Các giáo viên hỏi về quy định nào yêu cầu họ phải học chứng chỉ ngoại ngữ, tin học để thăng hạng chức danh nghề nghiệp? Đồ hoạ: CDKH |
Yêu cầu giáo viên học chứng chỉ ngoại ngữ, tin học để thăng hạng chức danh nghề nghiệp là làm trái quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Vào thời điểm đầu tháng 8/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông tin giải đáp một số vấn đề trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2023.
Theo đó, không yêu cầu giáo viên nộp các chứng chỉ bồi dưỡng, tin học, ngoại ngữ.
Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở thực hiện theo quy định tại Điều 7 các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1, khoản 7 Điều 2, khoản 8 Điều 3 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT.
Cụ thể, khi thực hiện việc bổ nhiệm, chuyển xếp hạng chức danh nghề nghiệp từ quy định cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định tại các Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề, không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng là chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm và các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với tiêu chuẩn về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng lưu ý thêm, khoản 2 Điều 5 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT đã quy định "không yêu cầu giáo viên phải cung cấp minh chứng về việc thực hiện nhiệm vụ của hạng khi bổ nhiệm vào hạng tương ứng theo quy định tại các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT".
Tiêu chuẩn, điều kiện đăng kí xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên theo quy định nào?
Điều 32 Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức có hiệu lực từ ngày 7/12/2023 quy định tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp như sau (trích):
- Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật; không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật;
- Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp;
- Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng.
- Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng, trừ trường hợp xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp mà chức danh nghề nghiệp đó theo quy định tại thời điểm xét không có hạng dưới liền kề.
Theo quy định này, ví dụ, giáo viên trung học phổ thông hạng III muốn xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng II thì phải đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện như:
1) Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không vi phạm kỉ luật;
2) Có năng lực làm nhiệm vụ của giáo viên hạng II (được quy định tại Văn bản hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập);
3) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp;
4) Đủ 9 năm giữ hạng III (không kể 1 năm tập sự). Nếu giáo viên trước khi tuyển dụng có bằng thạc sĩ thì chỉ cần giữ hạng III đủ 6 năm (không kể 1 năm tập sự).
Cần biết thêm, văn bản 64/BNV-CCVC về hướng dẫn xác định cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức quy định chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương đối với đơn vị sự nghiệp công lập tối đa không quá 50%.
Giả sử 1 trường có 100 giáo viên, trong đó có 60 giáo viên đăng kí xét thăng hạng thì phải căn cứ vào thành tích để chọn từ số lượng cao xuống thấp.
Phụ lục Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập, gợi ý minh chứng về các nhiệm vụ của hạng II mà giáo viên đã thực hiện và đạt kết quả như sau:
- Quyết định/văn bản phân công nhiệm vụ/văn bản triệu tập của cấp có thẩm quyền;
- Sản phẩm nghiên cứu/sách/tài liệu bồi dưỡng/giáo án/kế hoạch giảng dạy được duyệt;
- Sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn/biên bản có xác nhận của cấp có thẩm quyền thể hiện kết quả thực hiện nhiệm vụ của giáo viên;
- Thông báo kết luận thanh tra, kiểm tra/nhật ký thanh tra, kiểm tra có xác nhận của cấp có thẩm quyền theo quy định;
- Quyết định khen thưởng/văn bản ghi nhận về những đóng góp của giáo viên;
- Ngoài ra, giáo viên có thể cung cấp các minh chứng phù hợp khác thể hiện việc giáo viên đã thực hiện nhiệm vụ của hạng đăng ký dự xét và đạt kết quả.
Tác giả: Phan Anh
Nguồn tin: congdankhuyenhoc.vn