Trong tỉnh

Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt 100% kế hoạch

Ngày 23/8, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung ký Công điện 26/CĐ-UBND yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các Ban quản lý dự án và các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.

Xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2021

Theo đó, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2021 đạt 100% kế hoạch theo nội dung đã chỉ đạo tại Văn bản số 4983/UBND-KT ngày 20/7/2021 của UBND tỉnh; đồng thời, thực hiện Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các Ban quản lý dự án và các chủ đầu tư xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2021, là ý thức thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tình hình hiện nay, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2021, Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021, các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Công điện 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

Bên cạnh đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chủ đầu tư và Giám đốc các Ban quản lý dự án chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả giải ngân vốn đầu tư công của cơ quan, đơn vị mình.

Các chủ đầu tư cần kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm chất lượng công trình, chậm tiến độ và vi phạm hợp đồng. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công. Kết quả giải ngân dự án đầu tư công là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm, các dự án bố trí kế hoạch vốn lớn; Phân công lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp phụ trách từng dự án; Thường xuyên kiểm tra tiến độ tại thực địa, tổ chức giao ban định kỳ hàng tuần với ban quản lý dự án, các nhà thầu để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý (đối với nội dung vượt thẩm quyền).

Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên, thực hiện nghiệm thu, thanh toán ngay khi có khối lượng; chủ động rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt, còn thiếu vốn. Tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan đến các quy trình, thủ tục đầu tư công để báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung.

Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đến ngày 10/8/2021 dưới mức bình quân cả tỉnh (dưới 39,13%) tổ chức kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm. Đồng thời, thực hiện rà soát chi tiết các khó khăn, vướng mắc của từng dự án, nguyên nhân giải ngân chậm, giải pháp khắc phục và dự kiến khả năng giải ngân đến ngày 30/9/2021 và 31/01/2022. Trường hợp không có khả năng giải ngân, sớm đề xuất điều chuyển giảm vốn ngay, tuyệt đối không có tư tưởng giữ vốn làm chậm tiến độ giải ngân chung của tỉnh. Báo cáo gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10/9/2021 để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Thành lập Tổ công tác đặc biệt về lĩnh vực đầu tư công do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư công năm 2021 nguồn ngân sách Trung ương cho các dự án khởi công mới năm 2021 ngay khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để các chủ đầu tư triển khai kịp thời các bước tiếp theo. Đồng thời thực hiện nghiêm việc tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn các dự án giải ngân chậm để bổ sung cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu và khả năng giải ngân vốn bổ sung trong năm 2021. Công khai tình hình giải ngân vốn đầu tư công của các sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Sở Tài chính căn cứ cam kết và đăng ký kế hoạch giải ngân của các chủ đầu tư để sắp xếp, cân đối đảm bảo đủ nguồn nhập Tabmis cho các công trình dự án, không để việc nhập tabmis ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn. Đầu mối làm việc với Bộ Tài chính hỗ trợ chủ đầu tư các dự án ODA làm thủ tục rút vốn từ nhà tài trợ kịp thời, bảo đảm đúng quy định. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành, đặc biệt là các dự án có kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 để thực hiện giải ngân kịp thời.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Kho bạc nhà nước tỉnh và Kho bạc nhà nước các huyện, thành phố, thị xã giải quyết kịp thời thủ tục thanh toán theo quy định. Đối với các khoản chi thực hiện theo phương thức thanh toán trước, kiểm soát sau, thực hiện tiếp nhận hồ sơ và làm thủ tục thanh toán trong thời hạn 01 ngày làm việc. Đối với các hình thức thanh toán khác, thực hiện kiểm soát, thanh toán chậm nhất trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, hợp pháp.

Cùng với đó, kiểm soát thời gian hoàn thiện hồ sơ của chủ đầu tư để nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời, đảm bảo trong thời hạn 04 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu phải làm thủ tục thanh toán ngay với Kho bạc nhà nước, tránh trình trạng dồn hồ sơ thanh toán một lần vào cuối năm theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 4983/UBND-KT ngày 20/7/2021.

Các sở chuyên ngành Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường,...) cần tập trung ưu tiên, rút ngắn thời gian giải quyết các hồ sơ liên quan đến thẩm định dự án, điều chỉnh dự án, thẩm định thiết kế - dự toán, công tác giải phóng mặt bằng,... của các dự án có kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, tạo điều kiện để chủ đầu tư sớm hoàn thành thủ tục, thi công công trình và giải ngân vốn.

Thành lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng trên cơ sở kiện toàn Tổ công tác số 1 về lĩnh vực đầu tư công để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công. Trong điều kiện dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều địa bàn thực hiện giãn cách xã hội, Tổ công tác đặc biệt thành lập đường dây nóng tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (qua số điện thoại 0868378172) để tiếp nhận thông tin và chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền liên quan giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị nhằm đạt hiệu quả cao nhất về giải ngân vốn đầu tư công.

Ngay từ đầu năm 2021, UBND tỉnh đã có nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt, cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Tuy nhiên, kết quả giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh đến ngày 10/8/2021 mới đạt 39,13% so với kế hoạch vốn năm 2021 đã được giao chi tiết, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (46,73%), đặc biệt tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất thấp (13,63%).

Một số địa phương đã tích cực, chủ động với nhiều biện pháp hiệu quả nên kết quả giải ngân đạt cao (trên 60%) như: Tương Dương (89,97%), thành phố Vinh (83,53%), Kỳ Sơn (82,16%), Thanh Chương (77,13%), Nghĩa Đàn (67,45%), Diễn Châu (62,8%). Bên cạnh đó vẫn còn nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp như: Anh Sơn (29,62%), Nghi Lộc (28,24%), Con Cuông (27,91%), Hưng Nguyên (24,07%), TX Cửa Lò (23,43%), TX Hoàng Mai (20%); đặc biệt một số cơ quan, đơn vị chưa giải ngân (0%), như: Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Trung tâm giống cây trồng Nghệ An, Trường THPT Nam Đàn 2, Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An.

Việc giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan do dịch bệnh COVD-19 diễn biến phức tạp, phải thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương, giá cả nguyên, nhiên vật liệu tăng cao. Tuy nhiên nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, nhất là các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ; công tác thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm, giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; công tác kiểm tra, chỉ đạo chưa quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh,...

Tác giả: H.B (Tổng hợp)

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP