Câu chuyện hi hữu xảy ra vào chiều ngày 28/11/2017, khi gia đình anh Nguyễn Công Xô (SN 1981, ở huyện Yên Phong, Bắc Ninh) thay áo, đổi tiểu cho bố là ông Nguyễn Công Việt (SN 1930).
Theo lời anh Xô, hôm đó, sau khi rửa hài cốt cha, xếp vào tiểu thì anh Nguyễn Công Chiêu (cháu gọi bố anh Xô bằng bác ruột) lấy một số xương của bố anh. Vợ chồng anh Xô cố ngăn nhưng không được.
Anh Nguyễn Công Xô |
Anh Xô cũng đã nói chuyện, những mong anh Chiêu mang trả lại xương của cha để anh chôn cất bố được vẹn toàn. Nhưng anh Chiêu không trả mà còn thách thức.
Vì vậy, anh Xô làm đơn tố cáo gửi đến Công an huyện Yên Phong, mong cơ quan chức năng xem xét và giúp gia đình anh đòi lại số xương của bố và mong pháp luật xử lý anh Chiêu theo quy định.
Tháng 2/2018, Công an huyện Yên Phong có thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm. Thông báo nêu: Việc anh Chiêu lấy mẩu đốt xương chân của bác ruột có nguyên nhân xuất phát từ việc anh này nghi ngờ anh Xô không phải là con đẻ của ông Việt.
Việc này gây mâu thuẫn về quan hệ trên dưới trong họ tộc Nguyễn Công. Tại cuộc họp họ năm 2016, khi có người yêu cầu giám định ADN, anh Xô nói sẽ chứng minh mình là con đẻ của ông Việt.
Cũng theo Công an huyện Yên Phong, hành vi của anh Chiêu chưa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hài cốt của người đã khuất. Khi lấy mẩu đốt xương chân về, anh Chiêu lại đưa lên bàn thờ nhà mình thờ cúng.
Mục đích của anh Chiêu không mong muốn xâm hại đến hài cốt của người đã khuất nên hành vi của anh này chưa đến mức xử lý hình sự.
Công an huyện Yên Phong căn cứ vào khoản 2, điều 107, bộ luật Tố tụng hình sự ra quyết định xử phạt hành chính đối với anh Chiêu.
Không đồng tình với kết luận nêu trên, ngày 15/5/2018, anh Xô tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh đề nghị giải quyết.
Anh Xô viết trong đơn: "Căn cứ vào quy định tại điều 246 bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 và điều 319 bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, hành vi của anh Chiêu là chiếm đoạt xương cốt của bố tôi, đủ căn cứ cấu thành tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt".
Anh Xô tỏ ra bất bình khi Công an huyện không khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với anh Chiêu mà chỉ xử phạt hành chính. Bất bình hơn khi Công an cũng không ra quyết định thu hồi phần xương cốt của ông Việt mà Chiêu đã chiếm đoạt để trả lại cho gia đình anh Xô.
Khai quật và khám nghiệm hài cốt
Sau nhiều đơn khiếu nại của anh Xô gửi đi, đến tháng 12/2018, Công an huyện khởi tố vụ án xâm phạm hài cốt xảy ra ngày 28/11/2017 tại Phù Lưu, Trung Nghĩa, Yên Phong.
Để đảm bảo việc thu thập tài liệu chứng cứ khách quan, đúng quy định, ngày 10/5, Công an huyện Yên Phong đã khai quật và khám nghiệm hài cốt cụ Việt. Đến nay đang chờ kết quả.
Theo luật sư Bùi Đình Ứng, sự việc được giải quyết không khoa học. Đáng lẽ việc giám định xương phải thực hiện trước đó để gia đình anh Xô không phải đi khiếu nại kéo dài.
Trong vụ án này, cơ quan công an nên có sự đồng cảm với gia đình anh Xô thì mới có đường lối xử lý nhân văn. Tổn thất về mặt tinh thần nhà anh Xô là rất lớn khi liên tục phải đào mộ cha lên, canh cánh việc hài cốt của cha bị thiếu, không được yên, rất đau khổ.
Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng: Anh Chiêu có hành vi xâm phạm đến hài cốt của người đã chết, xâm phạm đến phong tục, tập quán, truyền thống của dân tộc Việt Nam. Hành vi của anh Chiêu có dấu hiệu phạm vào tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.
Bộ luật Hình sự quy định: Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm: Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt.