Tôi có ba đứa em, thân nhất là đứa em trai này. So với hai em gái, tôi thích trò chuyện chia sẻ với cậu em mình nhiều hơn. Hồi sinh viên, chị em ở trọ chung. Có lần tôi ốm, em trai đi mua thịt heo về ngồi bằm ra nấu cháo cho chị, kèm theo một viên thuốc bổ dạng sủi. Tôi nằm trong phòng, nghe tiếng em lạch cạch dao thớt ở đằng sau. Rồi mùi hành củ, hành lá bốc lên thơm phức. Ăn xong chén cháo, tôi được lệnh uống ngay ly thuốc bổ vừa kịp tan. Mới uống vào tôi nôn ra, không rõ vì sao. Em trai nổi cáu, bảo tôi không biết quý trọng công sức của nó. Vừa tốn tiền vừa uổng công. Tôi tủi thân, mếu máo thanh minh, rằng chị có muốn thế đâu. Em trai không nói gì thêm, lẳng lặng lau dọn…
Rồi tôi có bạn trai “gốc thành phố”, mối quan hệ hơi mất cân bằng, có phần “lụy”, nghiêng về phía tôi. Anh ấy thích các món do tôi tự tay nấu nướng, nên tôi cũng làm siêng bày biện. Có lần vui miệng, cả hai chén sạch thức ăn, tự nhủ rằng, khi nào em trai về thì kêu nó ăn tạm mì tôm một bữa, đâu có gì phải nặng nề… Có lúc, tôi xào bắp với tôm khô, hoặc cơm chiên các kiểu, ủ nóng cẩn thận, mang qua cho người yêu. Trên bếp chỉ còn lại chút đỉnh cho em…
Phải chăng, yêu thương khi đã trở thành quá khứ thường đẹp và dễ khiến người ta chạnh lòng
Những ngày vất vả thiếu thốn ấy rồi cũng qua. Tôi tốt nghiệp, kết hôn ngay, xong mới bắt đầu đi làm. Chồng tôi là người khác, chứ chẳng phải chàng người yêu được chăm chút thuở ấy. Em tôi vẫn còn tiếp tục ở giảng đường.
Chị em tôi vẫn còn thân lắm. Hay lên mạng trò chuyện. Tuần nào cũng email cho nhau. Kể lể dông dài vớ vẩn thế thôi, chứ chẳng có gì quan trọng. Lâu lâu lại gọi điện thoại. Câu đầu thường là “Có ổn không?”. Em tôi học ngành kế toán ra, nên kiếm thêm bằng việc lướt sóng vàng và chơi chứng khoán. May rủi bấp bênh. Rồi thì trời thương, em trúng đậm vài quả, cuộc sống cũng đỡ hơn. Em lấy vợ, bắt đầu mập ra, không còn hình dáng gầy gầy dong dỏng như ngày nào. Em sành ăn hơn, đã biết chê món này không hợp khẩu vị, thức kia chẳng đáng dùng…
Cuối tuần rảnh, tôi rủ vợ chồng em qua mẹ ăn cơm. Có vịt xiêm nấu chao ngon lắm, món em thích nhất đấy. Em tần ngần rồi nói, ra quán đi, ở nhà tự làm mà ăn cái gì, chẳng ra sao còn tốn thời gian dọn dẹp, rửa chén. Khi tôi cho biết, đã lỡ nhờ mẹ đi chợ mua đồ chuẩn bị xong, thì em như sực nhớ ra, bảo: “Ơ, có cái báo cáo phải làm gấp mà quên mất! Không tham gia được rồi”.
Tôi buồn nhưng không trách. Cuộc sống chảy theo cách của nó, xuôi về phía trước, đổi thay hối hả từng ngày… Nhớ lại thuở xưa, tôi cũng từng có giai đoạn đối đãi với gia đình, ruột thịt chẳng bằng một anh người yêu chảnh chọe kia mà. Nên hiểu và thương em lắm.
Đùng cái, em tôi mắc bệnh nan y, từ lúc phát hiện tới khi em mất chẳng được nửa năm. Mà tất cả chúng tôi, và em nữa, thậm chí vẫn chưa kịp quen với ý nghĩ, thần chết đang rình rập quanh đây là có thật, người ta sống đó rồi đi xa đó, chẳng thể nào ngờ trước. Vợ con em vẫn đang lạc quan là còn nước còn tát, chị em tôi tiếp tục đùa vui tếu táo rằng “người ác sống lâu”, làm gì phải cuống quýt sợ sệt cơ chứ! Thậm chí, từ khi hay tin dữ ấy, tôi qua thăm em, mấy khi trò chuyện được lâu. Chỉ tới lúc mọi sự đã thành nghiêm trọng, ai nấy mới đau đớn quây quần lại, cho lần gặp cuối muộn màng…
Nay đã gần tới giỗ đầu của em rồi. Tôi vẫn không bỏ được thói quen tuần nào cũng đều đặn email kể chuyện dông dài với đứa em trai vắn số. Những email chỉ còn một chiều đi, không bao giờ có hồi âm, dù trễ muộn nữa. Đôi lúc, tôi thấy mình ngớ ngẩn khi tìm kiếm sự an ủi hoang đường kiểu ấy. Ký ức về em cứ trở đi trở lại, khác hẳn sự lãng quên trong bận rộn mà thuở sau này chúng tôi hay ngụy biện. Phải chăng, yêu thương khi đã trở thành quá khứ thường đẹp và dễ khiến người ta chạnh lòng, đau xót và tiếc nuối, hơn là khi ai đấy còn hiện hữu đủ đầy bên cạnh?
Tác giả bài viết: Thùy Lâm