Thể thao

Nữ tuyển thủ cao 1m52 mơ giúp bố mẹ thoát nghèo

Ước mơ lớn nhất của tuyển thủ bóng đá nữ Ngân Thị Vạn Sự là giúp bố mẹ thoát khỏi cảnh lam lũ, có cuộc sống an nhàn hơn.

Ngân Thị Vạn Sự có suất lên tuyển khi mới 19 tuổi

Ngân Thị Vạn Sự - người hùng của tuyển nữ Việt Nam đến với bóng đá từ vùng quê nghèo Thanh Chương, Nghệ An. Ước mơ lớn nhất của cô là giúp bố mẹ thoát khỏi cảnh lam lũ, có cuộc sống an nhàn hơn.

Không cao nhưng ai cũng phải ngước nhìn

Đội tuyển nữ Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị cho hai lượt trận play-off giành vé dự Olympic Tokyo 2020 với Australia diễn ra vào ngày 6/3 và 11/3 tới. Lần đầu tiên trong lịch sử, các cô gái áo đỏ ở gần đấu trường Olympic đến thế và Ngân Thị Vạn Sự là người giúp tuyển nữ Việt Nam tạo nên cột mốc đáng nhớ này. Bàn thắng duy nhất của Vạn Sự vào lưới Myanmar ở vòng loại thứ ba đã đưa đoàn quân dưới quyền HLV Mai Đức Chung giành quyền đi tiếp.

So với các đàn chị ở đội tuyển như: Tuyết Dung, Huỳnh Như, Nguyễn Thị Vạn, Hồng Nhung… Vạn Sự là cái tên gần như vô danh. Cô gái sinh năm 2001 lần đầu được khoác áo đội tuyển ở trận gặp Myanmar nhưng đã kịp để lại dấu ấn đậm nét. Đương nhiên, sau bàn thắng quý như vàng, Vạn Sự không còn vô danh. Đáng chú ý, cô gái quê Thanh Chương, Nghệ An chỉ cao 1m52 nhưng lại làm tung lưới đối thủ bằng một tình huống đánh đầu.

Nhiều đồng đội của Vạn Sự tại CLB bóng đá nữ Hà Nội cho biết, tuy Sự nhỏ con nhưng luôn có lối chơi rất máu lửa, giàu năng lượng. Ngay cả trong các buổi tập, nữ tuyển thủ 19 tuổi cũng là người truyền lửa với những bước chạy không biết mệt mỏi. “Em biết mình thiệt thòi về thể hình nên phải nỗ lực để bù đắp bằng sức mạnh, tốc độ và tư duy chiến thuật. Em chỉ cao 1m52 nhưng lại chơi tiền đạo nên nếu không có sức khỏe, biết cách chọn vị trí và nhanh nhẹn thì rất khó ghi bàn”, Sự nói.

Cô gái sinh năm 2001 tuy nhỏ thó nhưng rắn rỏi, bền bỉ nên ở trường luôn hoàn thành tốt môn thể dục - cơn ác mộng của nhiều bạn nữ. Năm Vạn Sự học lớp 6, nhà trường thành lập đội bóng để dự hội khỏe Phù Đổng, cô là một trong số học sinh được lựa chọn vì điểm thể dục thuộc hàng “top”. Dù đội bóng của trường không đạt thành tích cao nhưng Sự đã lọt mắt xanh của một HLV vốn chịu trách nhiệm tuyển quân cho CLB Hà Nội ở khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh.

Hai năm sau, nữ tuyển thủ thường xuyên tham dự các giải đấu của trường, của huyện và luôn trở thành tâm điểm nhờ khả năng năng săn bàn cực kỳ tốt. Bỗng một ngày, các thày ở CLB Hà Nội đến nhà đặt vấn đề muốn đưa cô ra Hà Nội tập luyện chuyên nghiệp. “Mọi thứ đến quá bất ngờ, bố em ủng hộ nhưng mẹ không muốn em theo nghiệp bóng đá vì sợ con gái phải khổ. Bố phải thuyết phục mấy ngày mẹ mới đồng ý. Năm đó em mới học lớp 8, lần đầu tiên em được ra Hà Nội và không thể ngờ em gắn bó với đội bóng cho tới tận bây giờ”, Vạn Sự nhớ lại.

Vốn có năng khiếu, lại thêm quyết tâm và đức tính chịu thương chịu khó của người miền Trung, Vạn Sự không ngừng tiến bộ về mặt chuyên môn, được lên đội 1 khi mới 16 tuổi. Đến nay, khi mới 19 tuổi, cô gái tới từ vùng quê Thanh Chương đã trở thành trụ cột ở CLB Hà Nội và hứa hẹn tương lai tươi sáng trong màu áo đội tuyển quốc gia.

Nỗi trăn trở với gia đình

Ngân Thị Vạn Sự trong màu áo CLB Hà Nội

Quay lại những ngày đầu Vạn Sự đến với bóng đá chuyên nghiệp, khi cô mới 13 tuổi, phải xa gia đình và đây là thử thách không hề nhỏ. “Khó khăn lớn nhất với em không không phải yếu tố chuyên môn mà là nỗi nhớ nhà. Ở nơi không có người thân, cách xa nhà vài trăm cây số, những ngày đầu em buồn lắm, toàn trốn vào một xó khóc thút thít. Rồi được sự động viên của các thày, dần dần em cũng quen. Nói là quen nhưng nhiều lúc em vẫn nhớ bố mẹ, nhớ anh và chỉ muốn chạy thật nhanh về nhà. Mỗi khi như vậy em lại vùi đầu vào tập luyện”, Vạn Sự chia sẻ.

Có lẽ chính những việc phải tự lập từ khá sớm, trong một môi trường yêu cầu tính kỷ luật cao nên cô gái xứ Nghệ dường như chín chắn, trưởng thành hơn bạn bè cùng trang lứa. 19 tuổi, cái tuổi mà hầu hết các chàng trai, cô gái còn sống cùng mơ ước viển vông thì Sự đã bước đầu tạo dựng được sự nghiệp của riêng mình.

Nhưng dù có là ai đi chăng nữa, với bố mẹ, Sự vẫn bé bỏng, vẫn cần sự che chở. Gia đình làm nông nghiệp, quanh năm chân lấm tay bùn, vợ chồng ông Minh, bà Mùi không có điều kiện ra Hà Nội thăm con thường xuyên, mỗi năm cũng chỉ thu xếp được 1 lần. Nỗi nhớ con, thương con ông bà gói ghém thành những món ăn thi thoảng gửi ra cho con.

“Dù ăn uống ở đội rất đầy đủ nhưng gần như tháng nào bố mẹ cũng gửi đồ ăn cho em. Khi thì là niêu cá kho, khi là lọ cà dầm, khi là hũ nhút. Em thích nhất nhút vì món ăn này mang tính truyền thống quê hương. Ăn nhút em như được trở về tuổi thơ vô lo vô nghĩ”, Sự bộc bạch.

Cô học trò nhỏ của HLV Mai Đức Chung cho biết thêm, mỗi lần nhận đồ ăn bố mẹ gửi ra cô lại thấy thương bố mẹ vất vả, lam lũ: “Chắc bố mẹ ở nhà lại tằn tiện để gửi đồ cho em. Nhà em chỉ làm nông nghiệp, cả gia đình trông vào cây lúa, không có nghề phụ nên kinh tế rất eo hẹp. Anh trai em vì thế sau khi học hết phổ thông phải ở nhà đỡ đần bố mẹ, thi thoảng đi làm thêm để trang trải cuộc sống”.

Thương bố mẹ nên nỗi trăn trở lớn nhất của Vạn Sự là giúp bố mẹ có cuộc sống an nhàn hơn khi về già. “Cuộc sống hiện tại tuy không đến mức quá khó khăn nhưng gia đình em cũng chỉ đủ ăn. Căn nhà cũ xây từ lâu, không được tu sửa. Em hi vọng mình khỏe mạnh, được các thày trao cơ hội thi đấu ở giải đấu lớn và giành thành tích cao để nhận được các khoản thưởng. Toàn bộ em sẽ gửi về cho bố mẹ sửa nhà, xa hơn có thể làm chút vốn kinh doanh thứ gì đó, ổn định cuộc sống. Công việc nhà nông vốn bấp bênh, hơn nữa khi có tuổi thì bố mẹ cũng không thể tiếp tục làm đồng ruộng”, Vạn Sự bộc bạch.

Tác giả: Thanh Hà

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP