Giáo dục

Tuyển giáo viên chất lượng cao: Vì sao người giỏi không chọn trường chuyên?

Là cơ sở giáo dục chất lượng hàng đầu của Điện Biên, song nhiều năm qua công tác giáo dục mũi nhọn tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn lại gặp khó do thiếu giáo viên cục bộ, nhất là giáo viên chất lượng cao.

Đối với trường chuyên, ngoài nhiệm vụ dạy chương trình THPT, giáo viên còn đảm nhiệm bồi dưỡng HSG quốc gia nên cường độ công việc rất lớn.

Áp lực chuyên môn

Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn hiện có 92 giáo viên, nhân viên, người lao động. Trong đó: 3 người trong Ban Giám hiệu; 74 giáo viên; 15 nhân viên, người lao động. 100% nhà giáo đạt chuẩn đào tạo và trên chuẩn; 60% là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; 11 nhà giáo ưu tú.

Theo cô Bùi Thị Anh, Hiệu trưởng nhà trường: Đơn vị còn thiếu 6 biên chế tính theo đầu lớp, thuộc các môn: Toán, Tiếng Anh, Tiếng Trung. Với lực lượng hiện có, các thầy cô giáo phải làm việc với cường độ rất lớn mới có thể đáp ứng yêu cầu chuyên môn đặt ra của một trường chuyên.

Tại Tổ Ngoại ngữ, năm học này có 8 giáo viên môn Tiếng Anh, thì 1 giáo viên đang theo học Thạc sĩ tại Vương quốc Anh và “mắt kẹt” vì dịch; 3 giáo viên Tiếng Trung, trong đó 1 giáo viên nghỉ thai sản.

Cô Nguyễn Hạnh Tuyết, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, cho biết: Nhiều năm qua, do đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tiếng Trung thiếu nên các thầy cô khác trong tổ thường xuyên phải dạy số lượng tiết dày đặc, tăng giờ... để đảm bảo yêu cầu chất lượng.

“Có thầy cô tăng giờ trong 1 năm vượt quá 200 tiết, đặc biệt là đội ngũ giáo viên đảm nhiệm công tác dạy lớp chuyên, kiêm nhiệm. Trong khi đó, đối với trường chuyên, ngoài dạy theo chương trình THPT chúng tôi còn đảm nhiệm bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG) quốc gia” – cô Tuyết bộc bạch và cho biết thêm: Cũng vì thiếu giáo viên nên Sở GD&ĐT đã dừng thành lập đội tuyển HSG quốc gia môn Tiếng Anh để củng cố. Tuy nhiên đến nay, đội ngũ giáo viên vẫn vậy, chưa thể tuyển dụng bổ sung.

“Phụ đạo cho các lớp không chuyên, dạy nâng cao và ôn thi đại học cho lớp chuyên và học sinh có nhu cầu... Buổi tối lại lên lớp cho học sinh ôn thi đại học. Vì vậy, thầy cô không có thời gian để đầu tư nhiều cho đội tuyển HSG quốc gia. Chúng tôi tha thiết mong ngành tạo điều kiện cho trường có thể tuyển thêm những giáo viên thực sự chất lượng để chia sẻ, gánh vác trong những năm tới”, cô Hương giãi bày.

Còn theo nhà giáo Dương Thị Hương, giáo viên môn Tiếng Anh, cô và các giáo viên trong tổ hầu như không có buổi chiều nào được ở nhà do lịch dạy phụ đạo “dày đặc”.

Theo số liệu tổng kết, hàng năm tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn luôn đạt 100%, trên 98% đỗ đại học, trên 85% học sinh đi thi HSG tỉnh có giải và là nguồn đội tuyển HSG quốc gia chủ chốt của tỉnh. Tuy nhiên, theo cô Bùi Thị Anh, tỷ lệ học sinh đoạt giải trong kỳ thi HSG quốc gia 2 năm gần đây không ổn định, không cao. Một phần nguyên do không tuyển được giáo viên mới có năng lực đáp ứng yêu cầu dạy chương trình chuyên và ôn luyện HSG quốc gia.

Hiện, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn gặp khó khăn trong việc tìm nguồn tuyển dụng giáo viên chất lượng cao.

Khó tìm nguồn

Thiếu giáo viên cục bộ, nhất là giáo viên chất lượng cao, song việc tuyển dụng lại gặp muôn vàn vướng mắc, đa phần là khó khăn về nguồn tuyển. Theo phân tích của cô hiệu trưởng, để có được đội ngũ nhà giáo chất lượng cao không chỉ cần sự đãi ngộ, thu hút, mà còn là chính sách tuyển dụng công khai và hợp lý, thậm chí là cơ chế đặc biệt “trải thảm” mời nhân tài.

Tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, trên thực tế những năm qua công tác tuyển dụng giáo viên cũng được địa phương ưu ái, với nhiều cách làm. Nhà trường chủ động lựa chọn và đề xuất những giáo viên có năng lực chuyên môn giỏi trong tỉnh hoặc học sinh tốt nghiệp xuất sắc ra trường sau khi được tỉnh tuyển dụng để về dạy thử. Khi đảm bảo yêu cầu đề ra mới tuyển dụng.

“Tuy nhiên, là địa phương miền núi với nhiều khó khăn đặc thù nên nguồn tuyển này không nhiều. Một số giáo viên giỏi nhưng lại không có nguyện vọng về trường chuyên, bởi cường độ và áp lực công việc cao, trong khi chế độ chưa tương xứng”, cô Bùi Thị Anh chia sẻ.

Cũng theo chia sẻ này của người đứng đầu nhà trường, nguồn tuyển khó khăn nhất là 2 môn Tiếng Anh và Trung. Suốt quá trình thành lập đến nay trường vẫn thiếu giáo viên ở 2 bộ môn này. “Ngành GD địa phương đã tạo điều kiện tăng cường thêm giáo viên. Có giáo viên năng lực tốt, đáp ứng được yêu cầu dạy lớp chuyên nhưng khi đặt vấn đề ở lại trường công tác thì họ từ chối”, cô hiệu trưởng nói.

Một thực trạng nữa cần nhắc đến là hiện chưa có chế độ đặc thù để tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp giỏi từ lớp cử nhân, tại các trường đại học để có đội ngũ kế cận những giáo viên lớn tuổi.

“Hiện nay, mỗi thầy cô vẫn đang nỗ lực tự học hỏi, bồi dưỡng kiến thức, đào sâu chuyên môn. Tuy nhiên với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, việc tăng cường cán bộ, giáo viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi là vô cùng quan trọng. Bởi vậy, cần một cơ chế mở cùng chính sách thu hút phù hợp để các thầy cô giỏi không chỉ đến, mà có thể an tâm dừng chân, gắn bó”, cô Bùi Thị Anh bộc bạch.

“3 năm liền Điện Biên không thành lập đội tuyển dự thi HSG quốc gia môn Tiếng Anh (năm học này mới tái lập). Năm học 2021 – 2022, trường không tuyển học sinh lớp chuyên Tiếng Trung” – cô Bùi Thị Anh cho biết.

Tác giả: Hà Linh

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP