Kinh tế

Công ty chứng khoán mang nghìn tỷ đi gửi ngân hàng

Thị trường chứng khoán khó khăn trong năm 2022 khiến không ít công ty chứng khoán tìm đến ngân hàng để tối ưu lợi nhuận cho các tài sản tài chính. Xu hướng này dường như vẫn đang tiếp tục trong những tháng đầu năm nay.

Công ty chứng khoán tăng tiền gửi ngân hàng

Tại Công ty CP Chứng khoán VPS tính đến cuối năm 2022, chỉ tính riêng hạng mục tiền và các khoản tương đương tiền, VPS đã mang 9.189 tỷ đồng gửi ngân hàng, cao hơn 37% so với hồi đầu năm.

Ngoài ra, trong danh sách tài sản tài chính ghi nhận qua lãi lỗ (FVTPL) của VPS còn khoản chứng chỉ tiền gửi gần 3.700 tỷ đồng vẫn còn nắm giữ dù khoản này đã giảm nhẹ so với đầu năm 2022. Là một loại giấy tờ có giá được các ngân hàng phát hành với lãi suất cao hơn tiền gửi thông thường, chứng chỉ tiền gửi là một hình thức giúp các cá nhân, tổ chức có lợi nhuận tối ưu hơn mà khả năng rủi ro vẫn thấp tương đương hình thức gửi tiết kiệm.

Một số công ty chọn cách an toàn trong giai đoạn hiện tại với hầu hết tài sản là chứng chỉ tiền gửi tại các nhà băng (ảnh minh họa).

Như vậy, tính cả tiền gửi ngân hàng và chứng chỉ tiền gửi đang nắm giữ, VPS hiện đang để gần 13.000 tỷ đồng trong ngân hàng, tương đương hơn 63% tổng tài sản của công ty.

Tương tự là Công ty CP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) đang gửi hơn 2.400 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng vào cuối năm 2022, khoản tiền gửi này tăng tới 113% so với đầu năm ngoái.

Ngoài ra, TCBS còn có tiền chứng chỉ tiền gửi trị giá hơn 2.200 tỷ đồng được liệt kê là tài sản tài chính AFS (sẵn sàng để bán). Khoản chứng chỉ tiền gửi này chỉ mới phát sinh trong năm 2022.

Công ty CP Chứng khoán TPHCM (HSC) cũng đang dành phần lớn tiền và các khoản tương đương tiền cho việc gửi ngân hàng. Tiền gửi ngân hàng đơn thuần tính đến thời điểm 31/12/2022 là 5.550 tỷ đồng. Ngoài ra, dù không nắm giữ khoản chứng chỉ tiền gửi nào song HSC đang sở hữu 1.200 tỷ đồng trái phiếu ngân hàng BIDV. Hiện tính theo giá thị trường, khối trái phiếu này có giá trị hơn 1.200 tỷ đồng, tương đương HSC đã lãi hơn hơn 210 tỷ đồng.

Khác với hầu hết các công ty chứng khoán khác vẫn đa dạng tài sản tài chính FVTPL/AFS của mình bằng cổ phiếu, trái phiếu thì tại Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đã chọn cách an toàn trong giai đoạn hiện tại với hầu hết tài sản là chứng chỉ tiền gửi tại các nhà băng.

Cụ thể, tính đến cuối quý I năm nay, tiền và các khoản tương đương tiền của công ty chứng khoán này là gần 240 tỷ đồng, KBSV gửi gần 140 tỷ đồng vào ngân hàng cho hoạt động công ty chứng khoán. Các giao dịch thực hiện trong kỳ được ghi nhận chủ yếu là thực hiện thay nhà đầu tư, còn của KBSV chỉ giao dịch 14.800 cổ phiếu với giá trị giao dịch là hơn 240 triệu đồng.

Ở danh mục tài sản tài chính FVTPL của KBSV, cổ phiếu niêm yết chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ khoảng 5 triệu đồng, còn lại đều được KBSV đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng với tổng cộng giá trị hơn 3.300 tỷ đồng, tăng hơn 19% chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2023. Cũng nhờ vậy, lãi từ FVTPL của KBSV quý vừa qua chủ yếu dựa vào hoạt động nhận cổ tức, tiền lãi phát sinh từ các tài sản này là hơn 50 tỷ đồng trong khi ghi lỗ nhẹ khi bán các tài sản tài chính FVTPL.

Ngoài ra, các khoản đầu tư HTM của KBSV cũng là các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 3 tháng đến 1 năm tại các nhà băng với tổng giá trị hơn 2.380 tỷ đồng, tăng gửi hơn 1.100 tỷ trong quý I vừa qua.

Tìm tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán 2023

Trước biến động của nền kinh tế toàn cầu, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng phần nào chịu ảnh hưởng. Năm 2022, thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh khiến hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán nói riêng và lợi nhuận mặt bằng chung cũng theo đó trở nên khiêm tốn hơn. Không khó hiểu khi nhiều công ty lựa chọn tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi ngân hàng để duy trì khoản lợi nhuận ổn định từ các tổ chức tín dụng.

Kết quả kinh doanh quý I năm nay được thị trường dự báo kém khả quan. Dù vậy, nhiều nhà phân tích vẫn đang đặt niềm tin vào một triển vọng khả quan hơn cho thị trường chứng khoán.

Báo cáo phân tích của Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, một số điểm sáng có thể trở thành yếu tố thúc đẩy thị trường giai đoạn sắp tới. Cụ thể, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, ngày 05/03/2023, Nghị quyết số 33/NQ-CP, ngày 12/03/2023, và gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn 1,5 - 2% so với mức vay thông thường) mang đến hy vọng về việc “hạ cánh mềm” cho trái phiếu doanh nghiệp, cũng như cho các nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn về thanh khoản trong thời gian gần đây.

Việc nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN là một phần trong những nỗ lực liên tiếp của Chính phủ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, một số yếu tố khác như động lực tăng trưởng mạnh mẽ đến từ giải ngân đầu tư công, sự trở lại của ngành du lịch và sản xuất trong nước. Dòng vốn nước ngoài tiếp tục quay trở lại trong bối cảnh chỉ số USD giảm và các điều kiện vĩ mô thuận lợi hơn trong khi những bất ổn trong hệ thống ngân hàng toàn cầu đã hạ nhiệt cũng sẽ góp phần tạo dựng nền tảng vững chắc hơn cho thị trường chứng khoán tăng trưởng.

Tác giả: Hải Bình

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP