Xã hội

Bài 1: Ký ức bữa ăn mít non chấm muối ngày súng đạn

Không ai nghĩ rằng kết thúc chiến tranh, số người không trở về quê mẹ lại đông đến thế. Hơn 90% đồng đội của chúng tôi đã vĩnh viễn nằm lại trên các chiến trường.

LTS: Ký ức chiến tranh, giải phóng dân tộc có vô số mảnh ghép. Đằng sau toàn thắng có những mảnh ghép ký ức về trải nghiệm của người lính tách bạch ngoài súng, đạn dội thẳng vào mặt trận.

Cựu chiến binh Sư đoàn 5 Lê Doãn Hợp có một cách kể độc đáo những điều đẹp đẽ của chiến tranh, sự trưởng thành của người lính trẻ sau mỗi một mặt trận bằng chính sự trải nghiệm của ông. Nhân kỷ niệm 42 năm giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2017), VietNamNet xin giới thiệu với bạn đọc những mảnh ghép ký ức thú vị của ông:


Thức ăn quý nhất trên đời là muối

Tháng 4 năm 1968, tiểu đoàn 10, E22.QK4 chúng tôi vào mở đường cho xe tăng ta vào giải phóng Làng Vây và sân bay Tà Cơn. Đơn vị chúng tôi bị bao vây suốt 10 ngày không có lương thực và thực phẩm.

Chúng tôi phải sống bằng mít non chấm với than cỏ tranh có chút mặn thay muối. Thiếu lương thực còn tìm được nhiều thứ thay thế nhưng thiếu muối thì khó hơn nhiều.

Có thức ăn mà không có muối vẫn không nuốt nổi, thậm chí còn để cho thức ăn hôi thối.

Đến lúc này tôi mới hiểu rằng thức ăn quý nhất, ngon nhất, cần nhất trên đời là muối chứ không phải là cá, thịt như hàng ngày tôi vẫn nghĩ và mong.

chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, 30/4, Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp
Đoàn xe chở cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam năm 1973. Ảnh: TTXVN
Người suốt ngày đi tìm khái niệm

Từ năm 1969 đến năm 1972, tôi may mắn được tiếp cận nhiều với đồng chí: Nguyễn Lở quê Quảng Bình, Phó ban tuyên huấn sư đoàn 5, phụ trách công tác tuyên truyền. Đó là một con người năng động, nghiêm túc, am hiểu lý luận và giàu thực tế.

Với cán bộ trẻ chúng tôi, ông rất chú ý đào tạo bồi dưỡng, ông nói khi trẻ phải tập cho cái đầu liên tục suy nghĩ và vận động nếu không về già sẽ lão hóa rất nhanh, gặp việc khó dễ nản chí, xuôi chiều.

Ở rừng sau 9 giờ tối chúng tôi đã thấy rất khuya, nhưng thủ trưởng Lở nói: Thanh niên mà đi ngủ trước 9 giờ là chết rồi chưa chôn. Ông không bao giờ để cho thời gian trôi đi vô ích.

Ông đặt ra hàng loạt sự vật quanh mình và bắt chúng tôi định nghĩa. Theo ông trở về với định nghĩa là trở về với bản chất sự vật, sẽ giúp cho con người nói ngắn gọn và sát nghĩa nhất.

Vì thế mọi sự vật ông nêu ra chúng tôi đều tìm khái niệm đúng nhất. Ai nói đúng và ngắn gọn thì được thưởng, phần thưởng thường là 1 chiếc kẹo, hoặc 1 điếu thuốc lá (nếu ai hút thuốc), và thế là hàng vạn sự vật, danh xưng xung quanh mình được ông đặt ra bắt chúng tôi tìm khái niệm, định nghĩa như: Thế nào là bộ đội, thế nào là du kích, thế nào là cây, thế nào là rừng, thế nào là bát, đĩa, nồi chảo, thế nào là vợ, thế nào là người yêu…

Mỗi lần về TƯ Cục họp, ông lại mang hàng chục quyển sách về bắt chúng tôi đọc và viết thu hoạch, yêu cầu 100 trang sách chỉ được viết thu hoạch có 1 trang, đủ các tiêu chí: Giá trị tư tưởng, hạn chế tác phẩm, tính cách các nhân vật chính, dự đoán tâm lý tác giả…

Ai viết thu hoạch ngắn và sâu sắc nhất cũng sẽ được thưởng. Suốt ngày đêm, nhất là những ngày rỗi rãi chúng tôi đều lo đối phó với Phó ban. Những ngày ông đi công tác tất cả chúng tôi đều reo lên rất sung sướng vì đầu óc được nghỉ ngơi không phải suy nghĩ nhiều.

Thế nhưng đến khi ông được Bộ chỉ huy Miền điều về làm việc ở Ban tuyên huấn Miền, lúc đó chúng tôi mới hiểu ra rằng, chúng tôi đã mất một người thầy bình dị mà vô giá.

Một năm sống với ông, chúng tôi khôn lớn, trưởng thành bằng hàng chục năm ở môi trường khác.

Với riêng tôi, tất cả những gì tôi có hôm nay đều có một phần công lao đào tạo bồi dưỡng của những người đã quá cố, trong đó có ông Nguyễn Lở, Phó ban Tuyên huấn sư đoàn 5 của một thời đạn bom, khói lửa mà giàu tình người và tư duy thực tiễn.

Tình cảm quê hương

2 le doan hop
Ông Lê Doãn Hợp (thứ hai từ phải sang, hàng đứng) thời ở quân ngũ. Ảnh: Tác giả cung cấp

Trên đường hành quân vào Nam đánh Mỹ, 9 giờ tối ngày 20/3/1968, Tiểu đoàn 10 (với 516 con em huyện Nghi Lộc) thuộc trung đoàn 22, quân khu 4, hành quân trên đồi Yên Ngựa thuộc địa phận xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Tự nhiên không ai nói với ai điều gì mà cả Tiểu đoàn dừng bước, ngoảnh mặt nhìn về phía đông là quê hương Nghi Lộc, đang chìm trong bóng tối, thỉnh thoảng lóe sáng vì đạn pháo từ các hạm đội của Mỹ ở biển Đông bắn vào, để vội vã cất mũ vẫy chào quê nhà. Có người nói tạm biệt, có người nói vĩnh biệt quê hương.

Tôi thoáng nghĩ: không ít đồng đội của tôi sẽ có người không trở về, vì chiến tranh đang bước vào thời kỳ khốc liệt nhất.

Nhưng không ai nghĩ rằng kết thúc chiến tranh số người không trở về quê mẹ lại đông đến thế. Hơn 90% đồng đội của chúng tôi đã vĩnh viễn nằm lại trên các chiến trường.

Chỉ có 51 người trên 516 người còn sống, được may mắn trở về đất mẹ. Số liệu này đủ nói lên sự khắc nghiệt của chiến tranh mà chúng tôi nếm trải.

Khi ra trận, những người lính chiến chỉ có 2 điều suy tư và nhớ mong nhiều nhất vẫn là Mẹ và Quê hương. Đó là một dấu ấn tâm linh mà tôi lưu mãi, không phai.

Tác giả bài viết: Lê Doãn Hợp

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP