Trong tỉnh

Nghệ An: Nhức nhối tình trạng bán đất rừng dẫn đến nhiều hệ lụy

Một vấn đề khiến đại biểu các huyện miền núi Nghệ An kiến nghị trong phiên thảo luận cuộc họp HĐND tỉnh là tình trạng người dân bán đất rừng. Từ đó, nó gây ra rất nhiều hệ lụy cho người dân.

Tại phiên thảo luận tổ Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII, ngoài các vấn đề kinh tế, xã hội, nhiều đại biểu đã tập trung phản ánh về vấn đề bán đất rừng ở các huyện miền núi.

Theo các đại biểu, vấn đề nhức nhối hiện nay ở các huyện miền núi tỉnh Nghệ An là tình trạng bán đất lâm nghiệp diễn ra nhiều. Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh Nghệ An, riêng 5 huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông và Tương Dương đã có 1.243 hộ dân bán đất lâm nghiệp với tổng số 8.577ha.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu.

Tuy nhiên, việc mua bán, chuyển nhượng này không thông qua chính quyền địa phương nên không quản lý được. “Việc mua bán đất lâm nghiệp sẽ dẫn đến tình trạng người dân không có đất sản xuất, trong khi đó người mua sẽ phá rừng để trồng mới, dẫn đến hệ lụy dân sẽ phá rừng để có đất sản xuất. Đó là một vòng luẩn quẩn mà người dân miền núi khó thoát khỏi”, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói.

Đại biểu Cầu cũng có kiến nghị, cần kiểm tra lại số liệu này để tập trung xử lý một cách căn cơ, nếu không người dân chúng ta càng ngày càng bần cùng hóa. Đề nghị các huyện điều tra cho kỹ, đừng để tình trạng dân chúng ta sống ở đấy hàng nghìn đời mà bây giờ không có đất sản xuất. “Không có đất sản xuất, không có tư liệu sản xuất thì người dân lấy gì mà sinh sống?”, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu trăn trở.

Tại phiên thảo luận, cử tri các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn cũng phản ánh quy hoạch rừng phòng hộ lấy đất quá rộng, trong khi đó dân không có đất sản xuất. Thẩm quyền để phê duyệt quy hoạch này là của UBND tỉnh Nghệ An. Trong đó có UBND cấp huyện có tham gia bàn bạc, thảo luận, sở NN&PTNT thống kê, trình bày quy hoạch. Hoàn thành quy hoạch ở cơ sở mới chuyển ra cấp Trung ương, bộ NN&PTNT phê duyệt.

Cũng liên quan đến vấn đề giao đất rừng cho người dân, đại biểu Nguyễn Đình Minh, thành viên ban Dân tộc HĐND tỉnh phản ánh những kiến nghị của cử tri tại Quỳ Châu. Ông cho biết, đến nay, rất nhiều hộ dân chưa được hưởng những hỗ trợ theo Nghị định 163 của Chính phủ về giao đất lâm nghiệp cho người dân hay Nghị định 75 của Chính phủ về cơ chế chính sách khoanh nuôi bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập gắn với chính sách giảm nghèo bền vững. Đại biểu đề nghị sớm đưa ra giải pháp, giúp người dân miền núi có thể sống được bằng nghề rừng.

Ngoài vấn đề bán đất rừng, các đại biểu còn quan tâm đến vấn đề giao đất cho người dân sản xuất. Theo đại biểu huyện Kỳ Sơn, diện tích tự nhiên của huyện này lớn nhất tỉnh, tuy nhiên diện tích đất được giao cho các hộ dân lại chiếm rất ít. Người dân trong huyện chỉ được giao 17.000ha đất để sản xuất là không đủ, trong khi đó có tới hơn 41.000 đất rừng thuộc các rừng phòng hộ nhưng lại không còn rừng. Đất rừng mà không có rừng thì đề nghị giao cho người dân sử dụng để sản xuất.

Đại biểu Lô Minh Hoạt kiến nghị trong buổi thảo luận.

Việc không có đất sản xuất khiến người dân, đặc biệt là thanh niên phải rời quê hương đi làm ăn. Hiện, toàn huyện Kỳ Sơn có hơn 5.000 thanh niên không có mặt tại địa phương, nhiều bản làng trắng thanh niên”, ông Lô Minh Hoạt, đại biểu huyện Kỳ Sơn cho biết.

Về vấn đề trên, đại diện sở TN&MT Nghệ An trả lời kiến nghị của các đại biểu, việc quy hoạch rừng có nhiều bất cập nhưng chưa được điều chỉnh. Theo quy định đất rừng phòng hộ và rừng sản xuất không giao cho hộ cá nhân mà giao cho các tổ chức. Vì vậy muốn chuyển 41.000ha rừng phòng hộ cho các hộ dân, sở NN&PTNT tỉnh phải rà soát, điều chỉnh từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất thì mới có cơ sở để thu hồi và giao cho hộ dân.

Những vấn đề các đại biểu nêu trên sẽ được đưa ra chất vấn trong buổi họp chiều nay và sáng mai.

Tác giả: Hà Hằng

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP