Những đống ngư cụ giờ đây đã trở nên vô dụng
Trong khi các cơ quan chức năng đang lên phương án đền bù thiệt hại cho ngư dân sau khi Formosa “đầu độc” biển miền Trung thì đến giờ ngư dân vùng bị thiệt hại vẫn dè dặt vươn khơi bám biển.
Đi câu cho đỡ nhớ biển
Từ những chuyến về với biển miền Trung lần trước, chúng tôi có dịp làm quen với một vài ngư dân tại xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Lần này, khi chúng tôi ngỏ lời muốn cùng họ ra khơi tầm vài chục hải lý để ghi lại hoạt động đánh bắt xa bờ thì ngư dân Nguyễn Văn Giang đã không ngần ngại ngăn cản: “Tàu của tôi đang ở tận vùng đảo Bạch Long Vĩ đánh bắt rồi cập bến, bán luôn cho các vùng ngoài đó chứ về quê, rẻ như cho cũng không ai mua cả. Tàu đi triền miên 2 - 3 tuần mới về, các anh không theo nổi đâu”.
Qua lời ông Giang giới thiệu, chúng tôi nhờ bà Vương, một đầu nậu lớn khâu nối giúp với những chủ tàu lớn để xin cùng ra khơi.
Thế nhưng, bà Vương cũng nhất quyết ngăn cản: “Các anh không theo nổi đâu. Không ai còn đánh bắt gần bờ nữa, chỉ có vài tàu đánh xa bờ nhưng một tháng chỉ về đôi lần. Nếu các anh muốn đi xa ngoài 20 hải lý thì chỉ còn cách chờ dăm bữa, nửa tháng nữa họ về rồi thuê một chuyến ra biển, coi như là đi tham quan ngoài đó chứ đánh bắt ở vùng này cũng chẳng để làm gì. Tôi cũng đang tính bỏ nghề vì ngư dân không đi biển, không còn cá để thu mua nữa mà có thu mua cũng chẳng biết bán cho ai”.
Như thường lệ, giữa ngày hè oi ả, các bè nổi kinh doanh hải sản tại xã Kỳ Lợi luôn nườm nượp thực khách. Thế nhưng, đợi từ 10 giờ, đến 13 giờ, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng chục quán hàng vẫn vắng teo, không một thực khách, thi thoảng có một vài chiếc xe máy vụt qua, vài chiếc xe tải ì ạch chở hàng rời khỏi vùng cảng.
Những chiếc thuyền câu mực không buồn ra lộng
Dưới bờ biển, ngoài tiếng sóng vỗ bờ nhè nhẹ, thay vì tiếng ồn ào của thực khách là tiếng kẽo kẹt nghe não lòng của những bè nổi đã lâu không được đại tu, sửa chữa. Tiếng thở dài đánh thượt của chủ bè, lũ trẻ con cười đùa, nhao nhác trong chuỗi ngày “ngồi ăn núi lở”.
Vợ chồng chủ bè nổi Thanh Nhàn, thôn Hải Phong 1 cùng mấy đứa con trực từ sáng tới đầu chiều mà không có lấy một mâm khách. Dưới bè nổi chỉ còn vài con mực, mấy con cá mú lèo tèo bơi lội. Cảnh tượng này đã diễn ra từ 3 tháng nay khiến vợ chồng chủ quán thất thu hàng chục triệu đồng. Những hộ đánh cá trong lộng chủ yếu ở thôn Hải Phong 1 hiện đã không còn đánh cá nữa, thuyền nằm gác mái dưới nắng gay gắt. Bờ cát trắng, bến cá khắc khoải đợi chờ trong vô vọng.
Thằng con chủ bè nổi còn nhỏ nhưng nhanh mồm nhanh mép ra chào mời: “Chú vào đi cháu hấp mực tươi lắm. Ngày hôm qua có mấy mâm, ai ăn cũng khen mực tươi ngon, không độc nữa đâu chú”.
Nhưng ông chủ bè nổi Thanh Nhàn thì nói thật như đếm: “Chỉ có mấy bè nổi là dong thuyền ra vùng lộng câu vài con mực cho đỡ nhớ biển chứ ngư dân bỏ biển rồi. Sản lượng đánh bắt giảm, vào bờ cũng ít người thu mua. Giá một kg mực nhảy bán tại bè nổi trước đây những 350 - 400 nghìn đồng, nay cũng chỉ trên dưới 200 nghìn đồng nhưng cũng không có người ăn… Ngư dân đã không còn trụ lại được với biển nữa”.
Nói được vài lời rồi người đàn ông chủ quán Thanh Nhàn thúc giục đứa con trai chuẩn bị ngư cụ ra lộng câu mực. Nhìn khuôn mặt cau có, bước đi uể oải của người đàn ông trạc tứ tuần chúng tôi không dám hỏi chuyện nhiều.
Còn ông Chu Văn Anh, chủ bè nổi Anh Thuần, thì từ lâu đã không còn đủ kiên nhẫn đi câu mực nữa. Ông Anh cho biết: “Lượng mực, cá được nuôi trong lồng mấy tháng nay hầu như không bán được vì không có người đến ăn.
Bố con ông Anh ngẩn ngơ trước lồng cá, mực chưa thể tiêu thụ
Riêng gia đình tôi, thất thu đã lên đến hơn 100 triệu đồng. Vì thế, có đi câu về cũng chỉ để ngắm cho vui, cho đỡ nhớ nghề mà thôi. Thiệt hại của ngư dân và những người làm nghề kinh doanh ăn uống hải sản như chúng tôi thì không thể kể hết.
Formosa không chỉ nói đền bù, hỗ trợ tiền cho ngư dân là xong mà họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với những gì đã gây ra, phải đồng hành cùng cải tạo môi trường biển. Bỏ nghề này chúng tôi cũng chẳng biết làm gì nhưng bám trụ thế này thì không biết có giữ nổi miếng cơm manh áo không?”.
Chưa khi nào thê thảm thế
Thôn Hải Phong 1 có 1 con thuyền công suất 90CV. Trên chuyến tàu ra khơi vài ngày trước, ông Lê Thanh Viết, trưởng thôn cũng có mặt.
Họ đã ra khơi đánh cá xa hàng chục hải lý, ngư trường đánh bắt xa tít tận Hải Phòng, Quảng Ninh… Số tàu thuyền nhỏ gần như đã ngừng hoạt động. Nhiều ngư dân phải tha phương cầu thực, không ít người tính bỏ nghề đi biển. Nhưng bỏ biển thì làm được gì khi đất sản xuất không có, những trai tráng đi biển, thả thuyền, thả lưới ra thì tay chân lóng ngóng như những đứa trẻ tập đi?
Ông Lê Thanh Viết cho biết: “Chúng tôi phải đến những vùng được coi là không ô nhiễm, cập bờ bất cứ nơi đâu miễn là có người mua nhưng tuyệt nhiên không mang cá tôm cập bến quê. Một con thuyền như thế cũng chỉ giải quyết được trên dưới 10 lao động.
Bè nổi đìu hiu không một thực khách
Riêng thôn Hải Phong 1 có tới 171/390 hộ sống dựa hoàn toàn vào biển, gần 150 con thuyền đang phơi sương nằm gió. Của để giữa mưa nắng không sử dụng được, không kiếm ra tiền nhưng lãi suất ngân hàng thì cứ lớn dần, nóng ruột lắm. Chưa bao giờ nghề đi biển lại thê thảm như bây giờ”.
Theo thống kê, toàn xã Kỳ Lợi có 895 tàu đánh bắt cá, trong đó có 29 tàu có công suất trên 90CV nhưng năng lực đánh bắt dài ngày xa bờ chỉ khoảng 4 - 5 cái. Hiện cũng chỉ có khoảng vài cái trong số những thuyền lớn này ra ngoài 20 hải lý đánh bắt cá, đa phần phải ra các ngư trường xa tận Quảng Ninh, Hải Phòng…
Số đánh bắt trong lộng rất ít, chủ yếu là câu mực vì đánh bắt về không có người mua. Trên địa bàn trước đây có rất nhiều đơn vị làm dịch vụ thu mua nhưng hiện nay chỉ còn 2 đơn vị hoạt động. Bỏ đánh bắt, bỏ biển ngư dân chủ yếu vẫn ở nhà; một số đi lặn bắt sò thuê ở Cửa Sót (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) hay vào tận Bình Định. Nhiều lao động đã nhận phụ hồ, làm nghề xây dựng ở nhiều tỉnh khác.
Theo chính quyền một số địa phương khác của tỉnh Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng của ô nhiễm từ Formosa, lượng ngư dân dân ra khơi đánh bắt hiện nay rất hạn chế.
Ông Dương Xuân Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh), cho hay: “Toàn xã có 31% số hộ dân, 923 lao động chính sống bằng nghề đánh bắt với 172 tàu lớn nhỏ, trong đó có 6 tàu có công suất trên 90CV đủ điều kiện đánh bắt xa bờ.
Nhưng hiện nay, hoạt động đánh bắt gần bờ, xa bờ gần như tê liệt, chỉ còn một vài tàu ra khơi nhưng phải chạy miết ra Quảng Ninh, Hải Phòng đánh bắt rồi bán luôn ở ngoài đó. Một số lao động thì ra Cửa Lò, Cửa Hội, Thạch Kim để lặn sò nhưng sò ngày càng hiếm, ngày công thấp nên cũng chỉ được ít bữa lại quay trở về quanh quẩn ở nhà.
Nhiều hộ dân đã tính đến chuyện bỏ biển, chuyển sang kiếm kế sinh nhai bằng nghề khác. Không biết đến bao giờ ngư dân Hà Tĩnh mới vượt qua được thời điểm khốn khó này?”
Tác giả bài viết: Võ Văn Dũng