tù giam của TAND tỉnh Bắc Giang (tháng 4-1988). Còn thời gian 7 năm 4 tháng tạm giam trước đó, ông không được cơ quan chức năng làm rõ ông bị giam giữ về tội gì (chưa có bản án xét xử).
Đại diện cơ quan điều tra trao quyết định đình chỉ điều tra vụ án và bị can cho gia đình ông Mưu Quý Sường. |
Gỡ nút thắt ở thời hạn điều tra án oan sai
Mưu Văn Lợi được sinh ra vào năm 1989, sau khi bố anh tìm được sự cảm thông của mẹ. Anh lớn lên ở huyện miền núi Lục Ngạn nên ít có điều kiện học tập, giao tiếp. Anh tâm sự, bố anh mất sau khi cô em gái về nhà chồng mới được mấy giờ đồng hồ.
Được mẹ cho đọc những trang nhật ký của bố sau ngày ông mất, anh nhớ nhất là những dòng tâm sự đầy nỗi niềm của người cha về mong muốn được hóa giải nỗi oan giết hại người vợ đầu.
Xem những giấy tờ liên quan đến vụ việc của bố, trong đó có đơn, văn bản trả lời của cơ quan chức năng với nội dung “hết thời hiệu bồi thường oan sai theo Nghị quyết 388”, nên anh cũng chưa biết việc thực hiện di nguyện của bố thế nào.
Khoảng tháng 9-2016, cả gia đình đang ăn cơm thì trên tivi có bản tin về việc ông Trần Văn Thêm, 81 tuổi, ở Bắc Ninh, được minh oan sau 40 năm. Ngay lập tức, anh và mẹ tìm đến nhà ông Thêm và được gia đình cho số điện thoại của ông Nguyễn Văn Hòa – người đại diện pháp lý của ông Thêm.
Trao đổi với chúng tôi về việc này, bà Vi Thị Cú cho biết: “Khi tôi liên hệ với ông Hòa và có hỏi, với người đã mất thì có còn yêu cầu minh oan được không?
Ông Hòa bảo, nếu có đủ căn cứ pháp luật thì làm được. Nghe vậy, tôi và cháu Lợi lại tìm đến Trường THPT Phan Huy Chú, ở Thạch Thất, Hà Nội và mang theo những giấy tờ mà gia đình đang giữ. Được ông Hòa đồng ý, chúng tôi làm giấy ủy quyền để ông làm đại diện pháp lý”.
Được biết, từ nhỏ ông Sường sống cùng bố mẹ ở xã Trù Hựu. Năm 1966, ông nhập ngũ và chiến đấu ở chiến trường miền Nam - Lào - Campuchia. Tháng 11-1975, ông phục viên sau gần 10 năm trong quân ngũ. Về địa phương, ông được giao làm Phó chủ nhiệm HTX Nội Thành.
Trong thời gian này, vợ ông là bà Hoàng Thị Múi bị tai nạn lao động và chết (lúc này con đầu 5 tuổi, con thứ hai 6 tháng tuổi). Ông Sường bị bắt tạm giam vì nghi giết vợ.
Trong quá trình ông tạm giam thì xảy ra vụ việc gây thương tích ở buồng giam F3, trại giam Kế và ông bị xử 4 năm tù giam như nêu ở trên. Cộng với thời gian 7 năm 4 tháng trước khi xảy ra vụ việc này, ông Sường bị giam giữ 11 năm 4 tháng.
Trong Văn bản số 1436/VKS-TLĐ-P1 ngày 28 tháng 11 năm 2008 của Viện KSND tỉnh Bắc Giang gửi cho ông Mưu Quý Sường có nêu: Việc ông cho rằng, năm 1977, ông bị bắt giam oan sai 7 năm 6 tháng vì tình nghi giết vợ là bà Hoàng Thị Múi là có cơ sở.
Vì kết thúc điều tra, cơ quan điều tra không có đủ căn cứ để kết luận ông phạm tội giết người; việc ông đề nghị bồi thường thiệt hại do bị bắt giam oan sai theo Nghị quyết 388 ngày 17-3-2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không có cơ sở (do đơn đề nghị bồi thường gửi sau ngày 1-4-2003).
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hòa, người đại diện pháp lý của anh Mưu Văn Lợi cho rằng, những căn cứ đã chỉ ra của văn bản trên không sai. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là ông Mưu Quý Sường đòi minh oan. Mà minh oan thì không có thời hạn như yêu cầu bồi thường oan sai như Nghị quyết 388 quy định.
Thượng tá Dương Thanh Nghị, Phó Chánh văn phòng CSĐT, Công an tỉnh Bắc Giang cũng đồng tình với quan điểm trên. Và thực tế, cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bắc Giang đã thực hiện việc xác minh, làm rõ đề nghị minh oan cho ông Mưu Quý Sường theo hướng này. Ngay sau khi có kết quả điều tra, cơ quan Công an đã ra Quyết định đình chỉ vụ án và Quyết định đình chỉ bị can như đã nêu ở phần đầu bài báo.
Được biết, sắp tới, cơ quan có trách nhiệm sẽ tiến hành xin lỗi công khai đối với gia đình ông Mưu Quý Sường tại xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn theo đúng quy định của pháp luật. Dẫu ông Sường đã khuất núi, nhưng việc này sẽ an ủi vong linh của ông, cũng như bảo vệ thanh danh cho gia đình, vợ con ông.
Tác giả: Cao Hồng
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân