![]() |
Vỏ cam chứa nhiều hoạt chất quý chống oxy hóa mạnh. |
Tận dụng hoạt chất quý
Hesperidin là một hợp chất thuộc nhóm flavonoid, có nhiều hoạt tính sinh học như chống viêm, chống oxy hóa, tăng độ bền thành mạch, hỗ trợ điều trị bệnh trĩ, giãn tĩnh mạch... Trên thị trường hiện nay, hoạt chất này được sử dụng phổ biến trong các biệt dược như Daflon, Hesmin hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe như Peridin C, Hy-C.
Điều đáng nói là hesperidin có nhiều trong vỏ quả của các cây thuộc họ cam - như cam, quýt, bưởi, phật thủ - vốn được trồng phổ biến khắp Việt Nam. Tuy nhiên, phần vỏ lại thường bị thải bỏ sau quá trình chế biến nước ép hoặc tiêu thụ trái cây tươi. Hằng năm, hàng triệu tấn vỏ cam quýt bị bỏ đi, trong khi chúng chứa nguồn nguyên liệu dược quý giá.
Trước thực trạng đó, nhóm nghiên cứu từ Trường Đại học Dược Hà Nội đã thực hiện đề tài chiết xuất hesperidin từ phụ phẩm vỏ cam Cao Phong, nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu nội địa, góp phần thay thế nguyên liệu nhập khẩu, chủ động sản xuất thuốc từ tài nguyên bản địa.
Nhóm nghiên cứu sử dụng vỏ cam tươi thu gom từ các cửa hàng nước ép tại Hà Nội, đem phơi khô, xay nhỏ, sau đó tiến hành chiết xuất flavonoid toàn phần bằng dung dịch Ca(OH)₂ và NaOH, duy trì pH 12 trong 2 giờ. Sau khi điều chỉnh pH về 5 và để kết tinh trong 24 giờ, thu được hỗn hợp flavonoid thô.
Tiếp theo, hesperidin được tách từ flavonoid bằng các bước sử dụng dung môi aceton, ethyl acetat, xử lý than hoạt và kết tinh. Toàn bộ quy trình diễn ra ở nhiệt độ phòng, sử dụng dụng cụ đơn giản, phù hợp với điều kiện phòng thí nghiệm.
Kết quả cho thấy, từ 200g vỏ cam khô có thể thu được 2,55g flavonoid toàn phần (hiệu suất chiết 1,28%) và cuối cùng thu được 2g hesperidin tinh khiết (tương đương hiệu suất toàn quy trình đạt 1,03%, hiệu suất tách riêng hesperidin là 80,82%).
Theo TS Đào Nguyệt Sương Huyền - chủ nhiệm đề tài, giảng viên Trường Đại học Dược Hà Nội: “Với quy trình đơn giản, điều kiện thiết bị dễ thực hiện, chúng tôi tin rằng phương pháp chiết hesperidin từ vỏ cam có thể được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất dược liệu trong nước. Không chỉ góp phần tận dụng phế phẩm nông nghiệp, kết quả này còn hướng đến việc giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu trong ngành dược”.
Hợp chất sinh học an toàn và hiệu quả
PGS.TS Nguyễn Văn Hải, chuyên gia nghiên cứu hợp chất tự nhiên, hesperidin là một hợp chất có giá trị sinh học cao. Trong khi nước ta sản xuất hàng triệu tấn trái cây họ cam, thì lượng hesperidin bị lãng phí mỗi năm rất lớn. Việc khai thác nguồn hesperidin từ vỏ cam là một hướng đi vừa kinh tế, vừa thân thiện với môi trường.
Phương pháp chiết lạnh mà nhóm nghiên cứu áp dụng có nhiều lợi thế so với các phương pháp chiết truyền thống như hồi lưu hay Soxhlet: Không cần gia nhiệt, tiết kiệm năng lượng, hạn chế phân hủy các hợp chất nhạy cảm với nhiệt. Bên cạnh đó, sử dụng kết hợp Ca(OH)₂ và NaOH vừa giúp ổn định pH, vừa loại bỏ một phần pectin - tạp chất thường gây cản trở lọc.
Ngoài ra, quá trình lọc, rửa, tinh chế sử dụng dung môi phổ biến, thao tác đơn giản, dễ mở rộng lên quy mô công nghiệp. Chất lượng hesperidin thu được đạt tiêu chuẩn, được xác định bằng các kỹ thuật phổ hiện đại như IR, MS, NMR (^1H và ^13C), đảm bảo tính chính xác và độ tinh khiết của sản phẩm.
Đây không chỉ là một nghiên cứu về kỹ thuật chiết xuất, mà còn mở ra hướng đi mới trong việc sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm nguồn nguyên liệu dược. Vỏ cam, vốn là rác thải trong ngành chế biến thực phẩm, nay có thể trở thành nguyên liệu quý nếu được xử lý đúng cách.
Trong bối cảnh Việt Nam vẫn phải nhập khẩu phần lớn hoạt chất dùng trong bào chế thuốc, việc chủ động sản xuất hesperidin từ nguồn nguyên liệu trong nước sẽ góp phần giảm chi phí, gia tăng giá trị nội địa hóa và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp dược phẩm quốc gia theo hướng bền vững.
Nhờ đặc tính chống oxy hóa mạnh, hợp chất này còn được sử dụng trong sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ miễn dịch, bảo vệ tế bào và làm chậm quá trình lão hóa. Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực y tế, hesperidin còn có triển vọng ứng dụng trong mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân nhờ khả năng làm dịu da và bảo vệ mao mạch dưới da.
Hesperidin có thể được dùng làm hoạt chất chính trong các chế phẩm điều trị suy giãn tĩnh mạch, trĩ, tăng cường vi tuần hoàn - những bệnh lý phổ biến tại các quốc gia có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam.
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn