Thầy Lê Vinh (Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn - Đà Nẵng) đánh giá: Phương án thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố đã được tính toán kỹ, có tính chiến lược lâu dài. Từ thực tiễn giảng dạy tại nhà trường, thầy chia sẻ: Ba môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) là bình thường, không cần bận tâm nhiều.
Vấn đề còn băn khoăn nằm ở 2 môn thi tổ hợp. So với dự thảo, phương án thi chính thức đã tăng số lượng câu hỏi ở mỗi môn thành phần của bài thi tổ hợp từ 20 câu lên 40 câu, tức là mỗi bài thi tổ hợp gồm 120 câu hỏi, thực hiện trong thời gian 150 phút, điều này có thể tạo áp lực cho học sinh.
Vì mỗi câu hỏi có 4 đáp án để lựa chọn, nếu phương án đưa ra dài sẽ khiến học sinh làm các câu đầu hiệu quả nhưng càng về sau, tư duy bắt đầu mệt mỏi, chất lượng của các câu hỏi sau khó có thể đạt được.
Việc gì cũng có hai mặt, để đánh giá được chất lượng học sinh thì cần đưa ra nhiều câu hỏi, nhưng nếu câu hỏi quá dài sẽ gây căng thẳng cho các em. Vì vậy, việc ra đề thi của Bộ cần đảm bảo nội dung câu hỏi ngắn gọn, để các em có thể đạt được khối lượng bài thi trong khoảng thời gian 150 phút.
Nhiều trường trung học phổ thông đã lên kế hoạch giảng dạy, học tập. Ảnh: Quý Trung - TTXVN
Liên quan đến công tác ôn tập để giúp học sinh đạt kết quả tốt trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2017, thầy Lê Vinh nhấn mạnh: Các trường cần đổi mới phương pháp giảng dạy, đảm bảo học sinh vừa nắm vững kiến thức, vừa đáp ứng được đòi hỏi của kỳ thi.
Sắp tới, Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn sẽ họp Ban giám hiệu và các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch học và ôn tập để vừa cung cấp cho học sinh các đơn vị kiến thức, đồng thời trên nền kiến thức đó, các em có thể vận dụng, làm được các câu hỏi của đề thi. Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi minh họa, nhà trường sẽ triển khai cụ thể hơn các hoạt động ôn tập cho học sinh, bám sát với hình thức thi mới.
Với môn Giáo dục công dân, nhà trường đã họp với tổ bộ môn để xây dựng khung chương trình tích hợp nội dung giảng dạy theo từng chủ đề cùng với bộ câu hỏi trắc nghiệm để hướng dẫn cho học sinh.
Nhận định về phương án thi năm 2017, thầy Nguyễn Văn Tấn (Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Thánh Tông - Quảng Nam) cho rằng: Đây sẽ là khó khăn, thử thách đối với học sinh, đặc biệt đối với các trường vùng sâu, vùng xa, miền núi.
Vì để áp dụng một hình thức mới, quá trình thực nghiệm, thử nghiệm phải có một lộ trình kéo dài, được thẩm định trước khi triển khai trên thực tế. Nếu học sinh chưa được chuẩn bị kỹ sẽ tương đối khó khăn.
Bên cạnh đó, thi trắc nghiệm đòi hỏi kiến thức theo chiều rộng còn tự luận đòi hỏi chiều sâu. Việc thi trắc nghiệm đa phần dừng lại ở nhận biết và thông hiểu, ít đòi hỏi vận dụng và vận dụng cao.
Tuy nhiên, nếu đề thi nhằm đảm bảo vừa xét tốt nghiệp Trung học phổ thông, vừa xét tuyển đại học, cao đẳng thì việc ra đề thi trắc nghiệm để đảm bảo cả 4 yếu tố: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, không phải là việc dễ dàng. Do vậy hiện nay, trong các trường phổ thông, từ các thầy cô giáo đến học sinh đa phần rất lo lắng.
Là một trong ba bộ môn trong tổ hợp Tự nhiên xã hội sẽ thi trong năm học này, môn Giáo dục công dân lần đầu tiên được đưa vào thi bình đẳng như các bộ môn khác. Từ trước tới nay, môn học này chưa từng được sử dụng làm môn thi nên học sinh có tâm lý chủ quan cả về cách học lẫn tầm quan trọng của môn này.
Vì vậy, để có thể ôn tập tốt môn này, T rường THPT dân tộc nội trú 1 Nghệ An đã yêu cầu giáo viên dạy theo hình thức tương tác chứ không phải đọc chép như hiện tại. Bên cạnh đó, cũng phải thay đổi thái độ học tập của học sinh…
Cô giáo Nguyễn Thị Hương, giáo viên môn Giáo dục công dân, trường THPT dân tộc nội trú 1 Nghệ An cho biết: Hình thức thi năm 2017 sẽ khắc phục được tình trạng học lệch, học tủ, hướng tới việc giáo dục học sinh toàn diện.
Đối với bộ môn Giáp dục công dân, trường sẽ tiến hành học tập cũng như kiểm tra, đánh giá thực hiện nghiêm túc bài bản. Hàng năm, Sở Giáo dục đào tạo Nghệ An đều tổ chức thi học sinh giỏi tỉnh môn Giáo dục công dân cũng như các môn học khác...
Với hình thức thi mới này các trường THPT trên địa bàn Nghệ An không để cho học sinh học lệch mà khuyến khích các em phải luôn sáng tạo. Các trường phổ thông tập trung giảng dạy cho học sinh nắm vững, nắm chắc kiến thức cơ bản, từ đó dạy kỹ năng làm các bài thi trắc nghiệm cho học sinh.
Ngoài ra, các trường học cũng yêu cầu giáo viên bộ môn soạn những đề thi trắc nghiệm cho học sinh tập làm quen với cách làm bài thi này. Các trường cũng đồng thời thay đổi cách dạy với học sinh khối 10 và 11 để những năm tiếp theo học sinh chủ động hơn và có tâm thế vững vàng bước vào kỳ thi.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận – Hiệu trưởng trường THPT chuyên Đại học Vinh bày tỏ quan điểm: “Nếu rèn luyện cho các em một nền tảng tri thức vững vàng thì có thi kiểu gì hay đổi mới cách thức thi như thế nào cũng không đáng lo ngại. Nhà trường hoàn toàn đồng thuận với quan điểm đổi mới của Bộ. Hiện mỗi giáo viên của trường đang tự điều chỉnh phương pháp dạy và học để thích ứng với cách thi mới”.
Đồng quan điểm trên, thầy giáo Nguyễn Văn Trung – Hiệu trưởng trường THPT dân tộc nội trú 1 Nghệ An cho biết: Đây là phương án có nhiều ưu điểm, nhà trường đón nhận phương án thi của Bộ một cách bình tĩnh và rất chủ động.
Biện pháp đầu tiên quan trọng nhất là tập trung ôn luyện cho học sinh nắm vững kiến thức cơ bản ở tất cả các môn có trong danh mục thi. Thứ hai là tập làm quen ngay từ bây giờ phương pháp thi trắc nghiệm. Thứ ba là động viên các em bình tĩnh, chủ động trong vấn đề tiếp cận với cách thi mới”.
Thay đổi cách dạy và học môn Toán
Ông Thái Huy Vinh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: “Để thực hiện tốt kỳ thi THPT quốc gia 2017, trước tiên tỉnh thực hiện tốt truyền thông để tranh thủ sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh và xã hội.
Tỉnh cũng tập huấn đội ngũ, lực lượng giáo viên dạy lớp 12 theo tinh thần thi trắc nghiệm, ma trận đề thi cũng như đề thi mẫu của Bộ ngay từ tháng 10/2016. Điều quan trọng nhất là cần tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá học sinh.
Năm học 2016 – 2017, Trường THPT chuyên Đại học Vinh có 416 học sinh lớp 12, hầu hết học lực khá và giỏi. Từ trước tới nay, giáo viên môn Toán đã quen với cách dạy theo kiểu thi tự luận. Từ năm học này, đề thi sẽ chuyển sang trắc nghiệm nên việc dạy và học cũng cần phải điều chỉnh theo.
Đã có kinh nghiệm hơn 20 năm giảng dạy môn Toán, thầy giáo Từ Đức Thảo - Trường THPT chuyên Đại học Vinh cũng không khỏi băn khoăn khi năng lực, cách trình bày, nhìn hình cũng như các năng lực diễn đạt của học sinh phải trải qua ở phần thi tự luận nay không còn được thể hiện. Tuy nhiên, thầy Thảo cũng chủ động thay đổi cách dạy cho học sinh của mình.
Thay đổi cách học để đạt được kết quả tốt trong kỳ thi. Ảnh: Quý Trung - TTXVN
Thầy Từ Đức Thảo cho hay: Nhà trường sẽ điều chỉnh một số chi tiết trong quá trình giảng dạy. Bên cạnh sự tỉ mỉ từng khâu thì giáo viên vẫn phải tiếp tục đào sâu về kiến thức để khi gặp những câu hỏi khó phân loại để vào đại học thì học sinh vẫn phải có một tầm tư duy sâu sắc.
Đối với môn Toán có những con đường ngắn nhất để đi đến kết quả mà bỏ qua phần trình bày để làm sao kết quả thật nhanh nhất. Bên cạnh đó là rèn luyện cho các em kỹ năng tính toán để có thể hoàn thành trong thời gian ngắn nhất và các thao tác đó thì bắt buộc cả người thầy, người trò phải rèn luyện...
Trường THPT dân tộc nội trú 1 Nghệ An là ngôi trường chuyên biệt có học sinh học 2 buổi/ngày của tỉnh Nghệ An. Học sinh nơi đây chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh về học tập.
Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án thi chính thức, nhà trường đã có buổi họp hội đồng giáo viên, yêu cầu giáo viên có kế hoạch chủ động thay đổi cách dạy, đề xuất cách thức tổ chức dạy và học như thế nào cho phù hợp.
Trong đó, nhà trường đặc biệt thay đổi cách luyện bằng những bộ đề thi trắc nghiệm môn Toán để đảm bảo việc thay đổi phương thức thi không ảnh hưởng tới kết quả thi của học sinh.
Tiếp thu sự chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường, thầy giáo Trương Đức Thanh, Tổ trưởng bộ môn Toán - trường THPT dân tộc nội trú 1 Nghệ An cho biết.
Các thầy cô sẽ giảng dạy để học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản, giúp các em làm được những bài trắc nghiệm cho tốt. Trong các tiết dạy ở trên lớp, các thầy tăng cường cho học sinh làm một số câu trắc nghiệm để dần làm quen với hình thức mới này.
Thầy Nguyễn Văn Tấn, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông chuyên Lê Thánh Tông - Quảng Nam chia sẻ: Tại Hội nghị cán bộ công chức của trường tổ chức vào đầu tháng 10, vấn đề thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2017 là một trong những nội dung quan trọng sẽ được tập trung thảo luận.
Các tổ chuyên môn sẽ họp bàn, xây dựng kế hoạch theo đặc thù từng môn học để giúp học sinh ôn tập hiệu quả. Đặc biệt, với môn Toán, tổ chuyên môn sẽ xây dựng cụ thể những việc cần làm để học sinh chuyên Toán và không chuyên đều có thể làm tốt bài thi trắc nghiệm môn Toán.
Đối với việc thi trắc nghiệm môn Toán, thầy Lê Vinh, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn - Đà Nẵng cho rằng: Từ năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lên kế hoạch để thi trắc nghiệm môn Toán, song năm 2017 mới chính thức triển khai.
Việc thi bằng hình thức trắc nghiệm đối với môn Toán cũng tương đối phù hợp để đánh giá chất lượng học sinh phổ thông, chỉ đánh giá học sinh giỏi với các yếu tố về tư duy lôgic thì thi trắc nghiệm mới bị ảnh hưởng./.
Tác giả bài viết: Việt Hà – Bích Huệ/TTXVN