Kinh tế

Gỡ vướng sáp nhập xã, thị trấn ở Nghệ An, Hà Tĩnh

Nhằm từng bước tinh gọn bộ máy, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy kinh tế phát triển, 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đang chạy nước rút để sắp xếp, sáp nhập xã, thị trấn trên địa bàn.

Cùng với cả nước, đến thời điểm hiện nay, 2 địa phương này cũng đã công bố công khai chi tiết các đơn vị hành chính cấp xã (HCCX) sẽ sáp nhập, đổi tên theo những tiêu chí do Trung ương đặt ra.

Giảm 66 xã, thị trấn

Để thực hiện tốt Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, các tỉnh, thành trên địa bàn cả nước đã có đề án để triển khai.

Riêng trên địa bàn Nghệ An, hiện đã có 16 đơn vị hành chính cấp xã (14 xã, 2 thị trấn) phải tiến hành sắp xếp, sáp nhập với các đơn vị hành chính liền kề trong giai đoạn 1 (2019 - 2021). Đây là những đơn vị HCCX có 02 tiêu chí (diện tích, dân số) dưới 50% so với quy định phải tiến hành sáp nhập, sắp xếp lại.

Được biết, trước khi thực hiện đề án sắp xếp lại đơn vị HCCX, tỉnh Nghệ An có 21 đơn vị cấp huyện bao gồm 1 thành phố trực thuộc, 3 thị xã và 17 huyện được chia ra 480 đơn vị HCCX gồm 431 xã, 32 phường và 17 thị trấn.

Ông Trần Quốc Chung - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho biết, theo Công văn số 3407/BNV-CQĐP ngày 26/7/2019 của Bộ Nội vụ về phương án tổng thể sắp xếp đơn vị HCCX hiện nay, địa phương đã đưa ra các phương án thực hiện sát với thực tiễn, hoàn thành lộ trình này trong năm 2019.

Để sắp xếp, sát nhập đơn vị HCCX ở Nghệ An cũng đang còn nhiều vướng mắc cần sớm tháo gỡ

Theo đó, giai đoạn 2019 - 2021, Nghệ An có 36 đơn vị HCCX sáp nhập thành 16 đơn vị, giảm 20 so với số đơn vị HCCX hiện tại là 480.

Trước khi thực hiện đề án sáp nhập đơn vị HCCX, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành kế hoạch 491/KH-UBND ngày 13/8/2019 về việc lấy ý kiến để triển khai.

Nếu sáp nhập các xã liền kề mà vẫn chưa đạt tiêu chí do TW quy định thì sẽ tiếp tục gộp, sáp nhập vào xã thứ 3.

Đặc biệt, từ tháng 10 đến tháng 12/2019, sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các nội dung đã được nêu ra trong kế hoạch 491. Cụ thể, Nghệ An sẽ sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh và quyền lợi liên quan.

Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh có 46/262 xã được sắp xếp, sáp nhập lại, hình thành 34 xã mới theo các tiêu chí mà TW đặt ra.

Gỡ vướng sau khi sát nhập xã

Chủ trương tinh gọn bộ máy chính quyền, sắp xếp lại địa danh, địa giới đơn vị HCCX đang triển khai theo “phong trào” rộng khắp trên cả nước. Nhiều tỉnh, thành cũng nhanh chóng vào cuộc, cùng ngồi lại họp bàn, lấy ý kiến triển khai.

Tuy nhiên, có một thực tế là để công tác sáp nhập, sắp xếp lại đơn vị HCCX ở từng địa phương được thuận lợi cũng đang là câu chuyện không phải dễ dàng gì.

Từ khâu chọn tên xã, phường mới cho đến đội ngũ cán bộ, lãnh đạo dôi dư, cơ sở hạ tầng…thì không thể nói là làm ngay được. Trong đó, việc người dân có ý kiến trong việc sát nhập đơn vị HCCX cũng cần được cân nhắc, đưa ra bàn luận.

Câu chuyện sáp nhập, sắp xếp lại thôn bản, xã ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cũng đang còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Với đặc thù là huyện rẻo cao biên giới của tỉnh Nghệ An nên trong đề án sáp nhập xã, thôn bản thì Kỳ Sơn có 36 khối, bản trong tổng số 193 khối, bản của huyện phải tiến hành sáp nhập.

Mặc dù các xã, thị trấn ở Kỳ Sơn không thuộc diện nằm trong đề án sáp nhập, sắp xếp lại nhưng ngay từ xóm, bản, khối cũng đang nảy sinh nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Đó là đặc thù về địa giới, dân tộc, phong tục tập quán rồi hạ tầng kỹ thuật cũng khác nhau nên khi sát nhập sẽ rất khó tạo sự đồng thuận, cũng như thực hiện một số chủ trương, chính sách.

Từ khâu chọn tên xã, phường mới cho đến đội ngũ cán bộ, lãnh đạo dôi dư, cơ sở hạ tầng…thì không thể nói là làm ngay được

Chính vì vậy, đối với việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị HCCX ở Nghệ An cũng đang còn nhiều vướng mắc cần sớm tháo gỡ. Người dân cho rằng, nếu sát nhập xã thì nhiều trụ sở làm việc, hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư hàng tỷ đồng từ sức dân thì sẽ giải quyết như thế nào? Chưa kể, mỗi vùng quê được hình thành từ hàng trăm năm nay đều có hương ước làng, quy định thôn…thành nét văn hóa truyền đời, bây giờ sát nhập thì vận dụng hay xóa bỏ.

Đây cũng là những thực trạng chung ở hầu hết các tỉnh, thành trên địa bàn cả nước khi thực hiện đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị HCCX trong thời gian qua.

Một thực trạng đáng quan tâm nữa là vấn đề sắp xếp, bố trí nơi làm việc, vị trí công tác cho cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập đơn vị HCCX sẽ như thế nào?

“Về mặt nguyên tắc, chúng tôi không có cơ sở nào để nói với cán bộ là chế độ, chính sách là thế này hay thế kia. Đây là một trong những trăn trở, băn khoăn nhiều nhất ở những xóm, xã hiện chưa đạt kết quả về sáp nhập” – bà Hoàng Thị Thu Trang, Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn, Nghệ An trăn trở.

Như vậy, nhìn chung quỹ thời gian mà TW đặt ra cho các địa phương khi triển khai đề án sắp xếp, sáp nhập lại đơn vị HCCX trong thời gian qua khiến nhiều tỉnh, thành phải chạy nước rút. Trong khi đó, nhiều vướng mắc, khó khăn chưa được tháo gỡ, triển khai một cách bài bản thì hệ lụy phát sinh sau này rất dễ xảy ra.

Tác giả: Ngọc Thái

Nguồn tin: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP