Trong nước

Chuyện có 1-0-2: Trộm tôm bị phạt vạ cả con heo... 100 ký ở đất Mũi

Câu chuyện “dở khóc, dở cười” ngỡ như đùa này xảy ra ở vùng đất Mũi Cà Mau. Nguyên do có anh thanh niên nhà nghèo, “túng quá hóa liều” giấu mẹ đi đặt lú (một dụng cụ bắt tôm) ở vuông tôm nhà hàng xóm. Không bắt trộm được con tôm nào nhưng lại bị ông chủ vuông tôm phát hiện và tóm gọn. Để cho tên trộm nhớ đời, cả làng họp lại thống nhất phạt anh ta 40 triệu đồng và phạt vạ 1 con heo 100 ký để chiêu đãi cả làng…



Phạt đúng 100 ký, “thối lại” 15 ký

Cuối năm Âm lịch 2014, Tết Nguyên đán sắp cận kề, bà con ở vùng đất ngập mặn xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đang tất bật với công việc. Ai nấy đều “chạy nước rút” để còn sửa soạn ăn Tết. Bà Nguyễn Thị Oanh (ngụ ấp Bà Bèo) và con trai cũng vậy.

Dù gia cảnh nghèo khó nhưng hai mẹ con cũng ráng làm thuê làm mướn, dành dụm tiền bạc để đón năm mới. Tô Sinh (21 tuổi, con trai của bà Oanh) là một thanh niên mới lớn hiền lành, chịu khó làm ăn đỡ đần cho mẹ.

Ở ấp Bà Bèo này, người dân chủ yếu sống bằng nghề nuôi tôm. Nhiều năm trước tôm có giá, ít người nuôi nên có nhà trúng lớn cũng phất lên nhanh “như diều gặp gió”.

Nhưng vài năm trở lại đây, tôm ngày càng mất giá, bệnh tật nhiều nên nhiều bà con cũng nản chí. Công việc làm thuê làm mướn cho các vuông tôm chính vì thế mà mỗi ngày cũng khan hiếm, Sinh nhiều lúc ở nhà mấy ngày liền mà không có việc gì làm.

Một bữa nọ, Sinh chẳng còn đồng bạc nào để xài. Túng quá, thanh niên này nảy sinh ý định đi bắt trộm tôm của nhà hàng xóm. Nghĩ là làm, tối 12/12/2014, trong bóng tối lờ mờ, Sinh gom đồ nghề đi “làm ăn”.

Vốn chả xa lạ gì với vuông tôm nhà ông Đặng Văn Hiền, Sinh nhanh chóng đặt những chiếc lú xuống khắp các vuông tôm. Đặt lú xong, thanh niên này trở về nhà đánh một giấc. Đến 3 giờ sáng, Sinh thức giấc, khấp khởi đi “thu hoạch” tôm của nhà… ông hàng xóm.

Đang lúi húi lôi những chiếc lú lên kiểm tra thì ông hàng xóm đột nhiên xuất hiện. Tên trộm bị bắt quả tang đang làm “việc mờ ám” trên vuông tôm nhà người khác. Không thể chối cãi trước sự thật rành rành, Sinh cúi đầu nhận tội với hàng xóm.

Ông Hiền giữ tên trộm lại, dẫn về nhà cha mình ở cách đó vài cây số “tạm giữ”. Đợi sáng sớm, ông mới nhờ người tới báo tin cho bà Oanh - mẹ của Sinh đến bảo lãnh con về.


Heo phạt vạ

Tất nhiên, sự việc không dừng lại ở đó, ông Hiền hẹn hai mẹ con mấy hôm sau sẽ họp bà con trong ấp để giải quyết sự việc. Hai mẹ con bà Oanh dắt nhau trở về nhà mà lòng dạ nặng trĩu.

Bà Oanh thở dài: “Nhà tui nghèo khổ, con trai lại ít được ăn học nên không hiểu chuyện. Thôi thì con dại cái mang, bây giờ họ quyết thế nào thì tôi nghe vậy. Chỉ mong là trong mấy cái lú chưa có con tôm nào hết, họ thương tình mà bỏ qua”.

Vài hôm sau, tại nhà cha của ông Hiền, hơn chục bà con trong ấp, tổ trưởng, tổ phó an ninh, Sinh và mẹ cùng có mặt tại buổi họp giải quyết việc Sinh đặt lú bắt trộm tôm của ông Hiền. Tại buổi họp ông Hiền đề xuất phạt Sinh một con heo 100 ký để đãi bà con làng xóm.

Ngoài ra, còn phạt thêm thanh niên này 40 triệu đồng. “Vuông tôm của tui 40 công đất nên phạt 40 triệu đồng. Nhưng phần này cứ “treo” lại để đó. Nhưng nếu Sinh còn tái phạm lần nữa thì phải nộp phạt gấp 5 lần. Còn con heo thì phải thi hành ngay để thiết đãi bà con”, ông chủ vuông tôm giảng giải.

Tất cả người có mặt trong buổi họp gật gù đồng ý. Trước “bàn dân thiên hạ”, mẹ con của Sinh cũng bối rối nhận lỗi và đồng ý với hình phạt này. Bà Oanh trở về nhà lòng buồn rười rượi, còn Sinh bỏ đi đâu mấy ngày liền không dám gặp mặt ai. “Nó nói với tui là nó sợ rồi, không dám tái phạm nữa đâu. Chuyện phải lo là kiếm tiền mua heo nộp phạt”, bà Oanh kể lại kỷ niệm buồn không thể quên trong đời.

Một tuần sau, gom góp, vay mượn đủ tiền, bà Oanh và mấy người bà con chở heo đến vuông tôm của ông Hiền nộp phạt. Khi kiểm tra trọng lượng của con heo, thấy nặng đến 115 ký, ông Hiền bỏ tiền túi trả lại 15 ký thịt heo cho bà Hiền.

Sau đó con heo được giết thịt và thiết đãi mấy chục bà con xung quanh nhà. Lúc bà con ăn cỗ, bà Oanh vì quá ê chề nên lánh mặt, Sinh cũng bỏ đi đâu mất dạng. Đến tối, hai mẹ con bà Oanh về nhà thì thấy sau bếp có miếng thịt heo chừng 5 ký, đó là do hàng xóm biết ý đem phần cho hai mẹ con bà Oanh.

Phạt vạ - người đồng tình, người e ngại

Được biết, gia đình của bà Oanh là hộ nghèo trong xã, để có tiền mua heo bà phải đi vay mượn của người em họ. “Con tui sai thì phải chịu thôi, tui không trách điều gì cả. Đều là hàng xóm của nhau cả mà”, bà Oanh nhớ lại.

Tìm hiểu mới hay, đối với người dân ở các vùng giáp biên giữa hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu thì hình thức phạt vạ kiểu này không phải hiếm. Nhiều người dân cố cựu ở đây cho biết, đây là những luật lệ lâu đời và tỏ ra rất có hiệu quả.

Ngay ở gần nhà của bà Oanh, gần chục năm về trước cũng có xảy ra một vụ tương tự. Người ăn trộm tôm lần đó bị phát hiện đến hai lần, và phải nộp 2 con heo 100 ký. Sau hai vụ phạt vạ nhớ đời, người thanh niên này cũng bỏ đi làm ăn biệt xứ.

Những câu chuyện tương tự cũng được ghi nhận ở xã An Trạch, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Hình thức phạt vạ cũng là, viết cam kết không tái phạm, tên trộm bị phạt tiền, phạt một con heo để cúng kiếng, thiết đãi bà con.

Có những bữa tiệc phạt vạ, người ăn trộm còn có mặt vừa đi cám ơn, vừa xin lỗi mọi người trong từng bàn đã “bỏ qua” lỗi lầm và cùng nhậu say sưa. Khoảng cách giữa người bị lấy trộm, người ăn trộm và người dân hầu như bị xóa nhòa, mọi người đều vui vẻ nâng ly.

Sau mỗi bữa tiệc như thế, những vụ trộm như thế này sẽ là kỷ niệm “nhớ đời” đối với người dân nơi đây. Theo những người dân ở Bạc Liêu, Cà Mau này hình thức phạt vạ này đã có từ lâu và sẽ được người dân ở đây giữ gìn.


Hồ tôm

“Luật giờ quy định ăn trộm dưới 2 triệu đồng thì không bị khởi tố, chỉ phạt hành chính. Nhiều người ăn trộm rồi cũng được thả ra lại tiếp tục “hành nghề”. Bởi vậy, những vụ trộm lặt vặt như thế này, bà con chúng tôi tự xử lý. Coi vậy mà có hiệu quả lắm đó nghen, ăn trộm giảm hẳn mà tình nghĩa làng xóm cũng không sứt mẻ gì”, một lão nông cười khà khà giải thích.

“Tui nghe ăn trộm ở nhiều nơi bây giờ mà bị dân bắt người ta đánh cho giữ lắm. Ở quê tụi tui không đánh đập gì cả, cũng là chỗ hàng xóm láng giềng với nhau, có khi do túng thiếu quá làm liều thôi”, một ý kiến khác cho hay.

Dù được nhiều người ủng hộ, nhưng xem ra hình thức phạt vạ này cũng khiến một số người không đồng tình. Đó là vì hoàn cảnh gia đình của không ít những người ăn trộm rất khó khăn. Trong khi đó, giá trị của một con heo lại gấp hàng trăm lần số tài sản trộm được, để có tiền phạt vạ, họ phải chạy vạy khắp nơi, đã nghèo sẽ lại nghèo hơn nữa.n

(Tên thủ phạm đã được thay đổi)

“Luật giờ quy định ăn trộm dưới 2 triệu đồng thì không bị khởi tố, chỉ phạt hành chính. Nhiều người ăn trộm rồi cũng được thả ra lại tiếp tục “hành nghề”. Bởi vậy, những vụ trộm lặt vặt như thế này, bà con chúng tôi tự xử lý. Coi vậy mà có hiệu quả lắm đó nghen, ăn trộm giảm hẳn mà tình nghĩa làng xóm cũng không sứt mẻ gì”, một lão nông ở Cà Mau.

Tác giả bài viết: Nam Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP