Trong tình hình đó, nhiều khả năng HLV Hữu Thắng sẽ cho Công Phượng đá chính. Không chỉ là một hình thức giảm tải cho Công Vinh, ông Thắng còn rất cần Công Phượng có trạng thái thi đấu thực sự, từ đầu, chứ không phải vào sân từ ghế dự bị và buộc phải gồng mình lên bắt nhịp.
Công Phượng đang trĩu nặng với gánh áp lực trên vai. Ảnh: Quốc Bảo.
Cái sự gồng mình ấy khiến anh mất hẳn những gì là thế mạnh từng thể hiện ở tuổi U19.
Lâu nay, người hâm mộ biết đến Phượng và yêu quý Phượng bởi những pha xử lý kỹ thuật dựa trên sự ngẫu hứng. Mà ngẫu hứng thì chỉ đến khi người ta vui vẻ và tự tin.
Công Phượng lúc này không hề có gì trong cả hai tiêu chí ấy.
Quãng thời gian ngồi dự bị ở Mito Hollyhock quá dài, về tuyển Việt Nam cũng không tìm được chỗ đứng, Công Phượng luôn tự thu mình lại với ánh mắt thật buồn. Khi được trao những cơ hội hiếm hoi, anh lại đánh vật với chuyện tìm tiếng nói với đồng đội xung quanh, tìm cảm giác bóng, tìm cái cá tính của mình.
Khi còn ở HAGL cũng như tuyển U19, Công Phượng là trung tâm của các mô hình chiến thuật. Anh có thể chơi tuỳ hứng, hỏng một vài quả không sao, nhưng ăn một quả là được tung hô, ca ngợi.
Lên tuyển lớn, mọi chuyện trở nên khác biệt. Phượng quá nhỏ bé so với các đàn anh Công Vinh, Văn Quyết, Thành Lương, thậm chí so với đồng đội cùng lứa với mình như Tuấn Anh, Xuân Trường. Phượng vẫn được chơi tuỳ hứng, nhưng “lỗi” một vài tình huống thì đã là thảm họa rồi.
Cái thảm họa dạng ấy đã xảy ra ở trận gặp Malaysia, lần đầu tiên Phượng được ra sân ở AFF Cup. Áp lực phải chứng tỏ bản thân khiến cầu thủ Đô Lương chơi với đôi chân vụng về, còn cái đầu thì nặng trĩu.
Hơn 30 phút ở trên sân, Phượng chạm bóng không nhiều, dù anh cố gắng chạy thật khoẻ để đi săn bóng. Một lần chặn hướng đi bóng của Trọng Hoàng, một lần sút hỏng ăn, một lần vấp bóng mất cơ hội, một lần nữa xử lý lóng ngóng để thành người nhận bóng trước mà lại chạy sau hậu vệ Malaysia…
Có ít nhất hai đồng đội tỏ ý bực dọc với Công Phượng. Đó là Công Vinh, phàn nàn về đường chuyền như đặt bị đàn em bỏ lỡ. Và sau đó là Minh Tuấn, trong tình huống cuối trận, anh thất vọng vì Phượng tìm cách qua người thay vì chuyền ngược ra. Minh Tuấn cũng như Công Phượng, lần đầu tiên được vào sân và cần bóng để chơi.
Nếu ở trong một hoàn cảnh khác, có một tâm thế khác, Công Phượng hẳn là đã xử lý khéo hơn hoặc quái hơn. HLV Hữu Thắng cũng tin buổi chiều 23/11 ấy, Phượng không ở trình độ của chính anh. Ông đã động viên Phượng rằng anh cần thêm thời gian nữa.
Anh cần nhiều hơn nữa sự kiên nhẫn và những cái vỗ vai từ HLV Hữu Thắng. Ảnh: Quốc Bảo.
Thời gian, đó là thứ mà ông đã ưu ái Trọng Hoàng hơn Công Phượng và thu về hiệu quả bất ngờ. Trọng Hoàng được chơi đến hơn 120 phút trong 2 trận đầu tiên, điều chẳng ai có thể tượng tượng ra nếu Tuấn Anh không bị loại.
Ngay bản thân Trọng Hoàng cũng rất “cóng” trong những phút đầu ở trên sân. Nhưng anh lại có một đường chuyền quyết định và một bàn thắng quyết định. Cả 6 điểm mà tuyển Việt Nam có được đều in đậm dấu ấn Trọng Hoàng.
Hoàng “bò” chính là tấm gương hy vọng cho Công Phượng. Có thể Phượng còn một cơ hội cuối ở trận gặp Campuchia, cơ hội không phải để chiếm suất chính của ai đó, mà để tự trấn an bản thân mình.
Trận đấu giữa ĐT Việt Nam và Campuchia diễn ra vào lúc 18h30 (giờ Hà Nội) ngày 26/11 tại sân Wunna Thekdi (Thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar). Hai đội đã phải di chuyển gần 400 km từ Yangon để thi đấu trận này.
Những nỗ lực của Công Phượng ở trận gặp Malaysia: Vào sân từ giữa hiệp 2 thay Văn Quyết, Công Phượng thi đấu khá năng nổ và tạo ra không ít cơ hội nguy hiểm trước khung thành Malaysia.
Tác giả bài viết: Quốc Bảo (từ Yangon, Myanmar)
Nguồn tin: