Xã hội

Vì sao hàng chục con hổ ở Thanh Hóa, Nghệ An cho không ai lấy?

Đàn hổ 11 con ở Thanh Hóa và 8 con ở Nghệ An chưa thể tìm được nơi tiếp nhận, trong khi chủ cũ đau đầu vì phải chi tiền tỷ hàng tháng chăm sóc.

Những ngày đầu năm Nhâm dần 2022, PV có dịp lên khu cánh đồng Cồn Tàu Voi (thuộc xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) mục sở thị đàn hổ 11 con của gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến (52 tuổi, ở xã Xuân Tín).

Hiện việc chăm nom, nuôi dưỡng đều do ông Trịnh Đình Bạch (62 tuổi, ngụ cùng xã) đảm nhận vì chủ đàn hổ này làm việc ngoài Hà Nội.

Những con hổ đang được nuôi nhốt tại xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa)

Bị phạt 60 triệu vì 2 lần mua hổ về nuôi

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, năm 2007, gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến mua 10 con hổ, mỗi con nặng trung bình 7 kg của một người không quen biết và được đưa từ Lào về.

Ngay sau khi phát hiện, cơ quan chức năng đã lập biên bản, xử phạt ông Chiến 30 triệu đồng và cho phép được tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng đàn hổ.

Đến năm 2008, ông Chiến mua thêm 5 con hổ khác và một lần nữa bị phạt 30 triệu đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình nuôi nhốt, vào các năm 2007, 2010, 2012 thì có 4 con hổ bị chết, đàn còn lại 11 con (7 cái, 4 đực). Tổng trọng lượng đàn hổ hiện khoảng 1.750 kg, con lớn nhất 200 kg, con nhỏ chừng 100 kg.

Đàn hổ của gia đình ông Chiến có tổng trọng lượng 1.750kg, con lớn nhất nặng 200kg

Ông Lê Văn Hài, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thọ Xuân cho biết, ban đầu những con hổ trên được gia đình nuôi nhốt trong khu chuồng nhỏ ở xóm 27 xã Xuân Tín, gây nguy hiểm cho khu dân cư xung quanh, mất vệ sinh và ô nhiễm tiếng ồn do hổ thường gầm rú.

Sau đó, gia đình ông Chiến thuê đất ở cánh đồng Cồn Tàu Voi, cách vị trí cũ khoảng 2,5 km. Xung quanh khu vực không có nhà dân ở.

Được biết, khu nuôi hổ hiện tại rộng 4.000 m2, thiết kế nhiều hạng mục như nhà trú mưa nắng, nơi ăn uống, phòng thú y, phòng sinh sản, hành lang, sân chơi... Chuồng nuôi được xây tường bao quanh, bên trên lắp lưới thép B40, cao 4,5m và có ba lớp cửa kiên cố, có hệ thống camera giám sát.

Chỉ khi cho hổ ăn hay vệ sinh chuồng trại hoặc có cơ quan chức năng đến kiểm tra, người quản lý mới mở cổng cho vào.

Hiện nay giấy phép nuôi sinh trưởng của đàn hổ đã hết hạn từ năm 2017

Chi 70 triệu mỗi tháng mua thức ăn cho hổ

Ông Trịnh Đình Bạch - người quản lý, trông nom đàn hổ cho hay, hàng ngày ông làm vệ sinh chuồng trại, kiểm tra an toàn lưới rào xung quanh, bơm nước uống, cuối giờ chiều chia thức ăn đến từng khu vực cho hổ.

Khẩu phần ăn của đàn hổ khác nhau giữa mùa đông và mùa hè. Mùa đông trung bình 1 con ăn đến 10kg thịt chủ yếu là đầu gà, còn mùa hè thì ăn ít hơn và phải cho ăn thêm thịt bò, thịt lợn.

Tất cả thực phẩm được kiểm duyệt kỹ trước khi cho hổ ăn. Tạm sơ tính một tháng mất khoảng 65- 70 triệu đồng cả tiền điện nước và tiền thức ăn.

"Để đảm bảo an toàn cho người dân thì ngoài khu vực chúng tôi có cắm biển báo và thường xuyên kiểm tra lưới thép", ông Bạch cho biết thêm.

Đàn hổ có cả đực và cái trưởng thành, song do nuôi nhốt trong khu chuồng chật hẹp lâu năm, thức ăn thiếu dinh dưỡng nên không thể sinh sản.

Theo ông Bạch, hiện sức khỏe đàn hổ ổn định, tuy nhiên do chuồng hẹp, hổ đực thường tấn công nhau để giành bạn tình, nhất là vào kỳ động dục khiến một con bị thương.

Gia đình ông Chiến phải thuê 4.000m2 đất ngoài cánh đồng để nuôi nhốt hổ

Tìm mãi không thấy nơi nào nhận nuôi

Tương tự, tại Nghệ An 9 con hổ còn sống trong số 17 con hổ tang vật thu về từ chuyên án của Công an tỉnh Nghệ An 6 tháng trước, vẫn đang được gửi chăm sóc tại Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm (huyện Diễn Châu, Nghệ An).

Ông Trần Văn Hải, Phó giám đốc Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm, cho biết: 9 con hổ được chính quyền tỉnh Nghệ An gửi nuôi hiện vẫn còn 8 con sống và đang được chăm sóc tốt. Chúng đã khỏe mạnh hơn và dần thích nghi với môi trường mới.

"Bình quân mỗi ngày chi phí thức ăn, thuốc thang, chăm sóc cho mỗi con hổ này vào khoảng 2 triệu đồng. Chúng tôi đã nuôi được hơn 6 tháng rồi. Kinh phí nuôi chăm sóc hổ sẽ do cơ quan nhà nước thanh toán, nhưng thủ tục đang làm. Trước mắt đơn vị vẫn phải tạm bỏ chi phí chăm nuôi", ông Hải cho biết.

“Chúng tôi mong các cơ quan có liên quan sớm hoàn tất các thủ tục pháp lý. Nếu không có đơn vị nào nhận thì chúng tôi sẵn sàng nhận chăm nuôi cả số hổ này. Tuy nhiên, vẫn phải hoàn tất các thủ tục pháp lý trước đã”, ông Hải nêu đề xuất.

Về thông tin tỉnh Nghệ An cho biết hồi tháng 10/2021 có 2 đơn vị ở 2 tỉnh khác xin nhận nuôi những con hổ này, ông Hải khẳng định: “Đến giờ chưa thấy đơn vị nào đến cả. Hai đơn vị trước đây, khi liên lạc họ đều đã từ chối rồi”.

Trước đó, ngày 4/8/2021, Công an tỉnh Nghệ An phá chuyên án, thu giữ 17 con hổ trưởng thành, mỗi con nặng trên 200 kg được nuôi nhốt tại 2 nhà dân ở xã Đô Thành (huyện Yên Thành)

Xin nuôi không được, tịch thu không xong

Theo Hạt kiểm lâm huyện Thọ Xuân, đàn hổ của gia đình ông Chiến đã được cơ quan chức năng cấp giấy phép nuôi sinh trưởng, sinh sản, song đã hết hạn vào giữa năm 2017.

Gia đình nhiều lần đề nghị cấp giấy phép mới, nhưng không được Bộ NN&PTNT chấp thuận do vướng quy định pháp luật. Cơ quan chức năng cũng chưa có căn cứ tịch thu số hổ.

Từ năm 2018 đến nay, gia đình ông Chiến được vận động và nhiều lần làm đơn tự nguyện chuyển giao đàn hổ cho các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã hoặc tổ chức phù hợp, song chưa thực hiện được vì vướng mắc phần kinh phí bồi hoàn.

Các trung tâm cứu hộ sẵn sàng tiếp nhận số hổ, song không chấp nhận chi tiền công chăm nuôi gần 15 năm qua theo đề xuất của chủ trại.

Theo gia đình ông Chiến thì đến giờ này họ đã mệt mỏi, kiệt quệ và mong muốn bàn giao cho cơ sở nuôi khác có đủ điều kiện nhưng phải có hỗ trợ cho gia đình.

"Gia đình mong muốn bàn giao số hổ này cho trung tâm nuôi dưỡng nào đó tốt hơn để duy trì sự sống cho đàn hổ và nhà nước cũng cho một hướng cụ thể về việc hỗ trợ tiền nuôi ăn, chăm sóc hàng tháng của gia đình trong thời gian qua", ông Bạch cho nói.

Ông Trịnh Đình Bạch - người quản lý trại nuôi nhốt hổ cho gia đình ông Chiến

Được biết, hiện nay, cứ định kỳ 3 tháng một lần, lực lượng liên ngành kiểm tra trại hổ một lần, còn kiểm lâm viên phụ trách địa bàn thì hàng tuần phải đến nắm số lượng, kiểm tra mức độ an toàn chuồng trại hoặc môi trường sinh thái...

Mỗi lần kiểm tra đều được lập biên bản có chữ ký xác nhận của các bên. Gia đình ông Chiến được chăm nuôi, song không được phép di chuyển hoặc thay đổi hiện trạng đàn hổ.

Hạt kiểm lâm huyện Thọ Xuân cũng cho rằng, nếu có cơ sở nào đủ điều kiện nên sớm chuyển giao, còn nếu để gia đình nuôi thì phải gia cố, xây dựng chuồng trại đảm bảo an toàn. Hiện lực lượng kiểm lâm rất vất vả để bảo vệ trại hổ.

Số hổ ở Nghệ An này sau khi gây mê được gửi vào 2 khu sinh thái ở Diễn Châu để chăm sóc và có 9 con đã bị chết

Còn ở Nghệ An, lý giải việc chậm chuyển giao chăm nuôi các cá thể hổ, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An cho biết: 8 cá thể hổ là vật chứng thuộc vụ án. Sau thời gian tạm giữ để phục vụ điều tra, Công an tỉnh đã bàn giao lại cho Chi cục kiểm lâm.

Sau khi nhận bàn giao, Chi cục đề nghị Vườn sinh thái Hòn Nhạn và Khu sinh thái Mường Thanh tiếp tục chăm nuôi để chờ phương án xử lý. Do tang vật là động vật thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nên Chi cục đã chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh tham mưu xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Theo quy định, số hổ này sẽ được giao cho các cơ sở bảo vệ động vật hoang dã, vườn thú nhà nước đủ điều kiện chăm nuôi. Chỉ khi không có cơ sở nhà nước nào tiếp nhận thì mới chuyển giao cho cơ sở sinh thái tư nhân chăm nuôi để bảo tồn trưng bày.

Xin ý kiến 7 sở ngành, chưa nơi nào hồi đáp

“Trước Tết, qua giới thiệu của Tổng cục Lâm nghiệp, Chi cục đã kết nối với Công ty TNHH MTV Vườn Thú Hà Nội. Họ đồng ý tiếp nhận, tuy nhiên phải xin ý kiến của UBND TP và các sở ngành của Hà Nội vì liên quan đến chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc dự kiến gần 5 tỷ đồng/năm.

Vấn đề vướng mắc chính là ở số tiền này. Bình thường chắc là không vấn đề nhưng trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, đến nay phía Hà Nội vẫn chưa có công văn hồi đáp”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, nếu không có cơ sở công lập nào tiếp nhận, Chi cục sẽ tham mưu để giao luôn cho Khu sinh thái Mường Thanh để họ chăm nuôi lâu dài, trưng bày tham quan học tập, giáo dục môi trường, nghiên cứu khoa học... (theo Thông tư số 29/2019/TT-BNNPTNT).

Nhưng phương án này cũng phải xin ý kiến 7 sở ngành, gồm: Công an tỉnh; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; Tòa án nhân dân tỉnh; Sở Nông nghiệp & PTNT; Sở Tài chính; Sở Tư pháp; Sở Tài nguyên và Môi trường...

“Chi cục cũng đã gửi văn bản từ trước Tết, nhưng do bận hay sao mà đến nay các Sở chưa trả lời”, ông Tuấn nói.

Tác giả: Nhóm Phóng Viên

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP