►Ngô Thanh Vân khóc khi 'Tấm Cám' không được chiếu tại cụm rạp CGV
Khoảng 1 tuần trở lại đây, trên các diễn đàn phim ảnh,... thông tin về việc CGV - hệ thống rạp chiếu Hàn Quốc đang chiếm 40% thị phần tại Việt Nam, sẽ không chiếu bộ phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể do Ngô Thanh Vân đạo diễn và BHD phát hành, khiến nhiều người chú ý.
Trưa 17.8, Ngô Thanh Vân có buổi họp báo về thông báo chính thức về việc bộ phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể sẽ không được chiếu tại hệ thống rạp của CGV. Lí do mà phía Ngô Thanh Vân đưa ra là CGV đặt ra những điều khoản không xứng đáng với những nỗ lực của đoàn phim, BHD và VAA mặc dù đã chấp nhận tỷ lệ chia lợi nhuận rất thấp nhưng vẫn không được đơn vị CGV hỗ trợ.
Ngô Thanh Vân buồn bã thông báo việc "Tấm Cám" sẽ không được chiếu tại CGV.
Phía sản xuất và phát hành phim mong muốn được CGV chia tỉ lệ lợi nhuận là 50 - 50 nhưng CGV không chấp nhận, mặc dù tỉ lệ này tương đương một phim Việt trung bình mà CGV phát hành tại BHD.
Ngay khi thông tin này được các đơn vị truyền thông trong nước chia sẻ, đã tạo ra một làn sóng phản đối, “đòi” tẩy chay CGV vì đòi tỉ lệ ăn chia quá cao, “chèn ép phim Việt”.
Người mẫu Lê Thúy chia sẻ đường link một bài báo về việc Ngô Thanh Vân khóc nức nở trong họp báo với dòng caption cứng rắn: “Tôi chính thức tẩy chay CGV kể từ giây phút này.....”
Bạn đọc Đỗ Dung bình luận: “Cuộc chiến này sớm muộn gì cũng xảy rất thôi. Vốn dĩ trước giờ CGV luôn ức hiếp các rạp chiếu trong nước, luôn đòi % lợi nhuận cao hơn các rạp khác. Giờ là lúc cuộc chiến bùng nổ, có lẽ CGV đang cố chứng tỏ "không có tôi thì phim Việt Nam có hay đến đâu, doanh thu cũng chẳng cao nổi, nên tốt nhất hãy nhường nhịn tôi đi". Nhưng tôi tin với bộ phim có tâm như Tấm Cám sẽ đạt kỷ lục phòng vé”.
“Tẩy chay CGV được rồi đó mấy má. Mồm thì nói sẽ thay đổi nền điện ảnh Việt Nam, trong khi phim Việt chỉ chiếu mấy phim hợp tác với Hàn Quốc, còn phim do Việt Nam sản xuất thì không chiếu... Có mà tính thâu tóm thị trường thì có”, bạn Cương Lê nhận định.
Poster phim "Tấm Cám".
Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch – một trong 3 người dẫn chương trình của Những kẻ lắm lời, không kêu gọi tẩy chay CGV nhưng anh mong đơn vị phát hành này thay đổi cách thức hợp tác: “Khi CGV chiếu phim hay, mình vẫn đến coi như thường, mình chỉ mong muốn CGV có thể thay đổi cách thức hợp tác hiện tại để để có thêm nhiều thiện cảm của khách hàng”.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến đứng về phía CGV và cho rằng đây đơn giản chỉ là một thương vụ làm ăn, không thỏa thuận được tỉ lệ ăn chia thì không chiếu.
“Lúc Ngô Thanh Vân hợp tác cùng BHD đi kiện CGV thì sao? Thua kiện xong bây giờ muốn người ta chiếu phim mình ở rạp người ta, rồi còn đòi % cao?”, bạn Nguyễn bích chia sẻ.
“Làm kinh doanh, thuận mua thì vừa bán. Nhà sản xuất Tấm Cám không đạt được thoả thuận với CGV thì tự nghĩ cách khác mà bù vào, chứ không phải làm lớn chuyện lên rồi dùng dư luận ép CGV như thế này. Còn phim, hay thì ủng hộ, không hay thì thôi, chứ mình sẽ không đi xem một bộ phim chỉ vì nó là phim Việt mà mình cũng là người Việt nhé”, một độc giả bình luận.
Cũng theo nhiều ý kiến của cư dân mạng, thời buổi kinh tế thị trường, mở cửa cho các doanh nghiệp ngoại bước vào “sân nhà” thì phải chấp nhận cạnh tranh. “Họ bỏ vốn vào đầu tư, tạo ra công ăn việc làm và cũng chấp nhận chịu lỗ nhiều chứ không đơn giản mà chiếm đến 40% thị phần rạp như hiện nay. Các hệ thống rạp Việt chỉ còn cách tự thay đổi và nâng cao chất lượng để thu hút khán giả thôi”, bạn Nguyễn Hoàng nhận định.
Isaac và Hạ Vi trong một phân cảnh.
Về phía các diễn viên tham gia phim, Isaac bày tỏ nỗi buồn và sự thất vọng vì Tấm Cám không thể được chiếu ở CGV: “Chúng tôi mất gần 2 năm trời cho bộ phim Tấm Cám, mồ hôi đổ, không phải 1 mình Isaac, mà là hơn 500 anh em. Tiền bạc của nhà đầu tư. Công sức của chị Vân, những giọt nước mắt của chị Vân đổ vào bộ phim này. Chúng tôi chắc chắn muốn bộ phim đến với khán giả, chứ không chỉ vì chút lợi nhuận hay lợi ích bản thân”.
Trong khi đó, Jun Phạm – người đóng vai Thuận Nô trong Tấm Cám, chia sẻ về những giọt nước mắt của Ngô Thanh Vân: “Tuy đều là diễn viên (chuyên hoặc không chuyên) nhưng chưa bao giờ ekip VAA dùng nước mắt ra để diễn vì một điều gì hết! Khóc chỉ đơn giản là cảm xúc thật thôi!”.
Trước những luồng dư luận trên, CGV cũng đưa ra những phản hồi chính thức về vụ lùm xùm này. CGV khẳng định đối với phim Tấm Cám, họ không có quyền quyết định, mà phụ thuộc vào đơn vị phát hành là BHD và nhà sản xuất VAA. Và BHD đã đơn phương từ chối hợp tác do không đạt được thỏa thuận kinh doanh.
"Trong quá trình thương thảo về việc phát hành phim, mặc dù chưa đi đến thỏa thuận cuối cùng nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực quảng bá cho phimTấm Cám: Chuyện chưa kể tại tất cả cụm rạp của CGV, cũng như duy trì đăng poster phim trên website và trang fanpage của công ty.
Chúng tôi đã nhiều lần trao đổi với BHD là với suất chiếu lớn thì chi phí để vận hành rạp tương ứng sẽ rất cao. Thực tế, trong việc phát hành phim, CGV và các đối tác sẽ cùng nhau xây dựng và thống nhất áp dụng tỷ lệ phân chia doanh thu phòng vé dựa trên chất lượng phim, số lượng rạp chiếu và phòng chiếu của đơn vị phát hành. Tỷ lệ này đã thống nhất từ trước tới nay cho tất cả phim Việt Nam khi phát hành tại rạp CGV.
Để đảm bảo cho lợi ích chính đáng của hai bên, chúng tôi đã đề nghị BHD xem xét điều chỉnh tỷ lệ cho phù hợp. Tuy nhiên, theo thông tin cập nhật đến ngày 17/8, công ty BHD chính thức từ chối cung cấp phim Tấm Cámcho hệ thống rạp CGV vì không đạt được thỏa thuận kinh doanh như BHD yêu cầu. Quyết định đơn phương của BHD đã phần nào hạn chế việc phổ biến bộ phim tới khán giả trên toàn quốc", CGV nhấn mạnh
Trong thông cáo báo chí, CGV cũng bác bỏ thông tin đơn vị này chèn ép phim Việt, ưu tiên truyền bá văn hóa Hàn. CGV cho rằng đây là thông tin "hoàn toàn thiếu căn cứ, có chủ đích và có dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh".
CGV khẳng định sẽ “khởi kiện các doanh nghiệp, đơn vị thông tấn báo chí hoặc cá nhân đăng tải hoặc trích đăng lại những thông tin thiếu cơ sở, gây tổn hại cho doanh nghiệp chúng tôi".
Tác giả bài viết: Ngọc Khanh
Nguồn tin: