Trong tỉnh

Người mẹ nuôi có tấm lòng Bồ Tát

Mặc dù đã có 7 người con, trong đó một con bị tật nguyền, lại nghèo khó nhưng vợ chồng bà Nguyễn Thị Xuân vẫn dang rộng vòng tay chở che đứa trẻ tội nghiệp bị bỏ rơi với bao bệnh tật hiểm nghèo.

Người mẹ giàu lòng nhân ái

Chúng tôi tìm đến gia đình bà Nguyễn Thị Xuân (SN 1964) ở xóm Hưng Thịnh 2, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) trong tiết trời se lạnh. Hình ảnh người phụ nữ tóc đã ngả hai thứ màu đang ân cần đút cháo, sữa cho cậu con út đặc biệt trông thật xúc động. Nhìn em bé cố gắng gọi “Mẹ ơi!” nhưng không cất thành tiếng khiến ai chứng kiến cũng không cầm được nước mắt.

Vợ chồng bà Xuân sinh được 7 người con nhưng vẫn nhận nuôi Nguyễn Bảo Cung (SN 2011) - đứa con thứ 8 từ thuở mới lọt lòng. Trước khi gặp vợ chồng bà Xuân, cậu bé bị mẹ đẻ bỏ rơi trên hè phố. Một gia đình hiếm muộn nghe tin đã nhận nuôi. Nhưng, sau khi đưa xuống bệnh viện kiểm tra, phát hiện cháu bé bị đa dị tật bẩm sinh, sứt môi, hở hàm ếch, tắc hai dây thanh quản, nhiễm trùng nặng và không có lưỡi, họ đã từ bỏ ý định ban đầu.

Bà Nguyễn Thị Xuân và hai đứa con tật nguyền. Ảnh: Nhân Đức

“Cháu Cung đến với gia đình tôi cũng là duyên số, dù không quen biết, nhưng một sợi dây tình cảm vô hình cứ níu giữ hình ảnh đứa trẻ bị bỏ rơi. Cuối cùng, vợ chồng tôi quyết định nhận cháu làm con" - bà Xuân nhớ lại.

Hôm ấy, khi đi chợ nghe mọi người kháo chuyện về một đứa trẻ bệnh tật bị bỏ rơi, bà Xuân liền tất tả chạy bộ về nhà trao đổi với chồng về ý định nhận nuôi bé, may thay, chồng bà đồng ý. Nghe vợ kể lại, ông Nguyễn Trọng Vĩnh (chồng bà Xuân) liền nói: “Nhận nó làm con đi em. Mình nuôi được ngày nào hay ngày đó”.

Ngày hôm sau, hai vợ chồng chở nhau xuống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Lần theo hành lang Khoa Sản, ông bà bắt gặp một chiếc nôi, trong đó một hài nhi bé bỏng đang thoi thóp, khát sữa, khóc ré lên và bé chỉ im lặng khi bà Xuân cúi xuống xoa đầu, cưng nựng, vỗ về... Từ đó, cậu bé trở thành con của mẹ Xuân và bố Vĩnh, được đặt tên là Bảo Cung.

Bà Nguyễn Thị Xuân thường xuyên lo lắng về các khoản chi phí thuốc men cho hai con.

Mấy tháng đầu, Bảo Cung đau ốm liên tục, vợ chồng bà Xuân bỏ cả việc nhà, việc đồng áng để chữa trị. Vì chưa kịp làm giấy khai sinh nên cậu bé không được hưởng các chế độ bảo hiểm mỗi khi đến viện, chi phí hoàn toàn do gia đình lo liệu. “Quãng thời gian đó gia đình phải vất vả chạy khắp nơi mới vay được 45 triệu đồng đóng viện phí cho con” - ông Vĩnh nhớ lại.

Thời gian ấy, nhiều lần Bảo Cung bị khó thở khiến toàn thân tím tái, mềm nhũn, đã có lần bác sỹ thông báo gia đình chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất. Nhưng rồi, phép màu đã đến, đứa trẻ ấy lại cựa quậy, hồi sinh. Bao nhiêu ngày sóng gió bên đứa con là bấy nhiêu ngày vợ chồng bà Xuân sống trong nơm nớp lo âu xen lẫn những giọt nước mắt thương con, rồi hạnh phúc khi con hồi tỉnh.

Bà Xuân chia sẻ: “Vợ chồng tôi làm nông, thu mua thêm con lươn kiếm ít đồng tiền lời, nhà lại đông con nên cứ đầu tháng lại lo chuyện tiền sữa cho đứa út. Do vậy, chúng tôi lại phải cày cuốc, làm việc nhiều hơn. Trời thương nên cho hai vợ chồng tôi sức khỏe để làm việc”.

Bà Xuân chăm sóc con gái bị bại não. Ảnh: Nhân Đức

Điều đáng nói là đứa con gái thứ 7 của vợ chồng bà Xuân lại bị bệnh viêm não, phải đến viện chữa trị như cơm bữa. Kinh tế gia đình lại không khá giả, đã nhiều lần có người khuyên gia đình đừng nhận nuôi Bảo Cung, vì "sẽ không kham nổi". Nhưng nhìn đứa bé quá tội nghiệp, hai vợ chồng không đành lòng chối bỏ...

Niềm mong mỏi cho tương lai

Khó khăn được giảm bớt phần nào khi Bảo Cung được tiến hành phẫu thuật nâng hàm tại Bệnh viện Trung ương Huế. Em bắt đầu tập làm quen với những món ăn mềm như cháo, hồ. Nhờ thế, vợ chồng ông Vĩnh giảm bớt được chi phí mua sữa. Thế nhưng, để nuôi hai đứa con bệnh tật, ốm yếu, hàng ngày đôi vợ chồng ấy vẫn phải lao lực làm việc.

Sau 7 năm với bao sóng gió, cậu bé Bảo Cung ốm yếu ngày nào giờ đã khỏe mạnh, lanh lợi hơn. Giờ đây, nếu có dịp gặp gỡ, không ai có thể hình dung được 7 năm trước cậu bé này từng bị bỏ rơi ở bên đường, rốn còn chưa kịp cắt, cơ thể bầm tím, nằm thoi thóp thở.

Cháu Bảo Cung nay đã 7 tuổi nhưng vẫn phải đeo ống trợ thở. Ảnh: Nhân Đức

Bà Xuân cho biết: "Nhìn chúng bạn cùng lứa đi học, Cung khao khát lắm, thế là vợ chồng tôi tạo điều kiện cho con đến lớp". Thế nhưng, vì bệnh tật nên chế độ ăn của Cung đặc biệt hơn các bạn, và việc cháu phải treo ống trợ thở ở cổ khiến một số bạn vô tình gỡ ra, ảnh hưởng đến đường thở nên được 1 tháng đến trường Cung phải nhập viện. Vậy nên, vợ chồng ông Vĩnh đành chấp nhận để con ở nhà.

Niềm hy vọng được nhen nhóm về một cuộc sống lành lặn cho Bảo Cung đã đến khi có một bác sỹ Việt Nam hiện đang làm việc ở Mỹ hứa sẽ tìm chuyên gia để tiến hành ghép lưỡi cho Bảo Cung. Theo lịch trình, ngày 22/10 tới họ sẽ liên hệ với gia đình để tiến hành ca phẫu thuật. “Vợ chồng tôi hy vọng ca phẫu thuật thành công, như vậy cháu có thể nói và ăn uống dễ dàng hơn”, bà Xuân tâm sự.


Tác giả: Nhân Đức

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP