Theo dự thảo Quyết định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện của Chính phủ, Bộ Công Thương đề xuất cách tính điện một giá bằng 145-155% giá bán lẻ điện bình quân. Theo tính toán, với giá bán lẻ điện bình quân hiện ở mức 1.864,44 đồng một kWh hiện nay, điện một giá tương đương 2.704-2.890 đồng mỗi kWh, chưa gồm 10% thuế VAT.
Khách hàng dùng điện có thể chọn giữa phương án một giá điện và 5 bậc thang, thời gian tối thiểu khi khách hàng thay đổi từ giá bán lẻ điện 5 bậc sang điện một giá (hoặc ngược lại) là một năm (12 kỳ hóa đơn thanh toán).
Áp dụng giá điện một giá hay không đang gây nhiều tranh cãi. (Ảnh minh họa) |
Đề xuất này ngay lập tức được dư luận quan tâm và đưa ra nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh một số ý kiến đồng tình thì phần lớn lại bày tỏ sự không đồng ý.
Anh Nguyễn Duy ở Hà Đông, Hà Nội nhẩm tính: Theo biểu giá luỹ tiến 6 bậc thang hiện hành, nếu bình quân một tháng anh phải trả cho 850 kWh hơn là 2,4 triệu đồng (gồm 10% thuế VAT) thì khi chuyển sang dùng điện một giá, anh phải trả lần lượt hơn 2,5 triệu đồng và 2,7 triệu đồng, tương ứng với các mức giá 2.703 đồng và 2.890 đồng mỗi kWh (đã gồm thuế VAT). Số tiền này đều cao hơn mức sử dụng theo biểu giá luỹ tiến bậc thang hiện tại.
Theo anh Duy, hiện biểu giá luỹ tiến tuy có lúc khiến giá điện tăng vọt nhưng chỉ tập trung vào những tháng cao điểm, trong khi giá điện một giá lại khiến người dùng lúc nào cũng phải trả giá cao hơn.
Anh Lê Thanh Tân ở Hà Đông cũng cho biết: "Do ở một mình nên tôi tiêu thụ khá ít điện, nếu không tính những 3 tháng hè cao điểm thì mỗi tháng tôi chỉ dùng hết khoảng 145 số điện tương ứng với 230.110 đồng/tháng (chưa bao gồm VAT) nếu tính bằng khung giá điện 6 bậc cũ. Thử tính số điện năng tiêu thụ trên với cách tính bình quân một giá là 2.704 đồng/kWh thì số tiền tôi phải trả là 392.080 đồng. Tính ra tôi phải nộp thêm 160.000 đồng mỗi tháng. Rõ ràng với những hộ dùng ít điện như tôi thì cách tính giá theo bậc là phù hợp và công bằng nhất. Còn cách tính đồng giá chỉ có lợi cho những nhà dùng nhiều điện năng".
Nếu như nhìn vào các phương án mà Bộ Công Thương đưa ra có thể thấy, cách tính mới sẽ giảm từ 6 bậc xuống còn 5 bậc, số hộ dùng điện năng dưới 400 số sẽ phải nộp số tiền ít hơn. Hầu như những hộ dùng ít điện thường là những hộ nghèo, không có khả năng sủ dụng những thiết bị tiêu hao lượng điện năng lớn như điều hoà. Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho thấy, số hộ sử dụng điện dưới 400 số lên đến hơn 22 triệu hộ.
Với những hộ sử dụng điện năng từ 401 - dưới 700 số sẽ không có nhiều thay đổi so với cách tính cũ dù chọn phương thức tính giá điện bậc thang hay một giá.
Đáng chú ý, nhóm người sử dụng điện năng lớn là những hộ dùng trên 700 số điện mỗi tháng nếu tính theo phương thức bậc thang sẽ phải chi trả trên 5.000 đồng/kWh (274% so với giá điện bình quân), tuy nhiên, nếu như chọn cách tính một giá họ sẽ chỉ phải chi trả với mức giá 2.890 đồng/kWh.
"Thực tế mà nói việc áp dụng cách tính một giá như vậy sẽ rất có lợi cho những người sử dụng lượng điện năng lớn, mà ở đây chủ yếu là những nhà có điều kiện họ mới sử dụng nhiều, chứ người có thu nhập thấp hoặc trung bình có mấy ai dùng đến 700 số điện. Cách tính như vậy liệu có quá lợi cho người giàu bởi họ có dùng đến cả nghìn số điện thì số tiền họ phải thanh toán vẫn vậy?", anh Tân đặt câu hỏi.
Chị Phương Thanh (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho rằng điện một giá chỉ có lợi cho những nhà nào rộng, nhiều phòng, sử dụng nhiều điều hoà. Còn những hộ nghèo dùng điện chỉ để thắp sáng, chạy quạt điện và xem tivi thì sẽ thiệt.
Nhiều người lại cho rằng cách tính giá điện một giá chỉ có lợi khi Việt Nam có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. "Tôi có cảm giác Bộ Công Thương đưa ra đề xuất này chỉ để xoa dịu dư luận về giá điện tăng cao trong tháng cao điểm vừa qua. Đành rằng phải đưa phương án khắc phục nhưng cũng phải chọn được cách tính khả thi và hợp lý với đại đa số người tiêu dùng", chị Thu Hương ở Cầu Giấy, Hà Nội nêu ý kiến.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đồng tình phương án thử nghiệm cách tính giá điện một giá. Bà Vũ Thị Vân Phương Thanh (Quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, sẽ chọn phương án trả 1 giá với tiền điện. "Theo tôi, điện cũng là một thứ hàng hóa tiêu dùng, không nên lôi giàu hay nghèo vào chuyện giá điện. Một bậc sẽ đơn giản hơn và khiến người tiêu dùng có cảm giác không bị thiệt thòi. Đặc biệt nó khiến cho người dân tin tưởng vào ngành điện hơn vì tránh được việc tranh chấp ghi số khi phát sinh lũy kế (như cách tính bậc thang). Xã hội chúng ta đã tiến bộ rất nhiều, vì thế những quan điểm không phù hợp nên được thay đổi để cùng chung tay xây dựng đất nước ngày một văn minh tiến bộ, công bằng".
Theo bà Thanh, khi một đề xuất đưa ra, chưa áp dụng mà đã bị gạt phăng ngay từ đầu thì rất khó để biết sự thay đổi đó có hiệu quả hay không. Do đó, vẫn nên thực hiện thí điểm, có thể theo thời gian hoặc theo vùng miền, tỉnh thành để đo đếm sự hợp lý và tính khả thi. Lúc đó, kết quả thực tế mới nói chính xác tất cả.
Tác giả: NGỌC KHÁNH
Nguồn tin: Báo VTC News