Trong tỉnh

Sốt đất nông thôn ở Nghệ An

Nhiều vùng nông thôn ở Nghệ An đang chứng kiến hiện tượng sốt đất lan rộng. Giá đất tăng từng ngày, thậm chí từng giờ, có thể dẫn tới nhiều hệ luỵ tiêu cực nếu không được quản lý chặt chẽ.

Giới đầu cơ đang ồ ạt đổ về xã Nghi Trường, Nghi Lộc, Nghệ An để xem và mua đất. Ảnh: CTV

Đất nông thôn giá thành phố

Thời gian qua, giá đất nông thôn và các vùng ven thành phố ở Nghệ An đang tăng nhanh khi giới đầu cơ “ồ ạt” đổ về và tạo ra những "cơn sóng ảo" làm giá đất chao đảo ở một số vùng nông thôn Nghệ An.

Sốt đất năm nay không chỉ xảy ra ở một số vùng ven TP. Vinh như xã Nghi Phú, Nghi Phong, Nghi Thái, Nghi Ân, Hưng Lộc, Hưng Hòa mà lan ra cả các xã Nghi Trường, Nghi Hoa, Nghi Kiều của huyện Nghi Lộc, hay lên đến các vùng nông thôn ở các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Nghĩa Đàn, Anh Sơn hay thị xã Thái Hòa …

Anh Đinh Hải Thành (42 tuổi) một nhà đầu tư thường xuyên lướt sóng đất vùng ven TP. Vinh cho hay, không biết vì lý do gì mà giá đất ở các khu vực vùng ven thành phố như Nghi Ân, Nghi phong, Nghi Thái, Nghi Trường lại sốt trở lại như khoảng thời gian đầu năm 2021, làm giá đất cứ quay như chong chóng.

Theo anh Thành, có nhiều lô đất ở khu vực xã Nghi Trường giá tăng liên tục, sáng một giá, chiều lại một giá. Điển hình như những lô đất khu vực đấu giá gần UBND xã Nghi Trường, buổi sáng có giá từ 5-7 triệu đồng/m2 mà cuối buổi chiều giá lại lên mức 6-9 triệu đồng/m2. “Theo tôi, giá đất lên là do thời gian qua dịch bệnh liên tục, hạn chế đi lại, giờ mở cửa gần như hoàn toàn nên người dân “ồ ạt” xuống tiền vào bất động sản, khiến giá đất tăng chóng mặt”, anh Thành nói.

Anh Nguyễn Huy Hoàng, một nhà đầu cơ bất động sản có tiếng tại TP. Vinh thông tin, hiện không chỉ đất vùng ven thành phố, mà đất ở các vùng nông thôn cũng nhảy từng giờ, từng ngày. Đơn cử như, đất ở khu vực xã Nghi Hoa, xã Nghi Kiều huyện Nghi Lộc, trước đây giá dao động khoảng 2,5-4 triệu đồng/m2, nhưng mấy ngày gần đây đã lên tới 5,5-8 triệu đồng/m2.

Anh Hoàng cũng không biết giá đất ở đây vì sao lại tăng nhanh đến như vậy. "Tôi thấy giá đất tăng từng giờ như vậy nên cũng chạy ra xã Nghi Kiều để chốt, cọc vài lô lướt sóng kiếm lời, chứ tình hình giá đất tăng đột biến như này thì không thể ôm lâu được", anh Hoàng nói.

Chuyên gia nói gì?

Trong khi đó, anh Công, một chuyên gia tìm hiểu về thị trường đất nền ở Nghệ An lại cho rằng, giá đất ở một số khu vực nông thôn như các huyện Nam Đàn, Đô Lương, Nghĩa Đàn… thời gian qua cũng tăng nhanh, tuy nhiên, tăng không phải do nhu cầu về đất ở, hay mặt bằng sản xuất kinh doanh tăng đột biến, mà chủ yếu do tâm lý nhà đầu tư, họ mong muốn đầu tư vào đất để sinh lời.

Bên cạnh đó, giới “cò đất” có rất nhiều chiêu trò “tạo sóng”, “đẩy giá” để tác động vào tâm lý người mua đất. “Có một số nhóm người tập trung phao tin là sắp có dự án đi qua, hay các dự án treo sắp tái khởi động, huyện sắp lên thị xã…để mời gọi khách hàng. Do vậy, người dân cần hết sức cẩn thận với thị trường bất động sản ở nông thôn hiện nay”, anh Công khuyến cáo.

Sốt đất không chỉ ở vùng ven TP. Vinh mà còn lan ra các huyện miền núi Nghệ An. Ảnh: Văn Dũng

Trao đổi với Nhadautu.vn, TS. Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chia sẻ, hiện tượng giá đất nông thôn sốt cao không chỉ ở Nghệ An mà ở rất nhiều nơi trên cả nước, cho thấy nhu cầu đầu tư quá lớn.

Theo ông Đính, mua gom đất ở nông thôn không phải là nhu cầu đầu tư bất động sản, mà là lợi dụng để đầu cơ, tương tự như vàng hay chứng khoán thời gian qua.

Ông Đính cho rằng, do dịch bệnh kéo dài, các ngành khác chưa hồi phục nên dòng vốn chưa quay trở về sản xuất kinh doanh nên một số người dân muốn tranh thủ đầu tư. Họ sẽ lựa chọn các hình thức đầu tư như như vàng, chứng khoán, bất động sản...

"Những người đầu tư vào bất động sản ở nông thôn thì chỉ muốn đánh nhanh, lãi nhanh rồi rút vốn ra chứ họ không sử dụng bất động sản đó để ở hay kinh doanh lâu dài. Đây là thực trạng xảy ra ở rất nhiều nơi, dẫn tới nhiều hệ luỵ xấu", ông Đính nhận định, đồng thời nhấn mạnh để ngăn chặn việc “thổi giá” đất ở nông thôn, cần có chính sách chuyển hướng dòng tiền quay về các kênh đầu tư sản xuất. Cùng với đó, các địa phương phải ngăn chặn và xử lý nghiêm các hoạt động kinh doanh bất động sản không tuân thủ pháp luật.

Tác giả: Văn Dũng

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP