Trong nước

Nửa đêm bị dựng dậy kiểm tra hành chính, có sai luật?

Cảnh sát khu vực có quyền kiểm tra hành chính tại nơi cư trú đối với người không vi phạm giữa đêm hay không?

Hỏi: Vợ chồng tôi mới chuyển đến chỗ ở mới được hơn một tháng, đã đăng ký tạm trú. Tuần trước chúng tôi bị cảnh sát khu vực đến nhà tiến hành kiểm tra hành chính giữa đêm khuya khiến chúng tôi cảm thấy rất không thoải mái và bị hàng xóm dị nghị. Xin hỏi cảnh sát khu vực có quyền kiểm tra hành chính tại nơi cư trú đối với người không vi phạm giữa đêm hay không? Pháp luật có quy định cụ thể về vấn đề này không ạ? (Chị Phương Liên, 32 tuổi ở Hà Nội).

Cảnh sát khu vực có quyền kiểm tra vào ban đêm không.

Trả lời: Về vấn đề này, Thông tư số 35/2014/TT- BCA của Bộ Công an hướng dẫn thi hành Luật Cư trú, có hướng dẫn về nơi cư trú của công dân; đăng ký thường trú; đăng ký tạm trú; thông báo lưu trú; khai báo tạm vắng và trách nhiệm quản lý cư trú đã quy định rất rõ ràng, chi tiết.

Theo đó, công an các cấp có quyền và trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý những vi phạm pháp luật về cư trú. Việc kiểm tra được tiến hành vào bất cứ thời điểm nào và không cần báo trước.

Cụ thể, Điều 26 Thông tư 35 quy định: Hình thức kiểm tra cư trú được tiến hành định kỳ, đột xuất, hoặc do yêu cầu phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự. Đối tượng kiểm tra cư trú là công dân, hộ gia đình, cơ sở cho thuê lưu trú, cơ quan đăng ký, quản lý cư trú các cấp; cơ quan, tổ chức có liên quan đến quản lý cư trú.

Nội dung kiểm tra cư trú bao gồm kiểm tra việc triển khai và tổ chức thực hiện các nội dung đăng ký, quản lý cư trú; quyền và trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức; các nội dung khác theo pháp luật cư trú.

Điều luật này cũng quy định quyền của người kiểm tra hành chính. Theo đó, cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân, công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn có quyền kiểm tra trực tiếp hoặc phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú đối với công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức thuộc địa bàn quản lý.

Khi kiểm tra được quyền huy động lực lượng quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cùng tham gia. Ngoài ra, việc kiểm tra cư trú của công an cấp trên tại địa bàn dân cư phải có cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân, công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn chứng kiến.

Căn cứ vào quy định nêu trên có thể thấy, việc công an kiểm tra hành chính giữa đêm tuy có gây phiền toái nhất định cho người dân nhưng là việc làm có căn cứ pháp lý, nhằm thực hiện bảo đảm an ninh trật tự và yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.

Hỏi: Em và bạn trai thuê nhà sống chung tại một quận nội thành của Hà Nội, có đăng ký tạm trú và không vi phạm nội quy tại khu dân cư. Do tính chất công việc, hàng ngày phải đi làm sớm và về muộn nên khi về đến nhà chúng em chỉ muốn được nghỉ ngơi, tránh bị phiền hà.

Vậy nên việc cảnh sát khu vực đến kiểm tra đột xuất tại cư trú làm chúng em rất khó chịu. Xin hỏi chúng em không vi phạm gì thì có quyền từ chối, không chấp hành yêu cầu kiểm tra hành chính đột xuất tại nơi cư trú hay không? (Bạn Thanh Hải, 24 tuổi ở Hà Nội).

Trả lời: Nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự và đấu tranh phòng chống tội phạm nên pháp luật quy định cảnh sát khu vực có quyền kiểm tra hành chính đột xuất tại nơi cư trú và người dân có nghĩa vụ phải chấp hành.

Nếu người dân cố tình “chống lệnh”, không chấp hành thì dù không có hành vi vi phạm các quy định về cư trú cũng sẽ bị xử phạt hành chính.

Mức phạt được quy định tại Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, chống tệ nạn xã hội, phòng chống cháy nổ, bạo lực gia đình như sau:

“Phạt tiền từ 100- 300 ngàn đồng đối với một trong các hành vi sau đây: không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trí hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng

. Ngoài ra nếu không chấp hành việc kiểm tra hộ khẩu, kiểm tra tạm trú, kiểm tra lưu trú không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ tùy khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Đối với hành vi không xuất trình chứng minh nhân dân, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100- 200 ngàn đồng.

Hỏi: Em trai tôi đua đòi theo bạn xấu đua xe, gây rối và được thông báo sẽ bị áp dụng biện pháp kiểm điểm trước nhân dân tại nơi cư trú. Xin luật sư cho biết cụ thể về biện pháp kiểm điểm trước nhân dân tại nơi cư trú là như thế nào? Người bị đưa ra kiểm điểm trước nhân dân như em tôi có bị coi là có tiền sự hay không? (Chị Thanh Hằng, 29 tuổi ở Bình Thuận).

Trả lời: Biện pháp đưa đối tượng ra kiểm điểm trước nhân dân là biện pháp áp dụng đối với người có hành vi vi phạm về an ninh trật tự nhưng chưa đến mức phải xử lý hình sự.

Biện pháp này có thể áp dụng độc lập đối với người có hành vi vi phạm nhưng chưa đến mức bị xử phạt hành chính (chỉ bị đưa ra kiểm điểm trước nhân dân); hoặc cũng có thể áp dụng kèm theo biện pháp xử lý hành chính (vừa bị phạt tiền, vừa bị đưa ra kiểm điểm).

Thông thường Công an xã sẽ chủ trì tổ chức buổi đưa đối tượng ra kiểm điểm nhân dân, có phối hợp với Đảng ủy, chính quyền địa phương và tổ dân phố nơi đối tượng vi phạm cư trú.

Về trình tự buổi kiểm điểm, đối tượng sẽ đọc bản tự kiểm điểm trước các ban ngành chức năng và đại diện nhân dân, bày tỏ thái độ ăn năn hối cải trước việc làm sai trái và cam kết sẽ không tái phạm, mong chính quyền địa phương cùng nhân dân tha thứ để có cơ hội sửa chữa phấn đấu trở thành công dân tốt.

Biện pháp kiểm điểm trước nhân dân không phải là biện pháp xử phạt hành chính nên không bị coi là tiền sự, người bị đưa ra kiểm điểm không bị coi là nhân thân có “tì vết”. Tuy vậy, người bị đưa ra kiểm điểm vẫn bị coi là đối tượng thuộc diện bị theo dõi ở địa phương.

Trường hợp của em trai chị có hành vi đua xe trái phép nhưng do chị không nói rõ em trai chị ngoài việc bị đưa ra kiểm điểm thì có bị áp dụng biện pháp xử phạt hành chính hay không nên luật sư chưa thể xác định em trai chị có bị coi là có tiền sự hay không?

Nếu em trai chị vừa bị xử lý hành chính vừa bị đưa ra kiểm điểm thì trong hồ sơ nhân thân bị ghi là có tiền sự (tiền sự có thời hiệu trong 12 tháng nên nếu người bị phạt đã thực hiện xong nghĩa vụ nộp tiền phạt và không vi phạm mới thì sau 1 năm sẽ được xóa tiền sự); còn nếu em trai chị không bị xử phạt hành chính, chỉ bị áp dụng biện pháp kiểm điểm trước dân thì không bị coi là có tiền sự.

Hỏi: Bạn tôi có chứa chấp tài sản một vụ trộm cắp nên bị công an đến nhà đọc lệnh khám xét và yêu cầu bạn phải đưa ra những tài sản, tang vật kia nghi là giấu trong nhà. Bạn tôi không tự nguyện chấp hành và cũng không đồng ý việc khám nhưng vẫn bị lực lượng thi hành công vụ tự ý vào nhà khám xét. Xin hỏi khi nào thì công an được quyền khám xét chỗ ở của công dân? (Anh Đỗ Vững, 45 tuổi ở Hải Phòng).

Trả lời: Theo khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, căn cứ việc khám người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm được quy định như sau: “Việc khám người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án...

Việc khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã”. Trình tự, thủ tục khám xét được thực hiện theo quy định tại Điều 195 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Theo đó, khi bắt đầu khám chỗ ở, người khám xét phải đọc lệnh khám và đưa cho đương sự đọc lệnh khám đó; giải thích cho đương sự và những người có mặt biết quyền và nghĩa vụ của họ. Người tiến hành khám phải yêu cầu đương sự đưa ra những đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án, nếu đương sự từ chối thì tiến hành khám.

- Khi khám chỗ ở, địa điểm phải có mặt người chủ hoặc người đã thành niên trong gia đình họ, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng chứng kiến; trong trường hợp đương sự và người trong gia đình họ cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc đi vắng lâu ngày mà việc khám xét không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và hai người láng giềng chứng kiến.

- Không được khám chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp, không thể trì hoãn, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

- Khi tiến hành khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xong.

Như vậy, khi có đủ các căn cứ theo quy định vừa trích dẫn ở trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nói chung và cơ quan công an nói riêng được phép khám xét chỗ ở của công dân mà không cần phải được sự đồng ý hay hợp tác của công dân đó. Việc khám xét phải tuân theo quy định của luật tố tụng hình sự hiện hành; thẩm quyền ra lệnh khám xét quy tại Điều 193 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Tác giả: Quỳnh Lưu (thực hiện)

Nguồn tin: Pháp Luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP