Giáo dục

Thiếu giáo viên: Trẻ thiếu chỗ học, trường mầm non… bỏ hoang

Hơn 2 năm qua, cơ sở 2 của Trường Mầm non xã Tịnh Ấn Tây (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) với quy mô 2 tầng vẫn chưa thể đi vào hoạt động vì… thiếu giáo viên.

Dự án Trường Mầm non Hòa Xuân với kinh phí đầu tư 28 tỷ nhưng không thể đưa vào sử dụng ngay sau khi hoàn thành vì thiếu giáo viên.

Phụ huynh buộc phải gửi con ở các nhóm trẻ gia đình hoặc đưa con ra học ở điểm trường chính với rất nhiều trắc trở vào mùa mưa lũ.

Xây trường cho… cỏ mọc

Cơ sở 2 Trường Mầm non xã Tịnh Ấn Tây được đầu tư xây dựng với kinh phí khoảng 3,3 tỷ đồng, có quy mô 3 phòng học, 1 phòng chức năng, nhà ăn, nhà vệ sinh và một số hạng mục khác. Công trình hoàn thành vào cuối năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Hưng – Trưởng phòng GD&ĐT TP Quảng Ngãi - cho biết: “Khi chưa xây cầu thì nhu cầu có một điểm trường tại thôn Độc Lập là bức thiết. Vào mùa mưa lũ, nhiều khu dân cư trong thôn bị chia cắt. Việc đưa trẻ ra Trường Mầm non xã Tịnh Ấn Tây khá xa và gặp nhiều khó khăn do ngập nước.

Còn theo bà Nguyễn T. H sinh sống tại thôn Độc Lập, nhìn ngôi trường khang trang, đẹp đẽ, bà con trong thôn mừng lắm. Nghĩ từ nay không phải lội mưa đội nắng đưa con cháu vượt đường xa đi học nữa. Nhưng hơn 2 năm rồi, cây cối thì chết, cỏ dại mọc um tùm mà trường vẫn đóng cửa. Con em trong thôn phần thì gửi nhóm trẻ, còn lại đi học nhờ ở xã bên hoặc ra điểm trường chính cách khoảng 4km.

Điểm chính của Trường Mầm non xã Tịnh Ấn Tây hiện có 5 lớp học. Số giáo viên đủ cho biên chế lớp học tại đây chứ không thể chia sẻ để đưa cơ sở 2. Ông Nguyễn Văn Hưng thông tin: “Phòng GD&ĐT đã làm tờ trình xin bố trí thêm giáo viên. Tuy nhiên, 2 năm qua, việc thi tuyển viên chức ngành Giáo dục của tỉnh gặp nhiều trở ngại. Tháng 4/2022 mới thi tuyển được 50 giáo viên cho bậc học mầm non cũng là lúc gần kết thúc năm học nên chúng tôi xây dựng kế hoạch để tuyển sinh cho năm học 2022 – 2023”.

Có trẻ thì mới có giáo viên

Trường Mầm non Hòa Xuân (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí gần 28 tỷ đồng. Tuy nhiên, do không có biên chế giáo viên nên chưa thể đi vào hoạt động ngay sau khi bàn giao. Trong khi đó, áp lực sĩ số học sinh tại 3 cơ sở của Trường Mầm non Hương Sen rất lớn và luôn trong tình trạng quá tải.

Cô Nguyễn Thị Lệ Hoa – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Sen - cho hay: Với 3 cơ sở, nhà trường có 20 nhóm lớp với gần 600 trẻ. Ngoài ra, là trường công lập duy nhất trên địa bàn, nhà trường còn quản lý và hướng dẫn chuyên môn cho 39 nhóm lớp độc lập. “Nhu cầu gửi con theo học tại trường rất cao, nhất là ở Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân vì hiện chưa có cơ sở mầm non nào hoạt động. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ ghi danh phụ huynh chứ không thể thu nhận hồ sơ vì trường đã quá tải”, cô Lệ Hoa chia sẻ.

Với tốc độ tăng dân số cơ học như hiện nay, việc xây thêm trường mầm non tại Hòa Xuân rất cấp thiết, đáp ứng nhu cầu của người dân. Dự án Trường Mầm non Hòa Xuân nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp do của UBND thành phố phê duyệt. Với mục tiêu sau khi hoàn thành dự án Trường Mầm non Hòa Xuân sẽ chia sẻ áp lực cùng Trường Mầm non Hương Sen. Tuy nhiên, với chủ trương tinh giản biên chế như hiện nay, điểm trường này sẽ là cơ sở 4 của Trường Mầm non Hương Sen. Điểm trường sẽ có 5 nhóm lớp với 10 giáo viên đứng lớp trực tiếp, chưa kể nhân viên phục vụ để đảm bảo hoạt động dạy – học và chăm sóc trẻ.

Việc không thể đưa vào hoạt động sau khi hoàn thành dự án Trường Mầm non Hòa Xuân do thiếu giáo viên được đề cập đến tại buổi làm việc của Thường trực Thành ủy với Đảng ủy, tập thể lãnh đạo Sở Nội vụ vào ngày 7/4. Ông Lương Nguyễn Minh Triết – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đã đề nghị ngành Nội vụ xem xét, rà soát để có hướng giải quyết, phân bổ hợp lý.

UBND quận Cẩm Lệ cũng kiến nghị thành phố quan tâm, phân bổ biên chế giáo dục cho quận để đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như việc học tập của học sinh trên địa bàn. Ông Hồ Văn Khoa, Chủ tịch quận Cẩm Lệ, cho rằng, việc phân bổ biên chế giáo viên không theo kịp tốc độ xây dựng, phát triển trường lớp theo nhu cầu thực tế của địa phương.

Tuy nhiên, ông Võ Ngọc Đồng – Giám đốc Sở Nội vụ - lại nhấn mạnh: Việc giao biên chế căn cứ vào đề nghị của quận Cẩm Lệ. Trên cơ sở số lượng học sinh, số lớp, căn cứ Thông tư số 16/2017 của Bộ GD&ĐT ngày 12/7/2017 về Hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập để tính biên chế giáo viên đứng lớp trong quận, Sở Nội vụ đã thẩm định và tính đủ giáo viên cho quận Cẩm Lệ.

Tuy nhiên, theo cán bộ phụ trách mầm non thuộc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, với quan điểm phải có học sinh mới cho tuyển giáo viên, các cơ sở mới sẽ khó chủ động trong tuyển sinh. Về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Lệ Hoa nhìn nhận: Theo khảo sát, nhu cầu phụ huynh gửi con độ tuổi mầm non ở khu vực dự án Trường Mầm non Hòa Xuân vừa xây dựng xong là rất cao. “Hiện, chúng tôi chỉ đủ giáo viên cho 3 cơ sở, nếu nhận hồ sơ của trẻ mà không có giáo viên để bố trí thì nhà trường không thể xoay xở được với chừng đấy nhân sự. Phụ huynh đến hỏi mua hồ sơ, nhà trường chỉ mới dừng lại ở việc ghi danh chứ không thể làm gì khác hơn”.

Theo số liệu thống kê, thôn Độc Lập, xã Tịnh Ấn Tây có khoảng 20 trẻ trong độ tuổi mẫu giáo và nhà trẻ. “Dự kiến, năm học tới sẽ mở 2 lớp tại điểm trường này với 4 giáo viên đứng lớp. Riêng khâu bán trú phải sử dụng phương án vận chuyển thức ăn từ điểm chính về. Tuy nhiên, vẫn phải tùy thuộc số trẻ ra lớp trên thực tế để bố trí giáo viên”, ông Hưng cho biết.

Tác giả: Hà Nguyên

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP