Gánh nặng vô hình trên vai cặp vợ chồng trẻ
Điều trị vô sinh hiếm muộn vốn là hành trình dài, đầy áp lực và chi phí tốn kém. Với nhiều cặp vợ chồng, rào cản tài chính khiến giấc mơ làm cha, làm mẹ trở nên xa vời. Trường hợp của anh Phùng Văn Ba (1991, dân tộc Mường) và chị H Dla Buôn Ya (1996, dân tộc Ê Đê) tại Phú Thọ là một ví dụ điển hình.
Kết hôn từ năm 2016, đôi vợ chồng trẻ sớm nhận ra niềm mong mỏi có con ngày càng trở nên xa vời. Sau nhiều năm uống thuốc nam, thuốc bắc không hiệu quả, họ đi khám và nhận kết luận nguyên nhân chậm con là do anh Ba bị vô sinh nam.
“Bác sĩ chỉ định làm IVF nhưng nghe đến chi phí cả trăm triệu đồng, vợ chồng tôi rụng rời. Với đồng lương công nhân ít ỏi, tiền trọ còn chưa đủ, lấy đâu ra tiền để chữa trị? Chúng tôi thậm chí xin cả suất ăn từ nơi làm việc để dành dụm”, anh Ba nhớ lại.
![]() |
Chị Ya đã chịu nhiều áp lực tâm lý (ảnh NVCC). |
Không chỉ vật lộn với kinh tế, họ còn phải gánh chịu áp lực tâm lý nặng nề. Là người con trai duy nhất trong gia đình, anh Ba mang trên vai kỳ vọng "nối dõi tông đường".
Trong khi đó, chị Ya phải hứng chịu những lời đàm tiếu cay nghiệt. “Có người nói em không bằng con bò, bò đẻ mấy lứa rồi mà em chẳng được đứa nào…”, chị kể.
Đã có lúc, hai người nghĩ đến việc chia tay để giải thoát cho nhau. Nhưng tình yêu, sự thấu hiểu – đặc biệt là từ bố mẹ chồng – đã giữ họ lại. Gia đình biết nguyên nhân do con trai nên càng thương con dâu, luôn bên chị Ya trong những lúc khó khăn nhất.
Ánh sáng hy vọng và phép màu xuất hiện
Sau thời gian dài bế tắc, năm 2022, anh Ba tình cờ biết đến chương trình “Tuần Lễ Vàng – Ươm mầm hạnh phúc” của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội – nơi hỗ trợ các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn có hoàn cảnh đặc biệt.
Vợ chồng anh Ba khăn gói xuống Hà Nội khám. “Bác sĩ chẩn đoán tôi có tinh trùng nhưng bị tắc ống dẫn tinh, tỷ lệ thành công cao nếu làm IVF. Nhờ làm hồ sơ xét duyệt, vợ chồng tôi được hỗ trợ chi phí điều trị. Lúc đó, cảm giác như vớ được chiếc phao cứu sinh giữa biển”, anh Ba xúc động chia sẻ.
Tháng 10/2022, chị Ya chuyển phôi. Hai tuần sau, bác sĩ thông báo tin vui: đậu thai thành công. Một tuần tiếp theo, hình ảnh siêu âm cho thấy hai phôi thai đang phát triển khỏe mạnh – thành quả ngọt ngào sau 7 năm ròng rã tìm con.
![]() |
Hạnh phúc đã đến với vợ chồng chị Ya. |
50% số ca mắc vô sinh ở độ tuổi dưới 30
Theo Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới, trong đó 50% số ca mắc ở độ tuổi dưới 30. Cứ 100 người trong độ tuổi sinh sản thì có đến 7-8 người đang phải đối mặt với tình trạng vô sinh hiếm muộn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải ai cũng có điều kiện kinh tế để bước chân vào hành trình điều trị - một hành trình vừa dài lại vừa tốn kém chi phí.
Một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) có chi phí từ 70 đến 100 triệu đồng, chưa kể chi phí xét nghiệm, chi phí thuốc và các can thiệp kỹ thuật khác.
ThS.BS Lê Thị Thu Hiền – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội - cho hay có hơn 1 triệu cặp vợ chồng ở Việt Nam đang đối mặt với vô sinh hiếm muộn, nhưng không phải ai cũng đủ khả năng tiếp cận kỹ thuật y tế hiện đại.
“Áp lực tài chính, tâm lý e ngại và thiếu kiến thức khiến nhiều người trì hoãn việc khám, bỏ lỡ thời điểm vàng điều trị” bác sĩ Hiền cho biết.
Với vợ chồng anh Ba – chị Ya, hành trình tìm con đã khép lại bằng tiếng khóc chào đời của hai thiên thần nhỏ. Nhưng với nhiều cặp đôi khác, niềm hy vọng ấy vẫn đang nhen nhóm, chờ được tiếp sức.
Tác giả: Ngọc Minh
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn