Giáo dục

Nghệ An giải bài toán thiếu hụt giáo viên dạy nghề

Theo rà soát sơ bộ của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Nghệ An, hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An còn thiếu hơn 200 giáo viên dạy nghề. Thiếu giáo viên trầm trọng, nhưng có một nghịch lý là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không thể tuyển dụng hoặc đã tuyển cũng không “giữ chân” được những giáo viên dạy nghề có trình độ chuyên môn giỏi.

Không thể mở rộng quy mô đào tạo

Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, tính đến cuối năm 2020, tổng số nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An là 2.719 người, trong đó, biên chế: 1.378 người, chiếm 50,68%; hợp đồng: 1.341 người, chiếm 49,32%. Vừa qua, đoàn giám sát Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Nghệ An làm việc với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An về công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chỉ ra rằng, đội ngũ nhà giáo dạy nghề thiếu trầm trọng, nhất là đội ngũ nhà giáo cơ hữu.

Nhà giáo đạt chuẩn kỹ năng nghề chỉ đạt 50,57%. Hầu hết các trường dạy nghề đều thiếu đội ngũ nhà giáo lành nghề, chuyên sâu để giảng dạy một số nghề mới, nghề kỹ thuật công nghệ cao, chương trình đào tạo mới, chương trình đào tạo tiên tiến theo chuẩn quốc tế. Cá biệt, một số trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên không có giáo viên dạy nghề.

Tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc (Nghệ An), hiện có 107 giáo viên dạy nghề với 14 ngành, đào tạo 2.700 sinh viên. Trong những năm gần đây, nhà trường có số lượng tuyển sinh lên hơn 3.000 sinh viên, nhưng vì không tuyển được giáo viên nên không thể tăng quy mô đào tạo.

Giờ thực hành tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (Nghệ An).

Thầy Hồ Văn Đàm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc cho biết: “Trong 5 năm trở lại đây, nhà trường không tuyển được giáo viên, đặc biệt là các ngành “hot” như: Điện lạnh, cơ khí, công nghệ ô tô... Thiếu giáo viên đã làm ảnh hưởng đến công tác đào tạo, giảng dạy của trường. Nhà trường muốn mở rộng quy mô đào tạo cũng không được bởi không có giáo viên. Để đáp ứng nhu cầu dạy học, các giáo viên phải dạy thêm giờ, lấy thời gian nghiên cứu khoa học để dạy học, bảo đảm thời lượng”.

Hai năm nay, Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật số 1 Nghệ An đăng thông tin tuyển dụng giáo viên trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng vẫn chưa tuyển được. Nhà trường có 24 giáo viên với 5 ngành nghề và đang đào tạo hơn 900 sinh viên, trung bình 5 giáo viên đảm nhận một ngành nghề dạy học. Với lực lượng mỏng, mỗi giáo viên phải dạy gấp đôi, thậm chí gấp ba tiêu chuẩn thời lượng để sinh viên theo kịp chương trình. Hằng năm, tiêu chuẩn dạy 616 giờ/năm nhưng các giáo viên phải dạy lên đến hơn 1.000 giờ/năm.

Thầy Trần Ngọc Quang, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật số 1 Nghệ An chia sẻ: “Nhẩm tính đến năm 2030-2035, nhà trường chỉ còn 10 giáo viên bởi không tuyển được giáo viên mới. Thực trạng nguồn giáo viên thiếu kéo dài nhiều năm nay nên nhà trường rất vất vả trong việc phân bổ thời gian và chạy đua với thời lượng. Chúng tôi vẫn thường nói với nhau: Mong sao cho giáo viên đều khỏe mạnh chứ có một thầy cô nào ốm đau, bệnh tật là cả lớp đó phải nghỉ vì không có người dạy thay”.

“Chảy máu chất xám” giáo viên dạy nghề

Khác với giáo viên phổ thông, một giáo viên dạy nghề có chất lượng, ngoài tiêu chuẩn tốt nghiệp đại học cần có các kỹ năng nghề, chứng chỉ nghề, nghiệp vụ sư phạm, các kỹ năng công nghệ thông tin, ngoại ngữ và cập nhật kiến thức mới. Giáo viên dạy nghề dạy 30% lý thuyết, 70% thực hành nghề và trước khi dạy cho sinh viên phải làm mẫu. Nếu không có những kỹ năng trên thì rất khó để trở thành giáo viên dạy nghề. Trở thành một giáo viên dạy nghề đã khó, để tuyển dụng được giáo viên dạy nghề càng khó và giữ chân được những giáo viên có kỹ năng nghề giỏi lại khó khăn gấp bội.

Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh có 170 nhà giáo dạy nghề bỏ ra ngoài làm việc, trong số này chủ yếu là giáo viên hợp đồng. Đơn cử như Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc, từ năm 2016 đến nay, có 13 giáo viên bỏ nghề để làm việc cho các doanh nghiệp hoặc đi xuất khẩu lao động. Hay như Khoa Công nghệ hàn của Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật số 1 Nghệ An, trong 3 năm trở lại đây, đã có 3 nhà giáo chuyển nghề để tìm công việc tốt hơn.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thiếu hụt giáo viên dạy nghề là thu nhập thấp, không bảo đảm cuộc sống. Một sinh viên học nghề vừa ra trường đã có mức lương khởi điểm 7-8 triệu đồng/tháng, trong khi một giáo viên dạy nghề lương cơ bản khởi điểm chỉ 3-4 triệu đồng/tháng. Chưa kể đội ngũ trẻ có tay nghề kỹ thuật khi xuất khẩu lao động sang các nước phát triển có thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng/tháng. Làm cho các doanh nghiệp lớn trong nước, thu nhập của đội ngũ kỹ thuật từ 15 đến 30 triệu đồng/tháng.

Sự chênh lệch về thu nhập dẫn đến thiếu hụt và “chảy máu chất xám” đội ngũ giáo viên dạy nghề. Mặt khác, cơ chế tuyển dụng giáo viên dạy nghề rất khó. Định biên tuyển dụng giáo viên dạy nghề vẫn theo quy định “ra 2 vào 1”, tức là hai giáo viên về hưu mới tuyển được một người vào. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉ được ký hợp đồng giáo viên ngắn hạn từ 3 năm trở lại, không ký hợp đồng lâu dài nên việc thiếu giáo viên ngày càng trầm trọng, đặc biệt không thu hút giáo viên dạy nghề trẻ, có tay nghề giỏi để kế cận.

Thực trạng thiếu giáo viên dạy nghề tại Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật số 1 Nghệ An đã kéo dài 5-6 năm nay. Việc tuyển dụng đã khó trong khi rất nhiều trường hợp giáo viên dạy nghề hợp đồng được một thời gian, thậm chí biên chế rồi vẫn bỏ nghề để tìm một công việc tốt hơn, bởi lương giáo viên dạy nghề đã thấp lại còn bấp bênh khi không được xác định làm việc lâu dài. Để khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám” giáo viên dạy nghề, các trường đã dùng nhiều biện pháp để “chiêu mộ”, nhưng vẫn không thể “giữ chân” được những giáo viên trẻ, có tay nghề, trình độ chuyên môn giỏi.

Thầy Trần Ngọc Quang cho hay: “Chúng tôi cũng đã đào tạo được một số sinh viên có trình độ, tay nghề giỏi để giữ lại đào tạo chứng chỉ sư phạm, đãi ngộ các chế độ khi thực tập làm giáo viên cho nhà trường, nhưng khi đi thực hành tại những doanh nghiệp, các em đã chọn ở lại làm việc cho doanh nghiệp hoặc đi xuất khẩu lao động mà không quay về trường làm giáo viên giảng dạy”.

“Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên dạy nghề, việc tinh giản biên chế ở giáo dục nghề nghiệp cần có đặc thù, không thể cứng nhắc “ra 2 vào 1”. Thay vào đó, tỉnh cần có cơ chế linh hoạt hơn, chẳng hạn như “ra 1 vào 1”. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần rà soát lại, bổ sung những hợp đồng lâu dài giúp giáo viên yên tâm công tác, nghiên cứu cải thiện chế độ lương, thu nhập cho đội ngũ giáo viên dạy nghề để thu hút những giáo viên có tay nghề cao, trình độ chuyên môn giỏi”, thầy Hồ Văn Đàm kiến nghị.

Nguồn nhân lực chất lượng cao phụ thuộc lớn vào đội ngũ giáo viên dạy nghề. Do đó, tỉnh Nghệ An cần nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù về tuyển dụng, cải thiện chế độ lương, thu nhập giúp các giáo viên dạy nghề yên tâm công tác và về lâu dài tìm lời giải cân bằng cho “bài toán” thiếu hụt đội ngũ giáo viên dạy nghề.

Tác giả: HOÀNG HOA LÊ

Nguồn tin: Báo Quân đội nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP