Kinh tế

Người Việt mua quần áo, thực phẩm qua mạng tăng mạnh từ Tết Dương lịch

Doanh số bán hàng thời trang, thực phẩm 2-3 tuần trước Tết thường tăng mạnh và càng gần Tết càng giảm. Ngược lại, các gói du lịch lại bán chạy sau đó.

Doanh số kinh doanh trực tuyến bắt đầu tăng trưởng từ khoảng 3/1 (năm dương lịch) đến khoảng 5 ngày đầu tiên của năm mới âm lịch.

Hai nhóm hàng là thời trang và thực phẩm có sự tăng trưởng mua sắm trực tuyến mạnh mẽ nhất vào dịp Tết. Trong đó, thời trang tăng 68,5%, thực phẩm tăng 51%. Đây là số liệu vừa được Công ty công nghệ tiếp thị thương mại Criteo công bố trong một nghiên cứu về hành vi mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng Việt Nam dịp Tết âm lịch. Nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng bắt đầu chuẩn bị cho Tết từ đầu năm dương lịch.

Tuy nhiên, từ ngày 23 tháng Chạp trở đi, mua sắm trực tuyến lại giảm sút và kéo dài hết giai đoạn Tết âm lịch, kể cả sức mua hàng thực phẩm.

Người Việt mua sắm hàng thời trang và thực phẩm tăng mạnh nhất dịp Tết. Ảnh: Lê Hiếu.

Ngược lại, các gói du lịch lại có sức mua tăng mạnh sát Tết đến sau mùng 2 Âm lịch. Doanh thu du lịch trực tuyến tăng 52% trong thời điểm từ mùng 2 Tết đến cuối tháng Giêng.

Đơn vị nghiên cứu cho biết truyền thống mua sắm quần áo, thực phẩm bằng cách đến cửa hàng vẫn được người dân Việt Nam duy trì vào dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, người dùng bắt đầu có xu hướng mua sắm trực tuyến nhiều hơn.

Việc sụt giảm doanh số bán hàng trực tuyến (trù du lịch) những ngày cận Tết cho thấy người tiêu dùng dành thời gian cho gia đình và bạn bè nên dẫn đến việc ít mua sắm trực tuyến. Điều này rất quan trọng cho các nhà bán lẻ và các thương hiệu cần chú ý.

Theo ông Alban Villani, Tổng giám đốc của Criteo khu vực Đông Nam Á, Hong Kong và Đài Loan, hình thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng phổ biến. Nhiều nhất là trên các ứng dụng di động. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp thương mại cần tập trung ngân sách và nền tảng để tận dụng cơ hội vào thời điểm này.

Hãng này cũng khuyến cáo, để tiếp cận được những người mua hàng sở hữu nhiều thiết bị và sử dụng nhiều kênh, đòi hỏi các doanh nghiệp phải sử dụng các tập dữ liệu cả online và offline.

"Với những người tiêu dùng trực tuyến họ thường mua sắm nhiều vào khoảng 2 đến 3 tuần trước Tết âm lịch. Các nhà bán lẻ cần quảng cáo và giới thiệu từ 3 đến 4 tuần trước để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Hình thức quảng cáo tốt nhất các hãng bán lẻ trực tuyến cần chú ý là đầu tư trên tất cả các nền tảng từ giữa tháng 1 Dương lịch", ông Alban Villani chia sẻ.

Nghiên cứu trên dựa vào phân tích 3,5 triệu giao dịch trực tuyến được tập hợp từ các nhà cung cấp thương mại lớn trên mạng, bao gồm các nền tảng như ứng dụng di động, website trên máy tính và di động, ở các quốc gia Singapore, Đài Loan và Việt Nam trong giai đoạn trước, trong và sau Tết âm lịch.

Tác giả: Hiếu Công

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP