Xã hội

'Coi mại dâm là một ngành nghề, lợi nhiều hơn hại'

Ở góc độ chuyên gia, tiến sĩ Trần Văn Đạt ủng hộ hợp thức hóa ngành nghề mại dâm bởi có lợi hơn là hại

Ngày 28/3, Bộ Lao động Thương binh Xã hội phối hợp với Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức Hội thảo về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm.

Theo báo cáo từ các tỉnh thành phố, hiện có khoảng 11.000 đến 19.000 gái mại dâm hiện nằm trong diện quản lý của Nhà nước.

Tranh cãi về hợp pháp hóa mại dâm

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội, Bộ LĐTB&XH, cho biết mại dâm là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội và cuộc sống của người dân. Việt Nam chủ trương không xây dựng phố đèn đỏ, dần loại bỏ hình thức buôn bán mại dâm bất hợp pháp, bóc lột tình dục và huy động mọi tầng lớp, cộng đồng để giảm hại, giúp người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng.

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội. Ảnh: Trà My.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, TS Trần Văn Đạt, Phó vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật - Bộ Tư pháp, khẳng định ở góc độ chuyên gia, ông ủng hộ coi mại dâm là một ngành nghề.

"Điều này có nhiều lợi hơn là hại. Chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện lộ trình này, song chẳng qua chưa quen vì mại dâm trái với thuần phong mỹ tục", ông Đạt nói.

Theo ông Đạt, khi đặt ra các điều kiện, tiêu chuẩn hành nghề, tình trạng hoạt động mại dâm sẽ không bùng phát trên diện rộng. Quản lý chặt chẽ giúp giảm những hậu quả tiêu cực tới xã hội.

Nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề hợp thức hóa nghề mại dâm. Ảnh: C.A.

Ông Nguyễn Trọng Đàm, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, cho rằng hiếm quốc gia nào trên thế giới nghiêm cấm hoặc buông lỏng hoàn toàn hoạt động mại dâm.

“Nếu luật mới coi mại dâm là một nghề, liệu đã xuôi chưa? Tôi cho rằng rất khó, vì ít quan điểm ủng hộ điều này. Coi mại dâm là một nghề, đồng nghĩa phải đưa ra các điều kiện lao động, quy định nơi làm việc, quản lý việc giới thiệu, quảng cáo...”, ông Đàm chia sẻ.

75% người bán dâm là nữ

Báo cáo thống kê của các địa phương trên toàn quốc ước tính khoảng hơn 15.000 người bán dâm. Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, số người bán dâm được các cơ quan chức năng thống kê qua xử phạt vi phạm hành chính, hỗ trợ xã hội, y tế… đầu năm 2017 là hơn 3.000 người.

Năm 2017, các cơ quan chức năng của địa phương phát hiện, bắt giữ 1.177 vụ với 3.053 người, trong đó 1.316 người bán dâm, 1 người bán dâm dưới 18 tuổi, 976 người mua dâm, 760 chủ chứa, môi giới và các đối tượng liên quan khác.

Trong khi đó, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) lại đưa ra con số cao gấp nhiều lần ở Việt Nam, với khoảng 100.000 người bán dâm và người bán dâm là nữ chiếm 75%. Đối tượng và hình thức hoạt động chủ yếu dưới dạng: gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm thông qua mạng xã hội…

Người mua dâm thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần xã hội khác nhau. Nguồn: Bộ Lao động Thương binh & Xã hội. Ảnh: Trà My.

Tại hội thảo, đại diện UNFPA nhấn mạnh khuyến cáo của Liên Hợp Quốc về tính toán tiến tới phi hình sự hóa mại dâm và xóa bỏ áp dụng bất công bằng của các bộ luật không hình sự hóa và các quy định nhằm chống lại người mại dâm. Chính phủ các quốc gia nên xây dựng các bộ luật chống phân biệt đối xử và tôn trọng các quyền con người để bảo vệ chống lại tình trạng phân biệt đối xử và bạo lực, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS.

Người bán dâm cũng cần được dễ tiếp cận với các dịch vụ sức khỏe, y tế dựa trên các nguyên tắc chống kỳ thị, phân biệt đối xử và tôn trọng các quyền chăm sóc sức khỏe. Bạo lực chống người mại dâm là nhân tố nguy cơ nhiễm HIV và phải được phòng chống, giải quyết trên mối quan hệ đối tác với những người mại dâm.

Tác giả: Trà My

Nguồn tin: zing.vn

  Từ khóa: ngành nghề ,mại dâm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP