Kinh tế

Doanh nghiệp Việt lỗ nghìn tỷ vì đồng yên tăng giá kỷ lục

Vay nợ nhiều bằng tiền tệ của Nhật khiến một số doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng lớn với mỗi biến động của đồng tiền này.



Ngày 1/7, tỷ giá yên Nhật được Vietcombank niêm yết ở mức một yên "ăn" 217 đồng. 6 tháng trước đó, con số này là 187 đồng. Như vậy so với đầu năm, yên Nhật đã tăng giá trên 16% so với tiền đồng. Diễn biến này tạo ra nguy cơ ăn mòn lợi nhuận và ảnh hướng đến kết quả kinh doanh, khả năng chi trả của các doanh nghiệp Việt có dư nợ lớn bằng đồng yên.

Nhiệt điện Phả Lại là một ví dụ, khi kết quả kinh doanh những năm qua luôn chịu tác động bởi sự lên xuống của đồng tiền này với hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận có thể mất. Quý I/2016, doanh nghiệp lỗ 156 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 57 tỷ. Ban lãnh đạo công ty cho biết nguyên nhân chủ yếu do tỷ giá (lỗ 252 tỷ đồng).

Theo hợp đồng vay nợ dài hạn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến cuối tháng 3, Phả Lại có khoản nợ 22,6 tỷ yên. Công ty đang đánh giá lại các khoản nợ vay có gốc ngoại tệ, đồng thời trích lập chi phí chênh lệch tỷ giá theo quy định. Với khối nợ trên, theo tính toán của Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), nếu đồng yên tăng giá 1%, khoản lỗ tỷ giá của Nhiệt điện Phả Lại sẽ cộng thêm 48 tỷ đồng. Khoản tiền này trong năm 2015 của doanh nghiệp ở mức 280 tỷ.

ACV 1742 1467364381
ACV là doanh nghiệp chịu tác động lớn do vay nợ hơn 70,6 tỷ yên.

Một "ông lớn" khác là Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cũng có chung "nỗi đau" với đồng yên, khi là doanh nghiệp sử dụng nhiều vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) từ Nhật. Đến cuối năm 2015, ACV có khoản vay nợ 70,6 tỷ yên, trong đó có 19 tỷ vay ODA cho dự án xây dựng nhà ga Quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất với lãi suất 1,6%. Ngoài ra, ACV được ưu đãi vay lãi suất dưới 0,5% với thời hạn trả 30-40 năm cho dự án Nhà ga quốc tế Nội Bài (T2).

Dù lãi suất ODA thấp và kỳ hạn trả nợ dài song với số vay lớn, việc đồng yên tăng giá bất thường cũng khiến doanh nghiệp này phải hứng chịu khoản lỗ tỷ giá hàng nghìn tỷ đồng. Ước tính nếu yên Nhật tăng giá 1%, khoản lỗ tỷ giá của ACV là 150 tỷ. Như vậy, với mức chênh lệch khoảng 16% như trên, con số có thể lên hơn 2.100 tỷ đồng (ước tính theo tỷ giá Vietcombank). Trước đó trong năm 2015, ACV cũng lỗ 666 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá.

Ngoài lãi vay, việc đồng yên tăng giá cũng ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp có quan hệ trao đổi hàng hóa với Nhật. Như việc Tập đoàn Hoa Sen hằng năm vẫn phải chi số tiền lớn nhập khẩu nguyên liệu từ nước này, nên nhiều khả năng sẽ phải trả số tiền nhiều hơn dự kiến. Các công ty xuyên quốc gia của Nhật đang hoạt động tại Việt Nam như Canon, Toyota, Honda… cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng.

Tuy vậy, đây cũng là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật như Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Tập đoàn FPT hay các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ, dệt may, nông sản... Chẳng hạn mỗi năm FPT xuất khẩu khoảng 100 triệu USD giá trị dịch vụ gia công phần mềm sang Nhật, nên với mức tăng giá 1% của đồng yên, doanh số xuất khẩu của doanh nghiệp này có thể tăng thêm khoảng 1 triệu USD.

Ngay cả trong trường hợp các hợp đồng ký kết được quy giá trị theo đôla Mỹ thì các doanh nghiệp nêu trên vẫn được lợi bởi từ đầu năm đến nay, đồng yên đã tăng tới 17,6% so với USD.

Trước đó, những diễn biến bất ổn của kinh tế toàn cầu từ đầu năm và cơn khủng hoảng Brexit gần đây đã khiến đồng yên - một công cụ trú ẩn truyền thống của giới tài chính - tăng giá kỷ lục, bất chấp Ngân hàng Trung ương Nhật Bản duy trì lãi suất âm. Việc Anh rời EU đã khiến đồng yên tăng giá thêm 3,4%, mức cao nhất từ tháng 9/2014.

Không chỉ các doanh nghiệp chịu thiệt hại, đối với khối nợ công của Việt Nam cũng có nguy cơ phình to (hiện là hơn 2,7 triệu tỷ đồng) khi đồng tiền này tăng giá. Trong các bản tin nợ công gần đây của Bộ Tài chính, cơ cấu nợ theo loại tiền không được công bố. Song theo số liệu từ năm 2013 trở về trước, con số này thường chiếm tỷ lệ cao (38,8% năm 2010).

Theo Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), riêng nợ ODA của Việt Nam với nước này là gần 12 tỷ USD, tính đến cuối năm 2014.

Gần đây, Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) cho biết đang có kế hoạch nâng lãi suất, cộng hưởng với việc Anh rời EU... là những sự kiện được dự báo sẽ khiến dòng vốn thế giới dịch chuyển lớn, tìm đến những nơi trú ẩn an toàn là vàng hoặc đồng yên.

Trong khi đó, Chính phủ Nhật vẫn đang tìm mọi cách để kìm hãm sự tăng giá của đồng tiền này nhằm kích thích kinh tế phát triển. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật - Haruhiko Kuroda cho biết sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến trên thị trường tiền tệ và có thể sẽ đưa ra các biện pháp hạ lãi suất nếu cần thiết. Tuy vậy, theo nhận định của chuyên gia chiến lược tiền tệ tại Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ tại London, đồng yen nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng giá.


Tác giả bài viết: Bạch Dương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP