Giáo dục

Nhiều huyện của Nghệ An tiếp tục cho học sinh nghỉ học do mưa lũ

Ngày 30/9, nhiều huyện, thị của Nghệ An như Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Con Cuông, Tân Kỳ, Yên Thành… tiếp tục cho 100% trường nghỉ dạy học do mưa lũ.

Giáo viên cụm xóm Bục, Trường Mầm non Đồng Văn 2 (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) dùng bao cát ngăn không cho nước lũ tràn vào sân.

Huyện Quỳnh Lưu là một trong những địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa lũ lớn nhất của tỉnh Nghệ An. Hiện tuyến quốc lộ 1A đi qua huyện đang bị ngập sâu, hàng loạt phương tiện giao thông bị tắc, không di chuyển được. Các tuyến đường liên xã bị chia cắt, ngập sâu cục bộ nguy hiểm.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, 100% trường học trên địa bàn tiếp tục nghỉ dạy – học. Trong đó, những trường bị ngập sâu, ảnh hưởng cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học như Mầm non Quỳnh Hồng, Tiểu học Quỳnh Diễn, Trường mầm non và Tiểu học Quỳnh Lâm A...

Hai ngày 29 và 30/9, học sinh Trường Tiểu học Quỳnh Lâm B (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) tạm dừng đến lớp do đường giao thông trong xã và trường học ngập nước.

Tương tự, thị xã Hoàng Mai do mưa lớn đêm 29/9 kết hợp với hồ thủy lợi Vực Mấu xả lũ cả 4 cửa vào sáng 30/9 khiến nước sông Mai Giang dâng cao. Nhiều xã, phường bị chia cắt, ngập cục bộ, nguy hiểm cho học sinh đến trường. Các trường học trên địa bàn cũng đã chủ động cho học sinh nghỉ, chờ nước rút đảm bảo an toàn mới dạy học trở lại.

Mưa lớn trong chiều và đêm 29/9 khiến nhiều huyện, thị xã tại Nghệ An tiếp tục ngập sâu, học sinh không thể tới trường.

Còn huyện Con Cuông, ngày 29/9 có trên 90% trường nghỉ dạy học, nhưng hôm nay tất cả học sinh được thông báo dừng tới trường để đảm bảo an toàn. Ông Nguyễn Thanh An – Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Hiện, địa bàn huyện bị ngập lụt diện rộng, đặc biệt là các xã dọc sông Giăng như Môn Sơn, Thạch Ngàn, Lục Dạ.

Bên cạnh đó, các xã 2 bên bờ sông Lam cũng gặp nguy hiểm như Lạng Khê, Yên Khê, Chi Khê, Bồng Khê, thị trấn Con Cuông... Những nơi khác khe suối cũng dâng cao, chảy xiết do nước từ thượng nguồn và theo dòng chảy trên núi đổ xuống. Khi tình hình ổn định, giao thông thuận lợi, an toàn, các trường sẽ chủ động cho học sinh đến lớp.

Nhiều giáo viên trắng đêm đến trường kê cao và di dời đồ dùng, máy móc, thiết bị dạy học lên nơi an toàn.

Tại huyện Tân Kỳ, tất cả trường mầm non và phổ thông cũng đang nghỉ học dạy học. Qua thống kê ban đầu của Phòng GD&ĐT huyện, cơ sở vật chất các nhà trường cơ bản an toàn, không thiệt hại nặng. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường sạt lở, nước qua sông suối, cầu tràn dâng cao gây nguy hiểm.

Trường Mầm non Đồng Văn 2 (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) nước vẫn ngập sâu sân trường. Hiện qua kiểm tra, máy bơm nước của trường bị hư hỏng. Đồ dùng đồ chơi cho trẻ bị ngâm nước.

Các xã Giai Xuân, Nghĩa Bình, đường đến các trường học qua tràn Kẻ Mui, Khe thần đang sạt lở nặng, nước chảy xiết, không thể qua lại. Đường quốc lộ 48E qua xã Nghĩa Hoàn, Nghĩa Thái có nhiều đất đá trên núi theo nước lũ tràn xuống. Tuyến đường từ thị trấn Lạt vào xã Tân An và Đồng Văn qua cầu khe Sanh bị ngập sâu… Riêng một số điểm trường mầm non của xã Đồng Văn, Kỳ Tân bị nước ngập vào trong sân, còn trường học xã Nghĩa Hành bị đất đá núi sạt lở tràn vào trong phòng học, bếp ăn bán trú.

Tuyến quốc lộ 48E từ thị trấn Lạt đi xã Đồng Văn, Tân An (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) bị sạt lở nặng, chưa thông đường, giáo viên và học sinh chưa thể tới trường.

“Phòng đã giao cho các trường chủ động kế hoạch dạy học và thông báo cho học sinh nghỉ học khi giao thông vẫn đang chia cắt, ngập lụt cục bộ nguy hiểm. Để hạn chế ảnh hưởng, thiệt hại do mưa lũ, nhiều trường cũng đã kê cao đồ dùng, thiết bị dạy học, di chuyển lên khu vực khô ráo an toàn. Sau khi nước rút sẽ dọn dẹp vệ sinh, phun khử khuẩn phòng dịch bệnh, triển khai dạy học trở lại và có kế hoạch dạy bù kiến thức cho học sinh”, ông Phạm Tân Phương – Phó trưởng Phòng GD&ĐT Tân Kỳ cho hay.

Lũ trên sông suối dâng nhanh khiến nhiều trường học tại huyện Thanh Chương, Nghệ An "không kịp trở tay", nhiều tài liệu, sách vở bị ngâm nước.

Tại huyện Thanh Chương, do lũ dâng nhanh, nhiều trường học ở khu vực gần sông, khe suối “trở tay không kịp” khi nước tràn vào phòng học. Cô Trịnh Thị Thanh Hải – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Ngọc cho biết: “Trường nằm cạnh con khe, nên khi mưa lớn, nước lũ lên từng bậc trông thấy và tràn vào phòng học, phòng chức năng… Thời điểm lũ lên cao nhất, trường chúng tôi ngập sâu tới 1 mét. Thiệt hại lớn nhất là 15 bộ máy tính ở phòng Tin học dù đã di dời nhưng đã bị dính nước, khả năng hư hỏng, không sử dụng được nữa”.

Máy tính trong phòng Tin học của Trường Tiểu học Thanh Ngọc (huyện Thanh Chương, Nghệ An) bị thấm nước. Hiện nhà trường đã di chuyển đến nơi an toàn nhưng nguy cơ hư hỏng cao.

Trong khi đó, Trường Tiểu học Thanh Tiên, Thanh Đức, Thanh Tùng bị đổ sập tường rào, bờ kè xung quanh dãy phòng học và còn nhiều đoạn bị rạn nứt, nguy cơ tiếp tục gãy đổ.

Bờ kè và tường rào sau phòng học của Trường Tiểu học Thanh Đức (huyện Thanh Chương, Nghệ An) bị đổ sập sau lũ.

Trường Tiểu học Võ Liệt (Thanh Chương) nằm cạnh sông Lam, mùa mưa bão hàng năm đều có nguy cơ ngập lụt khi nước từ thượng nguồn đổ về. Đã có kinh nghiệm, nên khi bắt đầu mưa lớn, nước lên, Ban giám hiệu đã huy động giáo viên khu vực gần trường đến di dời một số bàn ghế, máy móc lên khu vực cao hơn, tránh bị hư hỏng. Cô Nguyễn Thị Lan Anh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Để bảo vệ tài sản cho nhà trường, các giáo viên đã gần như thức trắng đêm để di dời các đồ dùng học tập. Khi nước rút dần, giáo viên nhà trường và phụ huynh cùng nhau dọn dẹp, vệ sinh để sớm đón học sinh trở lại".

Có kinh nghiệm sau nhiều mùa lũ, Trường học vùng lụt xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, Nghệ An đã huy động giáo viên, phụ huynh chung tay "nước rút tới đâu, dọn dẹp vệ sinh tới đó".

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Nghệ An, đến ngày 30/9, hoàn lưu sau bão số 4 gây mưa lớn, nhiều huyện, thị xã ngập lụt nặng nên đang cho 100% trường học tạm nghỉ hoạt động như Quỳnh Lưu, Yên Thành, Tân Kỳ, Con Cuông, Hoàng Mai... Các nhà trường thông báo, phối hợp với gia đình, chính quyền địa phương truyên truyền, nhắc nhở học sinh trong thời gian nghỉ không đến vùng nước sâu, nguy hiểm. Sau khi nước rút tổ chức dọn dẹp, vệ sinh, phòng dịch bệnh và đón học sinh trở lại trường.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP