Cộng đồng mạng

Mâm cơm Tết ngập thịt bò Wagyu hảo hạng, "chỉ người có tiền mới dám ăn" của nàng dâu Nhật

Ngoài bánh Mochi, mì Soba... truyền thống vào dịp Tết ở Nhật, năm nay gia đình chị Thúy "đổi gió" với món thịt bò hảo hạng của xứ anh đào.

Mâm cơm Tết của nàng dâu nhà giàu tại Nhật

4 năm qua, chị Bùi Ngọc Thúy (35 tuổi, quê Đồng Nai) đón cái Tết ấm áp cùng gia đình nhà chồng tại Nhật Bản. Khác với Việt Nam, Nhật Bản chỉ đón Tết tây, tính theo ngày dương lịch là 1/1.

"Đêm giao thừa, sau phút bước sang năm mới, cả gia đình mình sẽ ăn mì Soba, món ăn mang ý nghĩa cầu chúc sống trường thọ. Thường vào mùa đông sẽ ăn mì nóng.

Trong túi mì có sẵn hết rồi, chỉ cần luộc mì và nước soup có sẵn nấu giống mì gói thôi à. Người ta chỉ ăn món này vào nửa đêm giao thừa và vài ngày Tết sau đó", chị Thúy cho biết.

Gia đình chị Thúy ăn mì Soba vào ngày đầu năm mới

Nếu Việt Nam có món bánh tét, bánh chưng thì ngày Tết của Nhật không thể thiếu món bánh mochi. Đây là loại bánh được làm từ bột gạo nếp, hấp lên rồi giã nhuyễn tạo thành khối dẻo. Đến khi khô, bánh sẽ được cắt ra thành khoanh, đợi ngày Tết đem nướng và thưởng thức.

Gia đình chị Thúy vốn làm nông, trồng lúa nước nên mọi nguyên liệu của bánh mochi đều được tận dụng sẵn. Ngày cuối năm, nàng dâu không phải vất vả làm cơm cúng cầu kỳ như Việt Nam. Mâm cơm Tết chỉ cần 1 bát nước canh soup, 1 đĩa dưa món, bánh mochi để đặt lên bàn thờ vào đêm 30 và 3 ngày Tết.

Đặc biệt năm nay, gia đình chị Thúy còn kinh doanh thêm thịt bò Wagyu nên mâm cơm được bổ sung thêm nhiều đạm.

"Nhà mình sắp sửa kinh doanh thêm thịt bò Wagyu của Nhật nên nhà lúc nào cũng có sẵn thịt hết, mà toàn ăn loại ngon, loại đặc biệt nhất, chỉ người có tiền mới dám thưởng thức.

Tính ra miếng 150-200gram phi lê, đi vào siêu thị hoặc tiệm ăn thì strị giá khoảng chừng 3 man (~6 triệu VNĐ). Nhà mình chuẩn bị bán nên bất cứ phần nào ngon, dở nên tụi mình đều được thưởng thức và ăn thử", chị Thúy nói.

Thịt bò Wagyu – loại thịt bò có giá thành đắt đỏ trong mâm cơm Tết nhà chị Thúy

Sang làm dâu tại xứ người, chị được gia đình chồng giao cai quản nông trại 50ha trồng các loại rau, củ, quả. Thỉnh thoảng vợ chồng chị Thúy lại đi gặp đối tác, được thưởng thức những món mỹ vị, dành cho tầng lớp thượng lưu ở Nhật.

"Tụi mình là người kinh doanh nên đi gặp khách cũng hay ăn món đặc sản, ví dụ lưỡi bò, cua hoàng đế, sasimi. Hay như quán sushi đắt nhất của Nhật, lần rẻ nhất là 24 triệu, chưa tính tiền nước. Có đợt chồng mình đi trả hết 120 triệu/4 người. Chỗ đó không phải có tiền là vào ăn được đâu nha, phải đặt trước bao nhiêu tháng trời mới có chỗ như vậy", chị Thúy kể.

Gia đình chị Thúy cùng nhau làm bánh mochi đón Tết

Đem tục xông đất sang xứ người

4 năm làm dâu, chị Thúy thấy nhàn vì mọi thủ tục, nghi thức ngày Tết đều được tối giản hóa. Trước ngày giao thừa, cả gia đình sẽ cũng dọn dẹp nhà cửa, riêng trên bàn thờ thần Rắn chỉ có người đàn ông làm chủ gia đình được lau dọn, trưng bày Kagami-mochi (mâm bánh dày) thay cho mâm ngũ quả giống Việt Nam.

Tết bên Nhật sẽ không sắm đào mai mà chỉ chưng bông hoặc Shimekazari, được ghép từ 3 cây tre, xung quanh trang trí bằng để treo lên trước cửa chính của gia đình.

Shimekazari được treo trước cửa và bàn thờ trang trí ngày Tết

3 ngày Tết, gia đình chị Thúy sẽ đi đền thờ thần Rắn để cầu một năm an lành, hạnh phúc. Cũng giống như Việt Nam, các gia đình tại Nhật có nhu cầu cũng sẽ làm lễ giải hạn, xua đuổi xui xẻo, rước may mắn về.

"Tết mình cũng cần vất vả nấu nướng. Mẹ chồng và ba chồng mình thích ăn mochi, giống người Việt Nam thích ăn bánh chưng bánh tét vậy. Còn vợ chồng mình thì ăn tùy sở thích, ăn như bình thường. Gia đình chỉ nghỉ mùng 1 thôi còn mùng 2, 3, khách đã đông nên quay lại công ty làm việc rồi.

Đêm 30 mình chỉ làm tục xông đất của Việt Nam thôi. Tại bên Nhật người già rất nhiều, đầu năm đầu tháng họ vô giậm đất rất chậm chạp. Nên thường để không có vấn đề gì xảy ra, nhà mình thường đi ra ngoài đêm giao thừa, đến khi gần đêm giao thừa điểm sau 1 - 2 phút sẽ về nhà và xông đất luôn. Ở Nhật không có tục này đâu!".

Chị Thúy đem tục xông đất qua Nhật Bản

Chị Thúy tâm sự, kể từ ngày chị qua đây, gia đình chồng làm ăn phát đạt, thịnh vượng. Bản thân chị Thúy sinh năm Bính Dần, nhưng bố mẹ chồng chưa bao giờ có định kiến với cô con dâu tuổi Hổ. Thế nhưng chị lại rất tin câu nói "con gái tuổi Dần cao số".

"Ở Việt Nam có câu vượng phu ích tử, nên khi mình sang đây, gia đình chồng làm ăn phát đạt, may mắn lắm nên anh và ba mẹ chồng rất nể. Nên nhiều khi mình bày tỏ ý kiến hay nói gì thì mọi người cũng lắng nghe.

Mình khá tin vào câu con gái tuổi Dần cao số. Bản thân mình cũng phải nghị lực, tự lập phải lo cho gia đình rất nhiều. Cái số mang vận mệnh phải lo cho người khác, suy nghĩ cho người khác. Nếu mọi người bảo mình sung sướng an nhàn thì không phải đâu, vì làm nông nghiệp rất vất vả. Bên Nhật lạnh âm độ, kinh khủng lắm mà vẫn phải trồng rau, xới đất để bán.

Mình may mắn vì được gả vào gia đình chồng có cơ sở, và bản thân mình cũng phải chăm chỉ, tự lực nên mới thích nghi được", chị Thúy tâm sự.

Nàng dâu tuổi Bính Dần được gia đình chồng quý mến

Đã nhiều năm ăn Tết xứ người, chị Thúy buồn vì không thể xum họp cùng bố mẹ tại Việt Nam. Nàng dâu tuổi Dần hy vọng khi dịch Covid-19 được kiểm soát sẽ được đón hương vị Tết cổ truyền cùng gia đình tại quê nhà.

Tác giả: Thủy Tiên

Nguồn tin: phapluat.suckhoedoisong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP