Pháp luật

Luật sư: “Không phải thích là “bắt”, là ‘cướp”, là “cưỡng”…

Đó là ý kiến của Luật sư Đặng Văn Cường xung quanh hình ảnh về tục bắt vợ, cướp vợ của người dân tộc thiểu số, đang thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng thời gian gần đây.

Vụ “cướp vợ” tại Nghệ An: Chủ tịch huyện và Luật sư lên tiếng

Mới đây, trên trang facebook cá nhân đăng clip hình ảnh một cô gái trẻ bị 4 hoặc 5 thanh niên ép đưa lên một chiếc xe máy và chở đi. Trong clip, cô gái gào khóc thảm thiết, giãy giụa khiến chiếc xe loạng choạng và cô gái rơi xuống đất... Sự việc chỉ dừng lại khi một số người vào can ngăn. May mắn, cô gái đã chạy thoát đám thanh niên.

Ngay sau clip này, nhiều trang facebook cá nhân đăng hình ảnh cướp vợ khác, khiến cho cộng đồng có nhiều ý kiến trái chiều về sự việc này. Tuy nhiên, từ góc độ pháp luật, sự việc này cũng cần phải được nhìn nhận rõ hơn.

Trao đổi với PV Infonet, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Tp Hà Nội, cho rằng: “Để trả lời chính xác vấn đề này thì cần hiểu được phong tục "bắt vợ" của người Thái, người H'mông và một số dân tộc thiểu số ở nước ta... Đồng thời cần làm rõ hành vi, động cơ mục đích của nhóm đối tượng bắt giữ cô gái tại Quỳ Hợp, Nghệ An được đăng tải trên các trang mạng trong những ngày qua.

Bắt vợ là một phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số, là một thủ tục "làm tắt" của những cặp đôi mà "tình trong như đã, mặt ngoài còn e"... chứ không phải thích là "bắt", là "cướp", là "cưỡng" như nhiều người vẫn nghĩ. Hành vi lợi dụng phong tục "bắt vợ" để cưỡng ép kết hôn, bắt giữ người trái pháp luật là những hành vi biến tướng của phong tục này cần phải bị lên án và bị xử lý theo pháp luật”.

conganvaocuocvucogaibinhomthanhnienbatepvelamvodspl
Ảnh minh họa từ clip về vụ được cho là "bắt vợ" ở Nghệ An

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, phong tục, tập quán không chỉ là nét văn hóa mà còn là quy tắc sinh hoạt động đồng. Phong tục cũng là những quy phạm có thể nâng lên thành luật, là nguồn của pháp luật. Khi không có luật điều chỉnh về một mối quan hệ, một vấn đề trong xã hội thì ưu tiên áp dụng phong tục, tập quán để giải quyết các mâu thuẫn trong xã hội. Tuy nhiên, khi đã có quy định pháp luật do Nhà nước ban hành, thừa nhận thì mọi công dân phải tuân thủ quy định pháp luật đó. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều cần bị phát hiện và xử lý nghiêm minh. Hiến pháp và pháp luật hiện hành bảo đảm và bảo vệ quyền tự do thân thể của công dân.

Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 quy định: "Điều 20

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định".

Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành (năm 2003) quy định một số trường hợp được phép bắt người là: Bắt người phạm tội quả tang; Bắt người trong trường hợp khẩn cấp; Bắt bị can, bị cáo để tạm giam; Bắt người đang bị lệnh truy nã và bắt người để thi hành án hình sự. Pháp luật cũng quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục trong các trường hợp bắt người nêu trên.

Ngoài các trường hợp nêu trên, thì việc bắt, giữ, giam người là trái pháp luật. Người nào có hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật sẽ bị xử lý hình sự. Điều 123 Bộ luật hình sự hiện hành quy định: "Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm..."

“Như vậy, theo quy định của Bộ luật hình sự thì chỉ cần đối tượng thực hiện hành vi dùng vũ lực khống chế người khác, ngăn cản việc thực hiện quyền tự do đi lại, tự do cư trú của người khác là hành vi này có thể xử lý hình sự. Pháp luật không quy định là phải "bắt được" người, phải giữ hoặc giam trong thời gian bao lâu mới cấu thành tội phạm. Theo quy định tại Điều 123 BLHS thì chỉ cần bắt người, giữ người hoặc giam người trái pháp luật là người có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hình sự”- Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

luatsucuong
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Tp Hà Nội)
Ngoài ra, luật sư Cường cũng nói thêm, nếu vi phạm pháp luật hình sự do lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa thì chỉ là tình tiết xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chứ không phải là căn cứ để loại trừ trách nhiệm hình sự. Vụ việc "cướp vợ" tại Quỳ Hợp, Nghệ An được đăng tải trên clip trên có dấu hiệu của tội bắt giữ người trái pháp luật theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự hiện hành (BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009).

Cụ thể, Bộ Luật hình sự hiện hành quy định như sau: “Điều 123. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Đối với người thi hành công vụ; d) Phạm tội nhiều lần; đ) Đối với nhiều người.

3. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm”.

Do đó, cần có biện pháp tuyên truyền đến những đồng bào người dân tộc thiểu số để loại bỏ những hủ tục gây ảnh hưởng đến quyền con người. Với những đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa cần có biện pháp phát triển kinh tế xã hội để đồng bào có thể có nhận thức dần dần.

Tác giả: Hồng Chuyên
Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP