Trong tỉnh

Hiểm họa tình trạng xuất khẩu lao động "chui" trên địa bàn huyện Tương Dương

Những năm gần đây, tình trạng người lao động trên địa bàn Tương Dương đi "lao động bất hợp pháp" ở một số nước trong khu vực đang diễn biến phức tạp. Đáng báo động, trong số đó có nhiều phụ nữ bị đường dây lừa đảo đi lao động, lợi dụng buôn bán người sang Trung Quốc.

Thực trạng này, không chỉ gây ra nhiều hệ lụy đối với xã hội, mà người lao động phải luôn đối mặt với vô vàn rủi ro, thậm chí có thể mất mạng.

Trong số 74 người hiện lao động ở nước ngoài của bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương thì chỉ có 4 người là đi theo con đường chính ngạch. Gia đình chị Vy Thị Long, có con trai là Vy Quang Đạt, đi XKLĐ hợp pháp tại Đài Loan đã 1 năm nay. Chị cho biết, con trai mình làm nghề cơ khí, nhờ tay nghề giỏi nên mức lương đạt 20 triệu đồng/tháng. “Con tôi đi XKLĐ theo con đường chính ngạch của nhà nước, thấy cháu đi làm ổn định, mới đây gọi điện về khoe mẹ, con được tăng ca tăng lương, thấy cháu nói rứa gia đình cũng mừng. Gia đình lúc nào cũng lắp wifi để coi con làm việc có ổn định hay không. Lâu nay, ở bản người đi lao động chui rất nhiều, nghe nói sang đó thì lao động chui lủi, nhưng khi đi thì không cần trình độ, như con tôi đi theo con đường này thì phải có bằng cấp 3, trước khi đi cháu học nghề 3-4 tháng có bằng cấp đàng hoàng”.

Trở về nhà an toàn, song chị Vy Thị Cáng vẫn đau đáu lo nghĩ cho số phận người chồng đang lao động chui ở Trung Quốc

Tuy nhiên, không phải ai cũng lựa chọn con đường chính ngạch như con trai chị Long. Ngay trên địa bàn xã Lưu Kiền, có tới 500 lao động bất hợp pháp, số lao động theo con đường chính ngạch chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Do nhu cầu tìm kiếm việc làm, bất chấp rủi ro chị Vy Thị Cáng ở bản Khe Kiền cũng đã 2 lần trốn sang Trung Quốc làm việc.

Hiện nay, vì sắp đến kỳ sinh nở, chị phải bỏ về nhà, riêng người chồng vẫn ở lại Trung Quốc. May mắn cho chị, dù sắp đến kỳ sinh nở, nhưng hiện chị đã trở về với gia đình an toàn. Song, chị vẫn luôn đau đáu, lo lắng cho người chồng vẫn đang ở lại Trung Quốc. “Chồng em không phải người địa phương đây, dừ đang ở bên Trung Quốc, em cũng lo lắm chị ạ, khi đi thì đi được rồi, nhưng lại lo khi về, nước mình đi thì không hợp lệ không có giấy tờ chi cả, rồi lo nhiều thứ lắm, lo công ăn việc làm rồi lo khi nhận được lương thì ra ngoài ăn uống nhậu nhẹt lại sa vô tệ nạn xã hội, rồi lại lo chồng bị họ bắt giam. Nhưng nếu không đi thì thì cũng không biết làm cấy chi. Đất đai thì không có. Nhà nước cũng không có đất mà chia cho nựa”.

Thôn bản vắng bóng lực lượng lao động chính, hầu hết chỉ có trẻ em và ông bà già

Chị Cáng cũng cho biết thêm khi đi, chị chỉ cần làm giấy thông hành, còn khi về là về chui, vì thế một năm chị mới dám về một lần. Tiền lương rất bấp bênh, không phải được trả theo tháng mà ăn theo sản phẩm. Nếu tháng nào chủ bán hàng được giá thì chị cũng được trả 7 triệu, còn tháng nào hàng rẻ thì chỉ được 4-5 triệu đồng. Sợ lao động bỏ trốn, chủ xưởng luôn lấy cớ nợ tiền lương. Không ai muốn đi lao động chui cả, vì luôn trong cảnh thấp thỏm sợ bị cảnh sát bắt giữ, phạt tiền.

Đa số người đi là lao động tay chân, trình độ thấp, không biết tiếng nước ngoài nên dễ bị chủ xưởng lừa, chèn ép. Ở bên ấy đất khách quê người, không biết tiếng bất đồng ngôn ngữ, ăn rồi chỉ được ở ru rú trong xưởng, vì họ cấm đi ra ngoài, nếu ai không nghe lời tự ý ra ngoài, bị bắt bớ thì người đó phải tự chịu. Khi đi thì hầu hết không ai học nghề, lại cũng chưa tốt nghiệp cấp 3, trình độ không có, cũng không biết làm chi cả, nên cứ bị chuyển từ chỗ này sang chỗ kia...

Trong mấy năm gần đây, cùng với nhu cầu tìm kiếm việc làm, bất chấp rủi ro cao, người lao động trên địa bàn huyện miền núi Tương Dương ồ ạt đi lao động “chui” ở tại các nước trong khu vực như Đài Loan, Thái Lan, Lào, Ả rập... đông nhất là thị trường Trung Quốc. Điều đáng báo động, số phụ nữ lấy chồng người nước ngoài đưa con về khai sinh, nhập hộ khẩu trên địa bàn huyện tăng cao. Ước tính toàn huyện có khoảng 3000 người đi lao động chui ở nước ngoài. Đáng lo ngại là có tới 12/18 xã có phụ nữ kết hôn bất hợp pháp với người nước ngoài, có 48 bà mẹ đã mang con về Việt Nam hoặc về sinh con tại quê. Trong số 52 trẻ sinh ra từ năm 2010 đến 2018, có tới 50 trẻ có bố là người Trung Quốc. Những xã có số phụ nữ đi lao động chui và lấy chồng nước ngoài đông, như Yên Na, Yên Hòa, Xiêng My, Lượng Minh..

Vào thời điểm Tết nguyên đán hàng năm các cặp vợ, chồng bất hợp pháp này thường đưa con về quê ăn tết cùng ông, bà ngoại, sau tết lại đi, có một số trường hợp thì để con ở lại với người thân, có một số thì lại đón con đi sang Trung Quốc. Thực trạng này đã gây ra nhiều hệ lụy, trẻ em không được khai sinh, không được học hành, chăm sóc đầy đủ... kéo theo đó là nguy cơ tiềm ẩn gây mất ổn định về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, kèm theo gánh nặng an sinh xã hội, gia tăng dân số..cho chính quyền địa phương.

Các cặp vợ, chồng bất hợp pháp thường đưa con về quê ăn tết sau đó để con ở lại với người thân.

“Hai năm trở lại đây thấy dân đi nhiều, chính quyền địa phương cũng tuyên truyền nhiều cho dân được biết nhưng vấn đề này rất khó, mặc dù các ban ngành đoàn thể cũng đã vào cuộc tập trung tuyên truyền cho hội viên của mình nếu đi XKLĐ phải đi theo con đường chính ngạch, nhưng khi họ đi họ im không báo với chính quyền nên cũng rất khó quản lý. Vì lực lượng này chủ yếu là trụ cột trong gia đình nên trong quá trình đi thì chỉ có ông bà già ở nhà. Con cái không được học hành đầy đủ, gắn liền với đó là sự chăm sóc con cái cũng không được đảm bảo, kèm theo những vấn đề tệ nạn xã hội như ma túy, nghiện hút... gia tăng, do đó tỷ lệ học sinh vào cấp 3 toàn xã chỉ có 20 em” - ông La Văn Bống, phó chủ tịch UBND xã Lưu Kiền cho biết.

Qua tìm hiểu, tình trạng phụ nữ đi lao động chui lấy chồng nước ngoài rồi mang con về trên địa bàn Tương Dương gia tăng là do một số phụ nữ đã lập gia đình, và đã có 1 đến 2 con hoặc chưa có con, nhưng do chồng nghiện ma túy, cuộc sống hạnh phúc gia đình bế tắc, do đó người phụ nữ tìm cách tự giải phóng cho bản thân bằng cách đi sang Trung Quốc lấy chồng. Một nguyên nhân không kém phần quan trọng là do nhu cầu tìm việc làm của lao động địa phương chưa được đáp ứng. Sâu xa của tình trạng thiếu việc làm trên địa bàn huyện Tương Dương, đó là người dân thiếu đất sản xuất. Mặc dù, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về XĐGN, tuy nhiên một số chủ trương, chính sách chưa đi vào cuộc sống.

Cụ thể như Nghị định 75-CP về cơ chế chính sách Bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020. Mặc dù đã ban hành từ năm 2015 nhưng đến thời điểm này, phần lớn người dân trên địa bàn huyện chưa được hưởng từ việc nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng, chính sách vay vốn trồng rừng... nguyên nhân là chưa có kinh phí để giao đất, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSD đất lâm nghiệp cho người dân.

Ánh mắt ngơ ngác của đứa trẻ thiếu vắng sự chăm sóc của bố mẹ

Trong khi đi XKLĐ theo con đường chính ngạch đòi hỏi người lao động phải có bằng cấp, có trình độ, học tiếng và phải có kinh phí để đóng cho các công ty môi giới, thì đi lao động “chui” họ không cần quan tâm đến những vấn đề này. Trên thực tế, phần lớn các nghề và công việc mà người lao động xuất cảnh sang các nước làm thuê đều là lao động chân tay như làm mộc, làm đồ chơi trẻ em, đồ nhựa gia dụng, giúp việc...có mức thu nhập khá hấp dẫn.

Bình quân mỗi lao động có mức thu nhập từ 300-500 nghìn đồng/ngày và khoảng 9-10 triệu đồng/tháng. Nếu so với mức thu nhập của người lao động ở Tương Dương hiện nay thì thu nhập tại nước ngoài cao hơn. Nguy hiểm hơn, lợi dụng tâm lý thiếu hiểu biết của người lao động, một số đối tượng buôn bán người, phụ nữ, trẻ em gái, lừa gạt lao động, môi giới đưa những người phụ nữ này sang Trung Quốc. Thậm chí trong số người đi trước, lại trở về lôi kéo người thân trong gia đình cùng đi.

Xung quanh vấn đề này, ông Lô Thanh Nhất, phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương trao đổi: “Việc người lao động đi lao động không chính ngạch ở nước ngoài khi phát sinh các vấn đề ở nước ngoài ví dụ như quyền bảo hộ đối với công dân ở nước ngoài của Nhà nước .. do vậy phần thiệt là người lao động. Trước tình trạng đó, chúng tôi cũng đã đề ra một số giải pháp để thực hiện. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động để người dân tham gia lao động theo con đường chính ngạch. Đồng thời kết nối với các doanh nghiệp, các kênh của nhà nước để người dân có thông tin và định hướng thông tin chắc chắn cho họ yên tâm đi XKLĐ hợp pháp”.

Tuyên truyền trong đồng bào Mông, không tin theo đối tượng buôn bán người, môi giới phụ nữ sang lấy chồng người Trung Quốc.

Tìm việc làm, tạo thu nhập ổn định là nhu cầu chính đáng, nhất là với đồng bào ở các huyện miền núi cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng, đi lao động “chui” là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng lớn đến an ninh, trật tự xã hội. Vì thế, các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, tuyên truyền, vận động nhanh chóng chấm dứt tình trạng lao động bất hợp pháp trên địa bàn Tương Dương.

Tuy nhiên, về lâu dài, các cấp các ngành cần phải thực sự quan tâm giải quyết gốc rễ vấn đề nổi cộm này. Với xu thế hội nhập thì sắp tới thị trường lao động ở ASEAN sẽ phát triển theo hướng tự do, không thông qua các công ty môi giới.. Thiết nghĩ, một khi người lao động được tự lựa chọn, tự thỏa thuận với các công ty phù hợp với trình độ, tay nghề của mình, được tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết các thủ tục XKLĐ theo con đường chính ngạch thì tình trạng lao động “chui” sẽ không còn đất sống./.

Tác giả: Hiến Chương

Nguồn tin: Truyền hình Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP