Thế giới

Thổ Nhĩ Kỳ muốn chế tạo xe tăng robot sau thất bại ê chề ở Syria

Thiệt hại nặng nề của lực lượng thiết giáp trong chiến dịch ở Syria thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ nghiên cứu xe tăng chủ lực không người lái.

Xe tăng chủ lực Leopard 2A4 của Thổ Nhĩ Kỳ gần Afrin. Ảnh: AFP.

"Nếu ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ không chế tạo khí tài không người lái, mỗi vũ khí thiệt hại ở Afrin sẽ đẩy chúng ta vào vị trí khó khăn. Thổ Nhĩ Kỳ phải có bước tiến xa hơn, đó là tìm cách chế tạo xe tăng không người lái", Sputnik dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu hôm 21/2.

Tuy nhiên, ông Erdogan không nói rõ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm thế nào để hiện thực hóa tham vọng này. Xe tăng robot không người lái được coi là khí tài quân sự hiện đại nhất trên chiến trường, có thể giảm thiểu thương vong về con người mà vẫn đảm bảo uy lực. Tuy nhiên, các cường quốc quân sự như Nga, Mỹ đến nay vẫn chưa chế tạo thành công xe tăng chiến đấu chủ lực không người lái.

Ông Erdogan từng chỉ trích các quốc gia phương Tây vì từ chối cung cấp vũ khí hiện đại cho Ankara, nhất là từ khi Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự "Cành Oliu" nhằm vào dân quân người Kurd ở Afrin, tây bắc Syria.

Hành động này khiến Berlin quyết định ngừng chuyển giao xe tăng chủ lực Leopard 2A4 nâng cấp cho Ankara, khiến lực lượng tăng thiết giáp Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu thiệt hại nặng nề từ các loại vũ khí chống tăng của dân quân người Kurd.

Trong các chiến dịch quân sự ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã mất nhiều xe tăng Leopard 2A4 do bị tấn công vào điểm yếu nhất là lớp giáp mỏng ở bụng và sườn trái phía mũi. Tên lửa chống tăng nhắm vào các vị trí này thường khiến xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ bị phá hủy hoàn toàn.

Thổ Nhĩ Kỳ trước đó không thể mua máy bay không người lái (UAV) từ Mỹ do bị quốc hội Mỹ phản đối. Hồi tháng 9 năm ngoái, thượng viện Mỹ cũng cấm bán súng ngắn Sig Sauer cho lực lượng cận vệ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi một số thành viên của lực lượng này tấn công người biểu tình trong chuyến thăm Mỹ của ông Erdogan. Israel từ chối chuyển giao công nghệ, dây chuyền sản xuất và phương thức chia sẻ thông tin tình báo của UAV Heron cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Những vụ việc này khiến Ankara muốn tăng cường tự chủ và đẩy mạnh đầu tư cho ngành công nghiệp quốc phòng. Cơ quan phụ trách công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSM) đã tăng số lượng các dự án quân sự nội địa lên gấp hàng trăm lần, với tổng ngân sách là 41,4 tỷ USD.

Tác giả: Tử Quỳnh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP