Giáo dục

Hàng nghìn sinh viên bị đuổi ở Sài Gòn: Hãy trách người học lười biếng

Theo TS Lê Viết Khuyến, hàng nghìn sinh viên bị đuổi do thiếu cố gắng và cố vấn học tập không phát huy được hết vai trò của mình.

Chia sẻ với Zing.vn, TS Lê Viết Khuyến - nguyên phó vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ GD&ĐT, cho hay câu chuyện 2.000 sinh viên có nguy cơ bị đuổi học tại ĐH Giao thông TP.HCM là đáng buồn.

Tuy nhiên, khi nhìn nhận vấn đề này, chúng ta cần phân tích thấu đáo. Đó không phải hoàn toàn do hướng nghiệp mà có phần trách nhiệm của sinh viên, người thầy và công tác quản lý của nhà trường.

Sinh viên nếu tự trọng đã không bỏ bê học hành

- Mỗi năm, hàng nghìn sinh viên của một số trường đại học bị đuổi. Mới đây nhất, gần 2.000 sinh viên của ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM có nguy cơ "đứt gánh giữa đường". Theo ông, đâu là nguyên nhân chính?

- Trong lịch sử giáo dục đại học của nước ta, trước đây tồn tại những kỳ thi vượt rào khắt khe cũng không có tỷ lệ sinh viên bị trượt cao như hiện nay. Tất nhiên, nếu các trường muốn quản lý học sinh theo triết lý tối ưu, tỷ lệ buộc thôi học cao cũng là điều dễ hiểu.

TS Lê Viết Khuyến - nguyên vụ phó Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho rằng sinh viên phải xem lại bản thân mình trước khi bị đuổi học. Ảnh: NVCC.

Xét về nguyên nhân, chúng ta đổ lỗi sinh viên bị đuổi học do hướng nghiệp là ngụy biện. Hướng nghiệp là câu chuyện muôn thuở. Tôi và nhiều thế hệ đi học làm gì có hướng nghiệp nhưng vẫn tự động viên mình học sao cho tốt. Một người có lòng tự trọng đã không có chuyện bỏ học đi chơi để dẫn đến bị đuổi.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến câu chuyện này, trong đó có lý do là sinh viên lười, bỏ bê không học hành, nghỉ liên tiếp, dẫn đến kết quả học tập tệ hại.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác đến từ phía người thầy và hệ thống quản lý cố vấn học tập.

- Cố vấn học tập có vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học như thế nào?

- Hiện nay, phần lớn các trường đại học đều chuyển sang hệ thống tín chỉ. Vai trò của cố vấn học tập rất quan trọng, bắt buộc phải song hành. Tuy nhiên, nhiều trường lại lơ là việc này. Đây là lỗi của nhà quản lý.

Cố vấn học tập là giảng viên am hiểu về chương trình đào tạo, có trách nhiệm, uy tín với giảng viên khác và sinh viên. Họ được khoa chọn ra, đưa vào danh sách, sau đó hiệu trưởng ký quyết định ban hành. Mỗi cố vấn học tập nhận không quá 50 sinh viên và theo sát các em từ lúc vào trường đến khi tốt nghiệp.

Sinh viên có quyền đăng ký môn học nhưng phải được duyệt qua cố vấn để định hướng chương trình học sao cho hợp lý với năng lực.

Sinh viên gặp khó khăn trong cuộc sống hay tâm lý tình cảm sẽ được cố vấn giúp đỡ. Ngoài ra, cố vấn học tập còn có vai trò trung gian, giúp cho sinh viên giải quyết khúc mắc với nhà trường.

Nếu làm một cuộc khảo sát hỏi sinh viên các trường có đánh giá cao và thấy được vai trò, hiệu quả của cố vấn học tập hay không, chúng ta có thể thấy câu trả lời là "làm việc theo hình thức".

Trong khi đó, có trường học ở Thái Lan sa thải cố vấn học tập nếu làm cho sinh viên thiệt thòi (nặng nhất là bị thôi học).

Trường hợp cố vấn học tập đã làm hết trách nhiệm, có khuyến cáo bị đuổi học và giải pháp nhưng sinh viên vẫn không cố gắng thì đó là lỗi của các em.

Đề xuất công khai tỷ lệ sinh viên bị đuổi học

- Cố vấn học tập khác giáo viên chủ nhiệm như thế nào?

- Khi chuyển sang học theo hệ thống tín chỉ, cố vấn học tập sẽ có trách nhiệm cao hơn nhiều so với giáo viên chủ nhiệm.

Nếu học theo cách cũ, sinh viên trong lớp có thời khóa biểu giống nhau, thì theo tín chỉ sẽ có người ra trường nhanh, kẻ chậm. Lớp học cũ có giáo viên chủ nhiệm, lớp trưởng, ban cán sự lớp. Vậy ở lớp học mới, ai có nhiệm vụ bao quát? Đó chính là cố vấn học tập.

Ở nước ta, vị trí cố vấn học tập bị hạn chế vì nhiều lý do, trong đó có việc nhà trường đào tạo tín chỉ nhưng không hiểu hết được bản chất, cứ tưởng “đẻ” ra chức mới lại phải thêm phụ cấp tốn kém. Chúng ta nên xác định rằng đây là một khâu bắt buộc và quan trọng.

- Việc sinh viên bị đuổi học cao có đồng nghĩa chất lượng đào tạo nhà trường tốt, bởi đã thẳng thắn loại những em không đạt yêu cầu?

- Nếu nếu trường đã làm hết cách rồi mà sinh viên vẫn không đáp ứng được, đó rõ ràng là lỗi của sinh viên.

Nhưng dù thế nào, các trường cũng không nên lấy việc loại nhiều sinh viên làm thành tích để chứng tỏ đó là trường đại học tốt, đào tạo nghiêm túc hơn các cơ sở khác.

Bởi bản chất của hệ thống đại học phải là giúp sinh viên thành công trong học tập, cụ thể là tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để sau khi tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.

Tôi đề xuất sắp tới, Bộ GD&ĐT yêu cầu tất cả trường đại học cung cấp số liệu sinh viên bị buộc thôi học, công khai để dư luận biết, từ đó có cái nhìn tổng thể về vấn đề này một cách đúng đắn.

Hàng loạt sinh viên ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM có nguy cơ bị đuổi học. Đây là hồi chuông báo động về công tác hướng nghiệp trong nhà trường.

Dư luận quan tâm đến 2.000 sinh viên ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM có nguy cơ bị đuổi học.

Đầu tháng 10/2017, ĐH luật TP.HCM cũng đưa ra danh sách 112 em bị buộc thôi học.

ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), năm học 2016-2017, buộc thôi học hơn 500 sinh viên, cảnh báo học vụ khoảng 600 em.

Tháng 4/2016, ĐH Sư phạm TP.HCM công bố danh sách 617 sinh viên các khóa (từ K37 đến K40) thuộc diện bị buộc thôi học và 666 sinh viên các khóa (từ K37 đến K41) bị cảnh báo học vụ.

Cũng trong năm 2016, lãnh đạo ĐH Nông Lâm TP.HCM phải ký một lúc 946 quyết định buộc thôi học.

Tác giả: Quyên Quyên

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP