Trong tỉnh

Nhóm lao động nào ở Nghệ An sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng?

Người thu gom rác, phế liệu, tài xế xe ôm, thợ xây, người làm trong quán bar, karaoke… ở Nghệ An bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần.

Công nhân môi trường làm việc trên đường phố TP Vinh, Nghệ An trong nắng nóng. Đây là người lao động sẽ được hỗ trợ mức 1,5 triệu đồng/người/lần - Ảnh: DOÃN HÒA

Chiều 11-8, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An cho biết UBND tỉnh vừa ban hành quyết định về hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Đó là những người lao động làm các công việc thu gom rác, phế liệu; bốc vác; vận chuyển hàng hóa bằng xe thô sơ, môtô 2 bánh, xe xích lô, xe ba gác, xe đẩy tại các chợ, nhà ga, cảng sông, cảng biển, cảng hàng không, bến xe; xe ôm, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; bán báo lưu động, đánh giày.

Những người tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (xoa bóp y học, châm cứu), cơ sở làm đẹp (cắt tóc, gội đầu, nail); bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; lái ôtô dịch vụ, phụ ôtô chở khách; thợ hồ, thợ xây.

Người làm công việc thuộc một số dịch vụ không thiết yếu khác phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An, bao gồm quán bar, karaoke, vũ trường, xông hơi, massage, spa, phòng tập gym, yoga, bi-a, dịch vụ trò chơi điện tử, điểm truy cập Internet... cũng thuộc các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh.

UBND tỉnh Nghệ An quy định người lao động được hỗ trợ khi đủ các điều kiện: làm một trong các công việc như trên bị mất việc làm trong thời gian thực hiện cách ly, giãn cách xã hội hoặc tạm dừng các hoạt động dịch vụ không thiết yếu theo văn bản của UBND tỉnh Nghệ An, UBND cấp huyện.

Tại quyết định này, UBND tỉnh Nghệ An quyết định mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần đối với các đối tượng nêu trên. Thời gian hỗ trợ bắt đầu từ ngày 1-5 đến 31-12-2021.

UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu việc hỗ trợ phải bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không trùng lắp, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần bằng tiền mặt; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.

Một lãnh đạo Sở Lao động, thương binh và xã hội Nghệ An cho biết sở đang giao cho các địa phương tổng hợp, báo cáo số người được hỗ trợ, đảm bảo theo các tiêu chí trên để trình UBND tỉnh.

Tác giả: Doãn Hòa

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP