Ông Vinh và gia đình các học sinh được ông cứu sống
22 năm sau vụ chìm đò đau lòng, người anh hùng ngày ấy vẫn tiếp tục cuộc sống giản dị của một nông dân “chân lấm tay bùn”. Dù nghèo nhưng ông luôn nghĩ rằng mình là người hạnh phúc nhất thế gian khi được 11 đứa con năm xưa ông cứu vớt hết mực thương yêu.
Tang thương chuyến đò đầu năm
Vượt quãng đường hơn 40km từ TP Vinh về huyện Diễn Châu, chúng tôi tiếp tục len lỏi qua những con đường đất gập ghềnh để tìm về xóm 1, xã Diễn Tân, huyện Diễn Châu, Nghệ An gặp người anh hùng Bùi Đức Vinh, người đã dũng cảm lao xuống dòng nước lạnh buốt cứu sống 11 học sinh trong vụ chìm đò xuân Giáp Tuất 1994.
Trong ngôi nhà nhỏ nằm sát con đường đất ở cuối xóm 1, anh Vinh đang tất bật hót dọn những mẻ thóc vừa ráo vỏ đổ vào bao. Tạm gác lại công việc bận rộn ngày mùa, ông Vinh chậm rãi kể lại câu chuyện đã xảy ra từ cách đây hơn hai thập kỷ: “Hôm đó là ngày 10 tháng Giêng năm Giáp Tuất, nhóm 13 học sinh nữ lớp 8A, Trường THCS xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu đi sang xã Diễn Cát dự đám cưới cô giáo trong trường. Trên đường về, do trời mưa rét nên các em rủ nhau đi tắt bằng đò của một gia đình làm nghề chài lưới trên kênh nhà Lê (nối xã Diễn Cát với xã Diễn Tân)”.
Thời điểm đó, ông Vinh lúc này mới là chàng trai 29 tuổi vừa đi xuất khẩu lao động ở Nga về, đang đánh bắt cá trên kênh, cách đó khoảng 40m. Đang kiểm tra lưới, anh Vinh bỗng nghe tiếng kêu thất thanh: “Trời ơi! Cứu! Cứu!”. Ngoảnh lên nhìn, anh phát hiện con đò chở nhiều học sinh cùng người lái đò bị lật úp, chìm nghỉm ngay trước đáy cá giữa kênh (đoạn ngăn dòng để đặt lưới đánh cá giữa kênh). Áo nylon, nón lá, túi sách, dép của các em học sinh nổi trắng dòng kênh.
“Tôi chỉ kịp nhìn thấy con đò lật úp, nhiều học sinh nắm lấy người lái đò đang chới với. Lúc này, nước thủy triều từ sông Bùng (sông Lê là một nhánh của sông Bùng) vào đang dâng cao, chảy xiết, trời mưa rét”, ông Vinh kể.
Trước hoàn cảnh hiểm nguy đó, không mảy may suy nghĩ, anh Vinh lao tới, lấy hết sức bình sinh nhảy mạnh lên một phần đáy cá bờ Đông ngăn con đò lọt vào trong đáy cá. Tấm chiêng đáy cá thụt xuống ngang cổ, nước kênh như vỡ bờ chảy ào về phía anh Vinh đưa con thuyền tuột khỏi miệng đáy, xoáy về gần bờ. “Không hiểu sao lúc đó tôi có sức lực phi thường như vậy, chiêng đáy cá chặn dòng bình thường người vạm vỡ đứng lên còn không chìm huống gì lúc đó tôi còn gầy yếu”, anh Vinh nhớ lại.
Sau khi đưa con đò thoát hiểm, anh Vinh lao xuống dòng nước lạnh buốt. Tay nắm lấy người chủ đò đang bị 3, 4 học sinh hoảng loạn đu bám, nhấn chìm. Một lần nữa, anh lại dùng hết sức đẩy cả người chủ đò và ba học sinh vào mép bờ. Ngay tức thì anh quay lại tay nắm, chân đạp nước lần lượt đưa thêm 6 học sinh khác lên bờ. Dù rất mệt nhưng nghe các cháu hô còn bốn bạn nữa, anh Vinh lại lao xuống dòng nước. Thế nhưng cả con đò và các em học sinh đã bị chìm sâu dưới dòng nước. Trên mặt nước chỉ còn nổi vài bọt khí. Anh tiếp tục lặn nhanh đến đó, lần mò trong dòng nước đục nắm được thêm hai học sinh đang ngạt nước đưa lên bờ rồi kiệt sức.
Lúc này mọi người trong xóm cũng đã ra tới nơi, nhiều người cùng lao xuống dòng nước ngụp lặn tìm kiếm nhưng cũng không thấy các em. Mãi đến chiều, lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể hai em bị cuốn trôi về phía cuối dòng cách vị trí ban đầu 150m.
Anh Vinh cho biết: “Đoạn kênh này tuy chỉ rộng chừng 40m nhưng mực nước sâu tới 4m. Người giỏi ngụp lặn còn khó tới đáy vậy mà không hiểu vì sao ngày hôm ấy trong vài phút, tôi lại có thể đưa được 11 học sinh và chủ đò lên bờ”.
Hạnh phúc bình dị của người cha anh hùng
Người anh hùng Bùi Đức Vinh chỉ lại nơi xảy ra vụ chìm đò cách đây 22 năm
Sau sự việc ngày hôm ấy, gia đình cả 11 em học sinh nữ cùng đến nhà để cảm tạ “vị cứu tinh”, nhưng ông Vinh đều từ chối tiền bạc của cải. Duy chỉ có việc nhận 11 em học sinh ấy làm con nuôi là ông nhận lời. Xúc động trước nghĩa cử của người anh hùng trẻ tuổi, ông Cao Văn Thành, cha đẻ của 1 trong số 11 nữ sinh được anh Vinh cứu sống đã viết tặng ông Vinh 1 bài thơ dài kín khổ giấy A4. Bài thơ như một câu chuyện cổ tích kể lại toàn bộ sự việc diễn ra ngày hôm ấy. Đến giờ anh Vinh vẫn cẩn thận lưu giữ tờ giấy ghi bài thơ như một báu vật của cuộc đời. Trong bài thơ có đoạn:
“Mười một cháu được mang thêm họ
Họ Bùi Đức của cha Vinh
Người cha dũng cảm đã dang rộng cánh tay
Đưa các con từ cái chết trở về cuộc sống”.
Các thày cô giáo và học sinh Trường THCS xã Diễn Thọ cũng đến tận nhà cảm ơn, tặng ông Vinh bức trướng với hai dòng thơ: “Đời được sống nhờ cha cứu vớt/ Mười một con ghi tạc ngàn năm”.
Với ông Vinh lúc đó cũng như bây giờ, tình cảm gia đình gần gũi, sự quan tâm của bà con lối xóm luôn là món quà cao quý nhất với ông. Cuộc sống tuy còn khó khăn, nhưng ông Vinh luôn tự hào rằng: “Tôi thấy mình là người may mắn, người hạnh phúc nhất. Ngoài 11 đứa con nuôi đã trưởng thành và đều thành đạt, thì ba người con ruột của vợ chồng chúng tôi cũng đều học giỏi, ngoan ngoãn. Giờ đã hai con đã lập gia đình và sống hạnh phúc. Tôi coi đó là tài sản quý giá nhất trong cuộc đời mình”.
Kể từ ngày nhận thêm 11 người con nuôi, ông Vinh đều coi như con đẻ, khi đau ốm, lúc học hành túng thiếu ông đều thăm nom, chăm sóc, giúp đỡ hết lòng. Ngay cả những chuyện vợ chồng con cái khúc mắc, ông Vinh cũng đứng ra giảng hòa. “Chúng với tôi thân thiết như cha con ruột rà vậy. Hễ nhà có công việc gì hay lễ Tết là tất cả các con lại đưa chồng con về chung vui. Năm trước cưới con gái thứ 2, 11 đứa về dự cả. Cưới con gái mà các chị lo hết, người làm cha như tôi chỉ việc ngồi tiếp khách”, ông Vinh phấn khởi khoe.
Hiện, ông Vinh được xem là người đông con nhiều cháu nhất tỉnh Nghệ An, bởi mới 50 tuổi mà ông có tới 14 người con, 28 đứa cháu, một con số kỷ lục. Đáng mừng hơn là tình cảm cha con của ông và 11 người con nuôi năm ấy vẫn luôn vẹn nguyên đến tận bây giờ.
Một trong 11 học sinh được ông cứu thoát khỏi lưỡi hái thủy thần là chị Thái Thị Bích, nay đã trưởng thành, trở thành cô giáo của Trường Tiểu học xã Diễn Thọ. Dù khá bận rộn với công việc, cuộc sống gia đình nhưng bất cứ khi nào có thời gian là cô Bích lại sang thăm cha Vinh. Nói về người cha nuôi, cô không giấu nổi sự kính trọng và lòng tự hào: “Nếu không có sự nghĩa hiệp của cha Vinh thì giờ đây tôi và 10 người bạn khác không còn trên cõi đời này.
Chúng tôi đều coi ông như cha ruột của mình. Mặc dù là cha nuôi nhưng ông rất có trách nhiệm với các con, các cháu. Ngày trước khi chúng tôi học đại học, mặc dù kinh tế gia đình rất khó khăn nhưng cha Vinh vẫn gom góp tiền gửi cho 11 người con. Lúc 11 người con lập gia đình cha đều có quà mừng, hay lúc tôi sinh đẻ, các thành viên trong gia đình tôi ốm đau cha đều lên hỏi thăm và chăm sóc tận tình. Với tôi ông là người cha tuyệt vời, tôi luôn coi ông như cha đẻ của mình”, cô giáo Bích chia sẻ.
Được biết, hiện nay cách vị trí vụ chìm đò năm xưa chừng 400m về phía Nam, một cây cầu bê tông xi măng kiên cố đang đươc gấp rút xây dựng. Trong thời gian tới người dân hai xã Diễn Tân và Diễn Cát sẽ không còn chịu cảnh đò ngang cách trở nữa.
Với hành động dũng cảm cứu người gặp nạn, ông Bùi Đức Vinh được T.Ư Đoàn tặng Huy chương Tuổi trẻ dũng cảm, Huy chương Vì sự nghiệp chăm sóc trẻ em của Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam. Ngoài ra, ông còn được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An, UBND huyện Diễn Châu… |
Tác giả bài viết: Văn Thanh - Thủy Tiên